Sưu tập hiện vật gốm sành thời Trần thế kỷ XIII - XIV 17/06/2019


Sưu tập “Hiện vật gốm sành thời Trần thế kỷ XIII – XIV” tại Bảo tàng tỉnh Nam Định” có tổng số 139 hiện vật. Những di vật này được phát hiện, khai quật tại các di chỉ, di tích khảo cổ học thời Trần ở phường Lộc Vượng, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định), xã Mỹ Phúc, xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc)….
Cũng như các loại hình gốm khác, gốm sành rất phong phú về loại hình như: vại, vò, chum, nắp đậy, bình vôi... Gốm sành được làm từ loại đất sét chất liệu mịn, tỷ lệ pha tạp chất ít, nung ở nhiệt độ cao nên xương gốm đanh chắc không ngấm nước.
Các sản phẩm gốm sành thời Trần tại Bảo tàng Nam Định được tạo lên bằng 3 phương pháp tạo hình cơ bản là: dải cuộn, nặn khối và bằng bàn xoay. Đồ án hoa văn trang trí trên sản phẩm đơn giản, thường là hoa văn chải mịn hoặc thô, sóng nước, khuông nhạc. Về công dụng, loại hình sản phẩm này phần lớn để phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trong kho tàng di sản văn hóa thời Trần thì dòng gốm sành chỉ là một lát cắt rất nhỏ. Tuy nhiên vị trí của chúng lại cực kỳ quan trọng trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội của một tầng lớp đông đảo cư dân thời đó. Sưu tập “Hiện vật gốm sành thời Trần thế kỷ XIII – XIV” tại Bảo tàng tỉnh Nam Định giúp chúng ta có một cách nhìn tổng thể và hoàn thiện hơn về triều đại nhà Trần, một triều đại đã để lại nhiều thành tựu to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là dấu ấn văn hóa Trần trên mảnh đất Nam Định.

Tổng hợp, biên tập
Nguyễn Thị Đông

Một số hình ảnh về sưu tập gốm sành thời Trần thế kỷ XIII - XIV


Một số hiện vật gốm sành thời Trần tại Bảo tàng tỉnh Nam Định 


Vại sành thời Trần


Chum sành thời Trần




 

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập