Sưu tập hiện vật phản ánh cuộc sống của người dân thành phố Nam Định thời Bao cấp (giai đoạn 1976-1986), tại Bảo tàng tỉnh Nam Định 16/09/2024


“Sưu tập hiện vật phản ánh cuộc sống của người dân thành phố Nam Định thời Bao cấp (giai đoạn 1976-1986), tại Bảo tàng tỉnh Nam Định” có 107 hiện vật. Mỗi một hiện vật liên quan đến một câu chuyện cảm động, phản ánh những đặc trưng của thời Bao cấp (giai đoạn 1976 – 1986) cụ thể là: Cơ chế của nhà nước; hình thức phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm qua hình thức bốc thăm, tem phiếu, sổ mua lương thực….Từ cơ chế đó đã tác động ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố Nam Định. Sưu tập hiện vật phân thành 3 nhóm hiện vật thể hiện 3 chủ đề đặc trưng:
Nhóm hiện vật phản ánh đời sống của người dân thành phố Nam Định dựa trên sự phân phối của Nhà nước: Với những hình ảnh Cửa hàng mậu dịch quốc doanh, Cửa hàng bách hóa bán buôn bán lẻ,..hình ảnh xếp hàng mua lương thực, thực phẩm, các loại Sổ mua lương thực và tem phiếu, tiền….là những minh chứng xác thực phản ánh cơ chế phân phối lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố Nam Định giai đoạn 1976-1986. Thời kỳ này hàng hoá được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, không được mua bán tự do trên thị trường, không được phép vận chuyển hàng hoá tự do từ địa phương này sang địa phương khác. Chế độ hộ khẩu được thiết lập để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Đồng tiền bị mất giá, có tiền đôi khi cũng khó có thể mua được vật dụng như mong muốn. Bởi mọi nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống lúc bấy giờ là được trao đổi bằng tem phiếu. Hàng hóa khó khăn thiếu thốn mọi thứ nhưng cũng không ít thừa thãi. Đó là đặc trưng của cơ chế làm theo chỉ tiêu, bán theo phân phối, không được tự do trao đổi mua bán hàng hóa trên thị trường. Tất cả đều phải thực hiện dưới sự quản lý của Nhà nước. Điều đó, lý giải vì sao, có những nhà đến 3, 5 tháng liền chỉ được lĩnh vải mà không được lĩnh xà phòng; nhà toàn phụ nữ nhưng khi lĩnh tiêu chuẩn quần áo lót thì toàn quần đùi, áo may ô, và dao cạo râu…Lương công nhân, viên chức chỉ được trả một phần so với thực tế, phần còn lại được quy ra hiện vật, trả bằng sản phẩm do chính mình làm ra hoặc được quy đổi bằng những vật dụng mà có khi cả tháng trời mang về không biết sử dụng vào việc gì. Ngay cả đến những chiếc bát ăn cơm, bộ ấm chén để uống nước, mũi kim, cuộn chỉ…hay bất kể một thứ vật dụng nào được sử dụng phục vụ cho cuộc sống của con người đều do Nhà nước phân phối hoặc mua bằng hình thức tem phiếu theo quy định. Bao cấp là như vậy, không kể người dân thành phố hay nông thôn, không phân biệt đối tượng, Nhà nước bao cấp, điều hành và chi phối tất cả.
Mỗi hộ gia đình ở phố được chia theo tiêu chuẩn 4m2/ người nên không gian quá chật chội. Tiêu chuẩn đó cũng không giữ được khi mỗi gia đình tự nở ra thành hai, ba , bốn gia đình bởi con cái lớn lên và lấy vợ, lấy chồng nhưng tất cả vẫn sinh hoạt trong không gian cũ. Thời đó, buổi tối người ta nhìn vào căn nhà, bên trong được ngăn nhỏ ra bằng các tấm ri-đô, mỗi một khoang riđô là một đôi vợ chồng, đôi khi con cái cũng chui vào đó. Sáng ra tất cả ri đô được kéo gọn lại và căn phòng trở nên công cộng như cũ. Giường không đủ cho tất cả nên một số người phải trải chiếu nằm đất.

Thời bao cấp một số sản phẩm được mua theo cơ chế phân phối đặc trưng như:  ti vi, Radio, đài catsset, đầu đĩa, quạt con cóc, quạt tai voi, chiêc đồng hồ, nồi áp suất, máy ảnh, xe đạp peugeot,…. Đó là những sản phẩm xa xỉ, là ước mơ của nhiều người và chỉ có những cậu ấm cô chiêu của các gia đình khá giả mới có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm đỉnh cao của công nghệ thời đại đó.
Thời kỳ này nền kinh tế nghèn nàn đã tác động, ảnh hưởng làm cho cuộc sống của người dân trở nên  khó khăn, thiếu thốn mọi mặt. Tuy nhiên trong “cái khó ló cái khôn” và những đức tính trời phú cho con người như đùm bọc yêu thương nhau, năng động sáng tạo lại được phát huy hiệu quả. Người ta biết sống vì nhau và tự giác hơn. Dẫu chỉ là một hòn đá xếp hàng nhưng chẳng ai nỡ gạt nó ra để thế chỗ mình vào. Cứ để viên đá thay mặt về nhà lo cám lợn, lo cho con đi học rồi quay lại mua gạo vẫn còn nguyên vị trí thứ tự xếp hàng của mình. Hay trong cái sự xếp hàng ấy, ai bế con nhỏ thế nào cũng được nhường vị trí lên trước để vừa mua được hàng sớm vừa mua được hàng ngon.
Nhóm hiện vật phản ánh đời sống văn hóa thời Bao cấp như: Máy chiếu phim, kịch bản, progam,vé xem phim,…là những hiện vật phản ánh một thời kỳ nền kinh tế nghèo nàn nhưng lĩnh vực văn hóa sôi động tạo ra đời sống tinh thần lành mạnh, góp phần phát triển và ổn định xã hội. Các rạp phim và kịch được mở lại thứ bảy, chủ nhật, khán giả đông nghìn nghịt, thậm chí rất có thể không mua được vé. Phương tiện thông tin duy nhất lúc đó là đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam nên mốt đàn ông ra đường đi xe đạp và đeo đài rất thịnh hành. Hàng tháng các Đoàn phim và kịch, chèo từ thành phố về nông thôn lưu diễn. Họ mang theo cả phông màn, nhạc cụ, máy chiếu phim đơn (quay từng cuộn một), máy nổ,…. Người dân nông thôn háo hức, thậm chí đi bộ mấy cây số để đến xem chiếu phim, diễn kịch.
Nhóm hiện vật phản ánh sự mưu sinh của người dân thành phố Nam Định như: Chiếc máy khâu thời kỳ này giúp con người may vá quần áo, chiếc máy đánh chữ cũng là công cụ để kiếm thêm thu nhập,.. Có nhiều nghề mà nếu như không sống trong giai đoạn đó khó có thể nghĩ đến như: Nghề mua bán tem phiếu, nghề bơm bút bi, nghề đánh máy chữ, nghề làm thuốc lá,…
Như vậy, sưu tập hiện vật tựa như một bức tranh thu nhỏ, một không gian văn hóa tái hiện sinh động và cụ thể những nét văn hóa đặc trưng của người dân thành phố Nam Định giai đoạn 1976-1986. Sưu tập hiện vật hiện đang được trưng bày tại tầng 3 của Bảo tàng tỉnh Nam Định và hấp dẫn công chúng tham quan. Với những hiện vật hàm chứa những câu chuyện cảm động đã đem đến cho công chúng hai trạng thái cảm xúc, đó là sự hồi tưởng (với thế hệ người lớn tuổi) và trải nghiệm (với thế hệ tuổi trẻ). Những người sinh ra và lớn lên trước thời kỳ đổi mới khi đến tham quan sẽ hồi tưởng lại quá khứ, dấu ấn đậm nét một thời và chia sẻ những câu chuyện của riêng mình với các thế hệ trẻ tiếp bước. Thế hệ trẻ được trải nghiệm không gian văn hóa này sẽ hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống khó khăn, gian khổ của ông, bà, cha, mẹ để từ đó càng trân trọng và tự hào hơn những thành quả ngót 30 năm đổi mới của Đảng, của đất nước, đồng thời phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Nam Định nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung ngày một giàu đẹp văn minh.

Nguyễn Thị Mai Huế
Trường phòng Kiểm kê - Bảo quản


Một số hình ảnh liên quan: 


Mậu dịch Quốc doanh - Cửa hàng Bách hóa bán lẻ, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định.


Cửa hàng phân phối nhu yếu phẩm cho công nhân Nhà máy điện Nam Định, thành phố Nam Định









 

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập