Lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng tỉnh Nam Định

Bảo tàng tỉnh Nam Định là một trong số Bảo tàng cấp tỉnh có lịch sử hình thành khá sớm. Năm 1958 Ty Văn hóa Nam Định đã tách bộ phận nghiệp vụ bảo tàng thuộc phòng Văn hóa đại chúng để thành lập Phòng Bảo tồn, Bảo tàng. Đây là mốc son quan trọng, đặt nền móng để xây dựng và phát triển Bảo tàng tỉnh Nam Định ngày nay.
Từ tiền thân là Phòng Bảo tồn, Bảo tàng, trải qua các giai đoạn lịch sử, với nhiều lần di chuyển địa điểm làm việc, thay đổi tên gọi theo địa danh hành chính do chia tách, sáp nhập tỉnh, đến năm 2018, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã có lịch sử hình thành và phát triển tròn 60 năm (1958-2018) gắn liền với lịch sử của Ngành Văn hóa (nay là Văn hóa, Thể thao và Du lịch) của tỉnh.
Lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng tỉnh
Nam Định có thể tạm chia thành các giai đoạn sau:
1.Thời kỳ Phòng Bảo tồn Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa
Nam Định (1958-1965)
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngày 29/10/1957 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 519/TTg về việc bảo vệ và sử dụng di tích Lịch sử - Văn hóa và danh lam thắng cảnh. Ngày 17/9/1959 Vụ Bảo tồn, bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa được thành lập đã phát động phong trào “Toàn dân sưu tầm hiện vật”.
Trên cơ sở pháp lý đó, Phòng bảo tồn, Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa Nam Định do đồng chí Đỗ Dương Thông làm trưởng phòng đã tổ chức sưu tầm ở trong nhân dân và tại các di tích bị tàn phá sau chiến tranh hàng trăm hiện vật có giá trị, trong đó có nhiều hiện vật quý phản ánh sự đóng góp của quân, dân Nam Định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và nhiều cổ thư, cổ vật. Kết quả của đợt sưu tầm này đã ra đời một trưng bày triển lãm đầu tiên về di sản văn hóa ở tỉnh Nam Định với chủ đề “Lịch sử tỉnh Nam Định” tại khu triển lãm của tỉnh (nay là Bảo tàng tỉnh).
Nhiều di tích tiêu biểu có giá trị lịch sử, kiến trúc của tỉnh đã được lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa xếp hạng ngay từ đợt đầu trên toàn miền Bắc như: Đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, Chùa Phổ Minh, Cột cờ Nam Định (thành phố Nam Định); chùa Keo (huyện Xuân Trường).
Thời kỳ này Phòng còn giúp các địa phương xây dựng nhà truyền thống như: Nhà truyền thống xã Liên Minh (huyện Vụ Bản), phòng truyền thống xã Giao Yến (huyện Giao Thủy), phòng truyền thống xã Hải Trung (huyện Hải Hậu)…
Năm 1963 Hồ Chủ Tịch về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định. Cán bộ Bảo tàng vinh dự được đón Bác đến thăm trưng bày lịch sử tỉnh Nam Định. Bác đã ghi sổ vàng truyền thống “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng CNXH thắng lợi” (hiện nay bút tích và hình ảnh của Bác với nhân dân Nam Định đã được tái hiện bằng bức phù điêu, đặt trang trọng tại gian khánh tiết trưng bày của Bảo tàng tỉnh). Ngay năm 1963 Phòng đã giúp Nhà Máy Dệt Nam Định trưng bày truyền thống của Nhà máy tại khu “Nhà 0”, trong đó đã kịp thời bảo tồn không gian lưu niệm Bác ngay tại căn phòng Bác đã nghỉ đêm tại đây.
Có thể nói, đây là thời kỳ quan trọng, là cơ sở, nền móng để xây dựng phát triển Bảo tàng tỉnh Nam Định ngày nay, đồng thời còn khẳng định vai trò, vị trí của Bảo tàng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
2.Thời kỳ Phòng Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa
Nam Hà (1965 – 1975)
Tháng 4 năm 1965, hai tỉnh Nam Định và Hà Nam sáp nhập thành tỉnh Nam Hà. Phòng bảo tồn, Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa Nam Hà, Thời kỳ này giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc (1965-1972). Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định cũng là địa phương bị bom Mỹ tàn phá khốc liệt. Phòng lần lượt phải sơ tán qua nhiều địa điểm tại huyện Vụ Bản, Lý Nhân, Bình Lục, Mỹ Lộc, kho hiện vật được chuyển về chùa Phổ Minh xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định. Đến năm 1973 phòng chuyển về làm việc tại khu “Nhà 0” (nay là Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam).
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBHC Tỉnh, đội ngũ cán bộ Bảo tàng cùng cán bộ Ngành Văn hóa đã hướng về cơ sở vừa hoạt động chuyên môn vừa giúp nhân dân sản xuất, phục vụ chiến đấu.
Một trong những hoạt động bảo tồn, bảo tàng có ý nghĩa thời sự thời kỳ này là Phòng đã chủ động cử phóng viên nhiếp ảnh kịp thời ghi lại hình ảnh tất cả những công trình kiến trúc, công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở thành phố Nam Định đề phòng máy bay Mỹ ném bom tàn phá. Nhờ những tư liệu quý đó  đến nay chúng ta có cơ sở nghiên cứu, phục dựng lại các công trình đã bị bom Mỹ phá hủy, Cột cờ Nam Định được phục dựng năm 1997 là một ví dụ.
Nhiều cuộc trưng bày triển lãm cũng được tổ chức kịp thời phục vụ, động viên, cổ vũ tinh thần hăng hái sản xuất và anh dũng chiến đấu của cán bộ nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh. Năm 1967 trưng bày “Ơn Đảng nặng thù giặc sâu” tại 3/2, năm 1966, trưng bày “Thành tích bắn rơi máy bay địch” tại nhà thông tin triển lãm ở Cửa Đông, Thành phố
Nam Định. Ngoài ra Phòng còn phối hợp với Cục Bảo tồn, bảo tàng của Bộ Văn hóa Thông tin trưng bày truyền thống Nhà Máy Dệt, Nhà Máy Tơ, đặc biệt là cuộc trưng bày chuyên đề “Thời Trần và cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông tại Đền Thiên Trường với những tài liệu, hiện vật qúy được nghiên cứu, sưu tầm, chuẩn bị công phu, thu hút sự quan tâm của đồng đảo cán bộ nhân dân trong tỉnh đến tham quan, học tập.
Hoạt động khảo cổ thời kỳ này cũng để lại dấu ấn trong sự nghiệp bảo tồn bảo tàng của tỉnh. Năm 1966 đến 1967 Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam tổ chức khai quật phế tích tháp Chương Sơn tại núi Ngô Xá xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, cuộc khai quật đã phát hiện hàng trăm cổ vật quý giúp cho công tác nghiên cứu về kiến trúc, Phật giáo và Văn hóa của dân tộc ta thời Lý. Đến hôm nay nhiều hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, trong đó có 2 hiện vật được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia. Tiếp đó, là cuộc khai quật ngôi mộ hợp chất thời Lê (mộ xác ướp bà Phạm Thị Nguyên Trân) ở thôn Vân Cát xã Kim Thái, Vụ Bản, năm 1970 lại phát hiện được 1 giếng cổ thời Trần sau chùa Phổ Minh rồi lần lượt các thành phần kiến trúc cung điện Thiên Trường như hệ thống cống thoát nước, sân gạch hoa chùa Đệ Tứ được xuất lộ. Đó là  những cơ sở khoa học quan trọng để nghiên cứu quy mô, cấu trúc Hành cung Thiên Trường phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa thời Trần trên quê hương Nam Định.
3.Thời kỳ Phòng Bảo tồn bảo tàng - Nhà Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa, Thông tin Hà
Nam Ninh (1975-1991)
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước thống nhất, ngày 27/12/1975 Quốc hội ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Nam Hà và Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, Phòng Bảo tồn, Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa Thông tin Hà Nam Ninh. Lúc này Trưởng phòng là đồng chí Phạm Văn Thường (từ 1974-1976), đội ngũ cán bộ nghiệp vụ Bảo tồn, Bảo tàng do 2 tỉnh gộp lại và được bổ sung nhiều cán bộ được đào tạo cơ bản, để đáp ứng yêu cầu  hoạt động trên địa bàn của một tỉnh rộng lớn, lúc này kho hiện vật được chuyển về Hồ Truyền thống, một bộ phận cán bộ chuyển về làm việc tại dãy nhà cấp 4 Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, đường Hàn Thuyên, Thành phố Nam Định. Sau khi hợp nhất, Bảo tàng đã tập trung xây dựng khu trưng bày cổ vật tại Hồ Truyền thống, và nhanh chóng tổ chức trưng bày chuyên đề “Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và quân dân Hà Nam Ninh” với quy mô lớn.
Công tác khai quật khảo cổ học khu di tích Trần tiếp tục được trú trọng, năm 1976 đã phát hiện sân gạch hoa thời Trần tại chùa Đệ Tứ, xã Lộc Hạ,Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bí thư Tỉnh ủy Phan Điền đã đến thăm, động viên cán bộ Bảo tồn, bảo tàng.
Cũng trong năm 1976 Phòng Bảo tồn, bảo tàng còn giúp huyện Hải Hậu thiết kế xây dựng và tổ chức trưng bày Bảo tàng huyện. Đây là Bảo tàng huyện ra đời sớm nhất trên toàn quốc. Nhiều nhà truyền thống được Bảo tàng tỉnh giúp đỡ đã ra đời như: Nhà truyền thống xã Chuyên Ngoại huyện Duy Tiên, Phú Khánh huyện Tam Đông, Quỳnh Lưu huyện Nho Quan, nhà truyền thống các xã Hải Anh, Hải Trung, Hải Phú huyện Hải Hậu, Nghĩa Đồng huyện Nghĩa Hưng.
Ngày 21/6/1980 UBND tỉnh Hà Nam Ninh ra Quyết định số 617/QĐ-TC thành lập Nhà Bảo tàng gọi là Bảo tàng Hà Nam Ninh. Đây được coi là mốc sơn quan trọng thứ 2 trong lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng tỉnh
Nam Định. Từ đây Bảo tàng thưc sự trở thành một thiết chế văn hóa, có địa điểm làm việc và trưng bày riêng, có con dấu và tài khoản đảm bảo cho các hoạt động. Đồng chí Đỗ Dương Thông, trưởng Phòng Bảo tồn, bảo tàng (lần 2) từ 1976-1980 nay được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc, đồng chí Đào Đình Tửu giữ chức vụ Phó giám đốc Bảo tàng.
Tuy nhiên giai đoạn này nền kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có hoạt động bảo tồn, bảo tàng. Hoạt động nổi bật thời kỳ này là cuộc trưng bày tại khu Hồ Truyền thống với quy mô lớn về “Lịch sử Hà Nam Ninh” và trưng bày nhóm vũ khí khí tài của quân đội ta tham gia bảo vệ bầu trời Hà Nam Ninh trong kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1988 Bảo tàng tỉnh được chia tách  thành 2 đơn vị sự nghiệp là Bảo tàng tỉnh và Ban Quản lý di tích lịch sử và danh thắng. Đồng chí Mai Công Trực đảm nhận chức vụ Giám đốc Bảo tàng từ năm 1986-1989. Sau 2 năm hoạt động mô hình này đã bộc lộ nhiều bất cập, cán bộ chuyên môn bị phân tán, chồng chéo một số chức năng. Vì thế đến năm 1989 UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa Thông tin hợp nhất Bảo tàng và Ban Quản lý di tích lịch sử và danh thắng vẫn lấy tên là Bảo tàng Hà Nam Ninh. Đồng chí Đặng Công Nga được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc từ năm 1989-1992. Thời kỳ này đất nước đang chuyển mình theo công cuộc đổi mới và cùng với sự hợp nhất 2 đơn vị, Bảo tàng tỉnh như có thêm sức mạnh, nhiều hoạt động chuyên môn nghiệp vụ diễn ra sôi nổi.
Năm 1990 kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh, UBND tỉnh điều chuyển khu nhà “K”  trụ sở của Ủy ban Vật giá tỉnh tại số 3 Hoàng Hoa Thám, Thành phố Nam Định cho Bảo tàng quản lý, làm trụ sở để tổ chức trưng  bày “Bác Hồ với nhân dân Hà Nam Ninh” tại Nhà truyền thống Dệt. Lúc này bộ phận lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu được chuyển đến làm việc tại khu nhà “K”, kho hiện vật và phòng trưng bày vẫn duy trì hoạt động tại Hồ Truyền thống.
4. Thời kỳ Bảo tàng Hà
Nam thuộc Sở Văn hóa Thông tin Nam Hà ( 1991-1996)
Tháng 1 năm 1992 Quốc hội khóa VIII đã ra Quyết định tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Gần chục cán bộ của Bảo tàng quê Ninh Bình trong đó có giám đốc Đặng Công Nga được chuyển về Bảo tàng Ninh Bình. Lúc này Bảo tàng Nam Hà chỉ còn lại 14 cán bộ. Đồng chí Nguyễn Xuân Năm được bổ nhiệm làm giám đốc, đồng chí Trần Đăng Ngọc vẫn đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc. Giai đoạn này thực hiện chủ trương xếp hạng di tích cấp tỉnh, từ 1992 -1996 Bảo tàng đã lập hồ sơ xếp hạng được 38 di tích, trong đó có 16 di tích cấp tỉnh. Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích thời kỳ này cũng đạt được nhiều kết quả trong đó đáng chú ý là dự án trùng tu chùa Phổ Minh do nguồn vốn của Hội “Vô vị lợi” tài trợ và dự án tu sửa tôn tạo hệ thống ngũ môn, tường bao, sân sạch của đền Thiên Trường, đền Cố Trạch do Bảo tàng làm chủ đầu tư. Hoạt động nghiên cứu khoa học nổi bật thời kỳ này là Bảo tàng đã tham mưu với UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công cuộc hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thời Trần và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà”. Đây là cuộc hội thảo có quy mô lớn có giá trị lý luận và thực tiễn cao làm cơ sở để tỉnh triển khai các quy hoạch, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Trần tại địa phương.
Năm 1996, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiệp y xếp hạng II đối với Bảo tàng Nam Hà.
5. Thời kỳ Bảo tàng tỉnh
Nam Định thuộc Sở Văn hóa thông tin (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Nam Định (1996 đến nay)
Tháng 11 năm 1996, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam. Bảo tàng cũng được chia tách theo, sau 5 năm lại một lần nữa phải chia tách con người và tài liệu, hiện vật. Tuy nhiên lần này số lượng tài liệu, hiện vật và cán bộ người Hà Nam không nhiều nên không ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Bảo tàng Nam Định.Thời kỳ này có thể chia làm 2 giai đoạn.
- Giai đoạn từ 1996 – 2005
Sau khi tái lập tỉnh Nam Định, Bảo tàng tỉnh vẫn quản lý, làm việc tại 2 địa điểm là Hồ Truyền thống và khu nhà “K” số 3 Hoàng Hoa Thám ngoài ra vẫn quản lý trực tiếp đền Thiên Trường thuộc khu di tích Đền Trần.
Khu Hồ Truyền thống giai đoạn này được đầu tư cải tạo, sửa chữa khá quy mô và được đổi tên là Công viên Văn hóa Tức Mặc.
Tháng 10 năm 2000, UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Ban Quản lý di tích và Danh thắng, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thông tin, tách hoạt động di tích ra khỏi bảo tàng. Năm 1998, đồng chí Nguyễn Xuân Năm được điều chuyển bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở, đồng chí Trần Đăng Ngọc được bổ nhiệm làm giám đốc Bảo tàng từ năm 1998 đến năm 2004. Cuộc trưng bày triển lãm “Truyền thống thể thao
Nam Định” phục vụ Seagames22 là hoạt động đáng chú ý thời kỳ này.
- Giai đoạn 2005 đến nay: Đây là giai đoạn xây dựng hoàn thiện và phát triển Bảo tàng tỉnh
Nam Định.
Tháng 5 năm 2004 đồng chí Nguyễn Văn Thư phó giám đốc Bảo tàng tỉnh được bổ nhiệm chức vụ giám đốc thay đồng chí Trần Đăng Ngọc nghỉ hưu.
Thời gian này, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được Nhà nước ban hành khá đồng bộ. Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, được sửa đổi bổ sung năm 2009 đã đề cập đến cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là quy định rõ về tổ chức, hoạt động của bảo tàng. Ngày 23/6/2005 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt
Nam đến năm 2020. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp phát triển bảo tàng trên toàn quốc, trong đó có Bảo tàng tỉnh Nam Định. Ngày 18/8/2005 UBND tỉnh có Quyết định số 2572/2005/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Nam Định. Đây là mốc son thứ 3 trong lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng tỉnh. Kể từ thời điểm này Bảo tàng tỉnh Nam Định đã chuyển mình, bước sang một giai đoạn lịch sử mới: thời kỳ hoàn thiện và phát triển. Hơn 10 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện đầy đủ các hoạt động của thiết chế văn hóa và hoàn thành những nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước:
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án xây dựng, Bảo tàng tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu với Sở và UBND tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ dự án. Công trình được khởi công xây dựng ngày 25/12/2006, khánh thành giai đoạn 1 phần xây lắp ngày 8/10/2009. Tổng diện tích mặt bằng xây dựng: 9402m2, quy mô xây dựng: 5.200m2 với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng với yêu cầu hoạt động của Bảo tàng hạng II và phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố Nam Định trở thành Trung tâm khu vực Nam đồng bằng Sông Hồng. Tiếp đó Bảo tàng đã nghiên cứu xây dựng đề cương nội dung trưng bày “Lịch sử xã hội tỉnh Nam Định” tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia về lĩnh vực bảo tàng, báo cáo Sở và UBND tỉnh đầu tư hạng mục trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng (giai đoạn 2 của dự án). Sau gần 3 tháng tập trung, nỗ lực thực hiện, hạng mục trưng bày nội ngoại thất đã hoàn thành, kịp khánh thành toàn bộ công trình vào dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường Nam Định. Bảo tàng tỉnh cũng là một trong số công trình được gắn biểu tượng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định và cũng là công trình có hình khối kiến trúc đẹp trong số các Bảo tàng tỉnh trong toàn quốc. Toàn bộ dự án đã được nghiệm thu, kiểm định, kiểm toán, quyết toán đảm bảo tiến độ chất lượng, tuân thủ các quy trình, thủ tục xây dựng cơ bản theo đúng các quy định của nhà nước.
Cùng với việc trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng cũng đã lập phương án báo cáo Sở và UBND tỉnh cho phép di chuyển toàn bộ kho hiện vật, cơ sở vật chất từ Hồ Truyền thống về địa điểm mới, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Sau 60 năm hình thành phát triển, đến thời điểm này Bảo tàng mới ổn định một địa điểm làm việc và có đủ các điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện đầy đủ chức năng của một thiết chế văn hóa đặc thù.
Năm 2012, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu, giúp việc cho Sở và UBND tỉnh chuẩn bị toàn bộ nội dung, kế hoạch và công tác tổ chức hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học kỷ niệm 750 Thiên Trường – Nam Định” làm cơ sở để Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định tổ chức kỷ niệm sự kiện này, đồng thời Bảo tàng cũng được giao xây dựng dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh tổ chức kỷ niệm 750 Thiên Trường – Nam Định góp phần vào thành công của lễ kỷ niệm.
Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh cũng đã tham mưu với Sở và UBND tỉnh thành lập Hội Cổ vật Thiên Trường tỉnh Nam Định và cấp phép hoạt động cho 2 Bảo tàng tư nhân, đó là Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh ở thành phố Nam Định và  Bảo tàng Đồng quê ở huyện Giao Thủy, đồng thời tư vấn hỗ trợ chuyên môn để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả theo tinh thần của Luật di sản văn hóa, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa ở địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển. Tiếp đó, Bảo tàng cũng đã tham mưu, giúp việc cho sở xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều đề án, kế hoạch thuộc lĩnh vực di sản văn hóa như: Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh; Dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Nam Định; đặc biệt là Kế hoạch tổ chức đón Bằng UNESCO ghi danh “ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tổ chức tại Quần thể Di tích Phủ Dầy năm 2017. 
- Về công tác trưng bày phát huy giá trị di sản văn hóa
Trong những năm qua Bảo tàng tỉnh đã tổ chức và phối hợp các cơ quan, đơn vị cá nhân, tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng tỉnh và các địa phương trong, ngoài tỉnh để tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Có thể kể tên một số cuộc trưng bày có quy mô lớn và hiệu quả như sau:
- Năm 2005: Phối hợp với Hội cổ vật Thiên Trường – Nam Định trưng bày “Cổ vật tinh hoa đồng bằng Sông Hồng” nhân dịp Hội Cổ vật được thành lập.
- Năm 2009: Trưng bày “Di sản văn và cây cảnh nghệ thuật”; Trưng bày: “Di sản văn thời Trần trên quê hương
Nam Định” tại Bảo tàng thu hút hàng ngàn người tham dự.
- Năm 2010: Trưng bày “Bác Hồ với quê hương Nam Định” phục  vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; giúp UBND huyện Xuân Trường trưng bày “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trường Chinh” tại Trung tâm huyện Xuân Trường.
- Năm 2011: Trưng bày “Di sản văn với phát triển du lịch” với sự phối hợp tham gia của Hội Cổ vật và Hội Sinh vật cảnh của tỉnh; Hỗ trợ nghệ sĩ nhiếp ảnh Đăng Thanh Triển lãm ảnh nghệ thuật “Cảm xúc trước cuộc sống”.
- Năm 2012: Phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long trưng bày chuyên đề: “Thăng Long – Thiên Trường thời đại Trần TK XIII – XIV” tại Thành cổ Hà Nội hướng tới kỷ niệm 750 Thiên Trường –
Nam Định.
- Năm 2013: Phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày chuyên đề “65 năm vang mãi lời Người” tại Bảo tàng tỉnh nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; Phối hợp với Hội Mỹ thuật Trung ương và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức thành công Triển lãm mỹ thuật khu vực II đồng bằng Sông Hồng tại Bảo tàng tỉnh; Hỗ trợ để tổ chức triển lãm tranh của họa sỹ Trần Trung Kỳ hội viên Hội Mỹ thuật Trung ương.
- Năm 2014: Phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông và Sở Thông tin – Tuyên truyền của tỉnh tổ chức các hoạt động hướng về biển đảo tại Bảo tàng tỉnh, trong đó có trưng bày “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và “Nam Định chung sức, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”. Tiếp đó nội dung trưng bày này đã được tổ chức lưu động tại các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy và thành phố
Nam Định thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
- Năm 2015: Phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Hai chị em hai trận tuyến” tại Hà Nội; Phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày “Hình tượng sư tử và nghê trong điêu khắc cổ Việt Nam” tại các tỉnh thành lớn trong toàn quốc (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên...). Đây không chỉ là hoạt động quảng bá, tuyên truyền về di sản văn hóa của quê hương Nam Định với du khách, nhân dân trong cả nước mà còn là hoạt động nhằm hưởng ứng chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng các sản phẩm, biểu tượng linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam.
- Năm 2016: Tổ chức triển lãm chuyên đề: “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị” tại Bảo tàng từ nguồn kinh phí xã hội hóa với sự chung tay của cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu trong và ngoài tỉnh. Đây là một trong các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu di sản hướng tới việc UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2016.
Ngoài các cuộc trưng bày, triển lãm có quy mô lớn như trên trong thời gian qua Bảo tàng tỉnh còn tư vấn, hỗ trợ chuyên môn tổ chức trưng bày các nhà truyền thống, nhà lưu niệm danh nhân ở các địa phương và các ngành như: Bảo tàng các huyện: Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên. Nhà truyền thống: Lực lượng Vũ trang tỉnh, trường Lê Hồng Phong, trường Nguyễn Khuyến, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh, Nhà Hát Chèo Nam Định, Ngân hàng nhà nước tỉnh, Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nhà lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ xã Nam Vân, Thành phố Nam Định, Nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu xã Hải Anh, huyện Hải Hậu...
- Hoạt động nghiên cứu khoa học
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Bảo tàng tổ chức và tham mưu tổ chức đã góp phần làm sáng tỏ các giá trị lịch sử-văn hóa của địa phương giúp cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Trong 10 năm qua, Bảo tàng đã tham mưu giúp việc cho Sở và UBND tỉnh tổ chức, phối hợp tổ chức thành công các cuộc hội thảo khoa học như: “Thái sư Lại Thế Vinh – Con người và sự nghiệp”; “Lễ khai ấn đền Trần – giá trị và giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc”; “Luận cứ khoa học kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định”; Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa thờ Nữ thần ở Việt Nam và Châu Á – Bản sắc và giá trị”; Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại (trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu)”. Tọa đàm “Tư tưởng nhân văn quân sự của các danh tướng thời Trần”...
Bảo tàng cũng đã tham gia nghiên cứu xây dựng “Đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội đền Trần”; Nghiên cứu phục hồi “Nghi lễ rước nước tế cá”; Nghi lễ rước kiệu ngọc lộ” trong lễ hội đầu xuân tại đền Trần. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Sở, Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu xây dựng 4 hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định”; “Lễ hội Phủ Dầy”; “Lễ hội đền Trần - Nam Định”; Nghề Sơn mài Cát Đằng. Lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 bảo vật quốc gia gồm: Bộ chân đèn, lư hương thời Mạc; tượng Phật A Di Đà thời Lý, Thành bậc lan can thời Lý, Mô hình nhà thời Trần. Bảo tàng tỉnh còn được Sở và UBND tỉnh giao phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt “trình UNESCO vinh danh. Ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học nêu trên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình Bảo tàng tỉnh còn tổ chức nghiên cứu 09 đề tài khoa học về di sản văn hóa, xây dựng 18 sưu tập hiện vật, viết hàng trăm bài nghiên cứu trên báo và tạp chí đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương, đặc biệt đã xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng và kết nối hệ thống Bảo tàng công lập, ngoài công lập với các di tích tiêu biểu của tỉnh để đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử-văn hóa góp phần xây dựng xã hội học tập và phát triển du lịch.
- Công tác xã hội hóa bảo tồn và sưu tầm hiện vật
Có thể nói, công tác xã hội hóa các hoạt động bảo tồn phát huy di sản văn hóa là một trong những thành công của Bảo tàng Nam Định. Trong 10 năm qua Bảo tàng tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 17 đợt hiến tặng hiện vật của các tổ chức và cá nhân với số lượng: 2.447 hiện vật phù hợp với hoạt động của Bảo tàng và hơn 1.000 đầu sách nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có các sưu tập hiện vật quý có giá trị tiêu biểu như: Trống đồng, sưu tập đồ gốm thời Lý – Trần, tượng thờ...
Hoạt động giao lưu, cổ vật đầu xuân vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm thu hút các hội cổ vật, các câu lạc bộ cổ vật các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng và hàng ngàn người yêu thích thưởng ngoạn cổ vật tham dự, tạo được sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích cổ vật góp phần hạn chế nạn chảy máu cổ vật, phát triển du lịch của địa phương. Cuộc triển lãm năm 2015 với chủ đề: “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị” là cuộc triển lãm được thực hiện hoàn toàn bằng chủ trương xã hội hóa  với sự chung tay tham gia của đại diện cộng đồng là chủ thể văn hóa không chỉ ở Nam Định mà còn ở các địa phương trong khu vực như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình. Nguồn kinh phí thực hiện hơn một tỷ đồng và hàng trăm tài liệu hiện vật trưng bày đều do cộng đồng đóng góp xây dựng triển lãm.
Công tác sưu tầm và bảo quản hiệt vật cũng là một điểm sáng của Bảo tàng tỉnh. Trước năm 2005 tổng số tài liệu, hiện vật mới có 13.412, đến nay đã là 20.195. Số tài liệu, hiện vật sưu tầm trong hơn 10 năm qua bằng 1/3 trước đây. Toàn bộ số tài liệu đã được kiểm kê, phân loại, bảo quản và tư liệu hóa một cách khoa học. Năm 2008 Bảo tàng đã lập dự án xin Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tài trợ 30.000 USD bảo quản sưu tập đồ thờ sơn son thếp vàng. Từ đây Bảo tàng cũng đã tổ chức được phòng kỹ thuật bảo quản, đào tạo cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo quản các chất liệu.
Ngoài các hoạt động trên, Bảo tàng tỉnh còn được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lý và phát huy tác dụng di tích  lịch sử -văn hóa Cột cờ Nam Định, tại đây Bảo tàng đã trưng bày một số tư liệu hình ảnh về Thành Nam xưa và chỉnh trang di tích, gắn kết với Bảo tàng để phát huy giá trị.
Sau khi tách hoạt động quản lý di tích khỏi Bảo tàng, Bảo tàng phải tự đề nghị xuống hạng III, năm 2011 lại được công nhận trở lại hạng II trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.
Ngày 08/12/2020, UBND tỉnh Nam Định có Quyết định số 2939/QĐ-UBND thành lập Bảo tàng tỉnh Nam Định trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Di tích & Danh thắng và Bảo tàng tỉnh thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 
Sau khi hợp nhất, Bảo tàng đã xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng bảo tàng hạng I. Ngày 18/05/2021, Bảo tàng tỉnh Nam Định được xếp hạng I trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam theo Quyết định số 1591/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Có thể nói, trong những năm qua từ khi dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh được thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cục Di sản văn hóa, trực tiếp là Sở VHTTDL và sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan trong và ngoài ngành, Bảo tàng tỉnh đã tích cực chủ động phát huy hiệu quả của thiết chế, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương đồng thời tạo ra các sản phẩm văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển. Những hoạt động đó đã đưa vào Bảo tàng tỉnh Nam Định trở thành một trong các bảo tàng cấp tỉnh hoạt động năng động, hiệu quả nhất trong toàn quốc hiện nay, khẳng định vị thế của bảo tàng hạng I của một tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đấu tranh cách mạng, là một trong những vùng đất kết tinh, hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc.

Nguyễn Văn Thư
Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định










Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập