Sưu tập hiện vật điêu khắc đá tháp Chương Sơn thời Lý thế kỷ XI – XII lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định với 145 hiện vật, được sưu tầm tại núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, gồm các cấu kiện kiến trúc dùng để xây dựng, trang trí tháp (thành bậc lan can; mặt đá ghép tường; các loại đố dọc, đố ngang; trụ cuốn, lá đề, tượng người, tượng linh vật,...) và một số hiện vật khác (tượng Phật, bệ đá,...). Đề tài trang trí thể hiện trên các hiện vật điêu khắc đá rất đa dạng, phong phú như hoa văn cây cỏ (hoa sen, hoa cúc, lá đề,...), các biểu tượng tự nhiên (văn mây, sóng nước,...), con người (tượng Phật, vũ nữ Apsara), động vật (rồng, khỉ, chim thần Garuđa,...)...
Sưu tập hiện vật điêu khắc đá đa dạng về cách tạo hình, phong phú về đề tài hoa văn trang trí không chỉ chứng minh sự tồn tại của tháp Chương Sơn (còn gọi là tháp “Vạn Phong Thành Thiện”, xây dựng từ năm 1108 đến năm 1117, triều vua Lý Nhân Tông) được nhắc tới trong sử sách mà còn giúp chúng ta hình dung về quy mô to lớn bề thế của tháp - đại danh lam, trung tâm của Hành cung Ứng Phong dưới triều Lý. Sưu tập này còn cung cấp nhiều thông tin có giá trị về đặc trưng văn hóa, về nền nghệ thuật, mỹ thuật thời Lý; sự phát triển của nghề thủ công chạm khắc đá, đồng thời phản ánh sự hưng thịnh của Phật giáo thế kỷ XII, trong đó Nam Định là một trong những trung tâm Phật giáo của nước ta.
Tổng hợp, biên tập
Phạm Kim Yến
Một số hình ảnh về sưu tập hiện vật điêu khắc đá tháp Chương Sơn thế kỷ XI - XII
Một số hiện vật điêu khắc đá tháp Chương Sơn tại Bảo tàng tỉnh Nam Định
Mặt đá tròn
Đố dọc
Thành bậc lan can (Tay vịn cầu thang)