“Sưu tập hiện vật sơn mài Cát Đằng tại Bảo tàng tỉnh Nam Định” gồm 173 hiện vật (195 thành phần hợp thành hiện vật), được phân thành 4 nhóm hiện vật, trong đó có 85 hiện vật là sản phẩm hàng chắp, được làm từ chất liệu nứa, sơn mài chiếm số lượng nhiều nhất. Sau đó đến sản phẩm hàng nét với 41 hiện vật được làm từ chất liệu gỗ, sơn mài. Bên cạnh hai chất liệu chính, còn có bộ dụng cụ sản xuất sản phẩm sơn mài truyền thống có 15 hiện vật đa chất liệu như: gỗ, nhựa, sắt, sừng trâu, tóc người hoặc lông động vật (lông heo, mèo) và nhóm hiện vật giấy ảnh, nội dung phản ánh lịch sử hình thành và phát triển nghề sơn mài Cát Đằng: 32 hiện vật. Hiện vật thuộc sưu tập có niên đại sớm nhất là cuối thế kỷ XIX và muộn nhất: đầu thế kỷ XXI.
Sưu tập hiện vật sơn mài Cát Đằng phong phú và đa dạng về loại hình, chất liệu. Đa số hiện vật là những mẫu trưng bày, giới thiệu sản phẩm và làm mẫu để sản xuất ra nhiều sản phẩm khác phục vụ nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tùy thuộc loại hình sản phẩm lại có những chức năng sử dụng khác nhau như: hiện vật sơn mài thuộc hàng nét sử dụng để trang trí làm đẹp không gian gia đình, công sở như: các bức tranh sơn mài; Có nhóm hiện vật là đồ thờ: câu đối, chân đế, mâm bịch,…sử dụng để bày trang trí không gian di tích, từ đường dòng họ,…. Một loại hình hiện vật sử dụng làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày như: Album, bàn cờ, khay…. Khác với hiện vật là sản phẩm hàng nét, hiện vật thuộc sản phẩm hàng chắp được làm từ chất liệu nứa, sơn mài sử dụng để trang trí nội thất tinh xảo như bình, lọ hoa,…Một loại hình hiện vật là đồ gia dụng để đựng hoa quả, thức ăn,... Ngoài ra còn một số hiện vật được sáng tạo mẫu mới hiện đại, bắt nhịp với xu hướng phát triển của xã hội như các sản phẩm bát với các kiểu dáng cách tân như bát dáng thuyền, bát khảm vỏ ốc, lọ lục bình, lọ cắm hoa, đã góp phần tôn thêm vẻ sang trọng cho không gian nội thất của gia đình, công sở.
Sưu tập hiện vật sơn mài Cát Đằng có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật độc đáo. Mỗi một hiện vật sơn mài thuộc sưu tập là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, thể hiện trình độ kỹ thuật đạt đến độ tinh xảo. Người nghệ nhân đã thể hiện sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo trong từng chi tiết tạo tác sản phẩm. Từ việc lựa chọn sơn, pha chế sơn đến việc lựa chọn gỗ, nứa rồi chau chuốt tạo cốt, vóc gắn vá, bọc vải, bó, kẹt, hom, lót, thí, cầm,… tới sơn kết hợp vẽ đề tài trang trí, đánh bóng hoàn thiện cho sản phẩm. Có những tác phẩm tranh sơn mài từ khi bắt đầu đến hoàn thiện phải trải qua nhiều giai đoạn từ bước làm vóc tranh cho tới giai đoạn mài tới hàng chục các lớp sơn với những lượt mài khác nhau và có thể kéo dài khoảng 4 đến 6 tháng hay thậm chí là nhiều năm. Có lẽ cũng chính vì quá trình phức tạp đòi hỏi sự công phu cùng với kỹ thuật tỉ mỉ, kỹ lưỡng mà những tác phẩm sơn mài luôn bền đẹp và được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn, khiến cho người xem không chỉ ngắm nhìn mà còn muốn khám phá, trải nghiệm từng chi tiết, biểu tượng cảm xúc mà tác giả thổi hồn vào tác phẩm.
Hiện vật sơn mài không chỉ là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật sử dụng trang trí làm đẹp không gian mà còn hàm chứa bên trong những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc. Nội dung phản ánh quá trình lao động, sản xuất, sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta trong việc tiếp thu và biến đổi các yếu tố văn hóa để hình thành nên những thành tố văn hóa của riêng mình. Thông qua những nét vẽ tinh tế, sắc màu sống động trên hiện vật không chỉ biểu thị những cảm xúc sâu lắng của tác giả mà còn truyền tải những thông điệp văn hóa và triết lý sống của con người gửi gắm trong mỗi loại hình hiện vật như ước vọng cầu may mắn, bình an, sung túc và hạnh phúc. Nhiều sản phẩm đã trở thành biểu tượng đặc trưng cho văn hóa Việt Nam tồn tại từ bao đời nay như loại hình khay, tráp sử dụng trong Lễ ăn hỏi truyền thống, những sự kiện quan trọng… Mặt khác khi sáng tạo sản phẩm sơn mài, những nghệ nhân Cát Đằng đã phác họa những chủ đề thiên nhiên sinh động như núi non, sông nước, hoa lá, động vật,…để tái hiện và tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên làng quê Việt Nam, mang đến cảm giác vui tươi, yên bình và thanh lịch.
Sưu tập hiện vật sơn mài Cát Đằng phản ánh giá trị lịch sử sâu sắc, giúp chúng ta tìm hiểu về mảnh đất, con người, làng nghề sơn mài Cát Đằng từ khi hình thành, phát triển đến nay đã có trên 700 năm lịch sử. Từ đó chúng ta càng trân trọng tự hào hơn những giá trị di sản văn hóa truyền thống của quê hương. Bởi mỗi hiện vật sơn mài đã hàm chứa bên trong những thông tin, phản ánh tư tưởng, đời sống văn hóa và quan niệm nghệ thuật của con người thời đại nó ra đời. Nó ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng thông qua những đề tài trang trí trên hiện vật - một nguồn tư liệu hữu ích giúp thế hệ sau có thể nhìn nhận sự thay đổi, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và vai trò của con người trong mỗi giai đoạn lịch sử đó.
Như vậy, có thể nói sưu tập hiện vật sơn mài Cát Đằng giúp chúng ta hình dung ra một bức tranh văn hoá đặc sắc được tô đậm bởi những hiện vật sơn mài độc đáo, phản ánh sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ cũng như những cảm xúc, tư tưởng, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của Nghệ nhân gửi gắm trong mỗi một hiện vật sơn mài. Nhờ đó mà những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống hàm chứa trong mỗi loại hình sản phẩm được lan tỏa khắp các vùng miền không chỉ trong nước mà còn vươn ra ngoài một số nước trên thế giới, đóng góp vào sự đa dạng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nguyễn Thị Mai Huế
Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản
Một số loại hình hiện vật sơn mài thuộc sưu tập hiện vật