Sưu tập trang phục, đạo cụ thực hành nghi lễ chầu văn của người Việt tại Bảo tàng tỉnh Nam Định có 338 hiện vật là những trang phục, đạo cụ, nhạc cụ được sưu tầm tại các di tích thờ Mẫu tại Phủ Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên và quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Sưu tập hiện vật là một hệ thống những trang phục, đạo cụ, nhạc cụ ứng với 36 giá đồng trong thực hành nghi lễ chầu văn. Đó là những hiện vật gắn với thần tích, tính cách các vị thần linh mỗi giá đồng. Mỗi bộ trang phục được may thêu cầu kỳ, lại đượm sắc thái của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc do các thanh đồng lựa chọn theo tư duy, thẩm mỹ của mình nên không bộ nào giống bộ nào, có giống nhau chăng là quy ước về màu sắc theo từng Phủ. Các vị thánh thuộc phủ nào sẽ mặc trang phục theo phủ đó. Thiên phủ ( màu đỏ), Địa phủ (màu vàng), Thoải phủ (màu trắng), Nhạc phủ (màu xanh). Các trang phục được may thêu cầu kỳ, lại đượm sắc thái của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc do các thanh đồng lựa chọn theo tư duy, thẩm mỹ của mình nên không bộ nào giống bộ nào, gồm: Y phục (trang phục thanh đồng mặc trước khi hầu đồng); Khăn tấu hương; khăn phủ diện; Trang phục Tam vị Thánh Mẫu; Trang phục Ngũ vị Quan lớn; Trang phục Tứ vị Chầu Bà hay Tứ vị Thánh Bà; Trang phục các Ông Hoàng; Trang phục Thập Nhị Vương Cô; Trang phục Tứ phủ Thánh Cậu; Trang phục người hầu dâng; Trang phục người hát văn. Bên cạnh trang phục là các nhạc cụ, đạo cụ cũng rất đa dạng góp phần quan trọng không thể thiếu trong một buổi thực hành nghi lễ chầu văn. Tùy theo nội dung, thần tích các vị Thánh mà các đạo cụ, nhạc cụ được sử dụng, cụ thể:
Đối với Thánh hàng Quan thường có múa kiếm, long đao, kích... Cung văn chơi nhạc và hát điệu hát dồn, lưu thủy, có tiếng trống và cảnh đồng đệm nhịp. Thánh hàng Chầu Bà thường có múa mồi, múa quạt theo nhịp điệu xà thượng, xá giây lệch. Thánh hàng Ông Hoàng thường có múa cung, múa hèo theo nhị điệu lưu thủy, hát bộ. Thánh hàng Cô thường múa mồi, múa quạt, múa chèo đò, múa thêu hoa, dệt gấm, múa hái hoa...theo các nhịp bỏ bộ, lưu thủy, điệu xá. Thánh hàng Cậu thường múa hèo, múa lân, theo điệu lưu thủy, bỏ bộ có đệm theo nhịp trống sư tử.
Nhóm hiện vật đạo cụ, gồm 3 nhóm:
+ Nhóm binh khí như: đao, kiếm, cờ để thể hiện các nhân vật dũng mãnh, uy quyền đánh giặc trừ tà.
+ Nhóm đạo cụ thể hiện sự quyền quý, tao nhã như: hèo, quạt, hộp thuốc, bút đề thơ, nậm rượu,...
+ Nhóm đạo cụ giá các Cô có mái chèo, quang gánh, lẵng hoa, nón quai thao, túi chầu dao quắm, thậm chí giá Cô Tám đồi chè còn có cả một cành chè tươi...
- Nhóm hiện vật nhạc cụ gồm: đàn nguyệt, phách, cảnh đôi, thanh la, sáo, mõ, trống cái và trống con.
Ngoài trang phục, đạo cụ, nhạc cụ gắn với các giá đồng, sưu tập còn có một số hiện vật khác là những vật dụng quan trọng không thể thiếu đối với thanh đồng trong quá trình thực hành nghi lễ chầu văn như: “Bàn loan”, lọ hoa, chiếc gương soi, gối vỗ, gối tựa, hòm đựng xiêm y (trang phục), hộp đựng đồ trang điểm,....
Như vậy sưu tập hiện vật trang phục, đạo cụ không chỉ phong phú về loại hình mà còn có giá lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ phản ánh sâu sắc tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và nghi lễ chầu văn của người Việt nói riêng mà Phủ Dầy chính là nơi khởi nguồn, hội tụ và lan tỏa. Sưu tập hiện vật không chỉ giúp nhận diện sự khác biệt về hình thức giữa dòng đồng cốt (nghi thức hầu đồng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu) với hình thức Lên đồng của dòng Thanh đồng mang tính ma thuật thường diễn ra trong dịp giỗ đức Thánh Cha mà còn hình dung ra một sân khấu tâm linh, ở đó có 36 màn trình diễn trang phục tương ứng với 36 giá đồng và những làn điệu âm nhạc hấp dẫn cuốn hút. Với những giá trị cốt lõi đó, ngày 1/12/2016 UNESCO chính thức ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần thêm khẳng định những giá trị độc đáo quý hiếm của di sản văn hóa vật thể đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.
Nguyễn Thị Mai Huế
Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản
Một số hình ảnh về Sưu tập: