Nghi lễ Chầu văn của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 08/05/2019


Nghi lễ Chầu văn của người Việt còn có tên gọi là Hát văn - hầu đồng, Hát văn - hầu Thánh, Bắc ghế hầu đồng, Ngự loan, Loan giá ngự đồng…là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian” và “Tập quán xã hội”. Nghi lễ Chầu văn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ các vị Thánh được thực hành ở nhiều vùng miền của đất nước nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ trong đó Nam Định là trung tâm của tín ngưỡng, vừa là nơi khởi nguồn, hội tụ, vừa có tính lan tỏa. Theo kết quả kiểm kê bước đầu (năm 2012) Nghi lễ Chầu văn được phân bố ở khắp 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Nam Định với 287 di tích (trong đó có 118 phủ, 64 đền, 29 điện, 51 chùa, 25 di tích khác), đặc biệt là các di tích trọng điểm như phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định)…
Nghi lễ Chầu văn của người Việt là sự tổng hợp nhiều hoạt động nghi lễ tín ngưỡng do cộng đồng sáng tạo và trực tiếp thực hành, trình diễn trong môi trường không gian thiêng của di tích (đền, điện, phủ, miếu) gắn với hát văn hay hát chầu văn, do thủ nhang, thanh đồng (ông/bà đồng), cung văn và một số người hầu dâng (người giúp việc thanh đồng) thực hành.

Nghi lễ Chầu văn ra đời sớm nhất vào khoảng thế kỷ XVII gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu - một tín ngưỡng bản địa của người Việt. Giai đoạn cuối triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) là thời kỳ thịnh vượng nhất của Nghi lễ Chầu văn của người Việt nói chung, ở Nam Định nói riêng, có sự tham gia của các quan lại địa phương và triều đình. Từ năm 1954 - 1990, do nhận thức chưa đúng đắn của một số nhà quản lý, cùng với điều kiện kinh tế khó khăn, chiến tranh loạn lạc nên nghi lễ chầu văn dần dần mai một vì hầu đồng bị coi là mê tín dị đoan. Từ năm 2000 đến nay, cùng sự phát triển của kinh tế xã hội, với các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ này được khôi phục, phát triển trở lại và nay còn được sân khấu hoá, trình diễn để phục vụ đời sống đương đại.

Hát Chầu văn có nhiều hình thức biểu hiện như: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Ở Nam Định hình thức biểu hiện chủ yếu là hát hầu trong các giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu và hát cửa đền ở các di tích thờ Đức Thánh Trần. Nhịp điệu và tiết tấu có chậm, vừa và nhanh. Bên cạnh những làn điệu có tiết tấu rõ ràng, tính chất âm nhạc trong sáng, đậm nét dân ca đồng bằng Bắc Bộ trong các điệu bồng mạc, sa mạc, cò lả... và âm hưởng của Ca trù trong các điệu bỉ, phú nói, phú bình, phú chênh, phú tỳ bà,... cũng thể hiện rất rõ nét trong kết cấu giai điệu của âm nhạc trong hát chầu văn.
Trong Nghi lễ Chầu văn, trước mỗi vấn hầu, những người thực hành phải chuẩn bị lễ vật, trang phục, đạo cụ trong múa hầu đồng phù hợp với từng giá hầu, phản ánh tính cách của từng vị Thánh được hầu. Lễ vật trong mỗi vấn hầu trước kia thường đơn giản. Vật phẩm cơ bản gồm xôi, thịt, hoa quả, trầu, cau, rượu, thuốc, vàng mã,… Ngày nay, lễ vật ngày càng phong phú, gồm cả những sản phẩm hàng hóa công nghiệp, thực phẩm đương thời, đắt tiền, dùng trong cả lễ mặn và lễ chay.
Mở đầu mỗi vấn hầu, pháp sư đăng đàn cúng Phật, Thánh, sau đó người hầu đồng vào xin phép loan giá ngự đồng. Ông (bà) đồng ngồi vào giữa bốn người hầu dâng. Người hầu dâng trùm lên đầu ông đồng một vấn khăn màu đỏ gọi là khăn phủ diện. Trong một buổi hầu đồng không phải ai cũng hầu tất cả các vị Thánh, mà chỉ hầu một số các vị Thánh nhất định, phù hợp với yêu cầu tâm nguyện của họ. Quy trình thực hiện nghi lễ Chầu văn gồm có 4 bước: mời Thánh nhập, kể về sự tích và công đức của Thánh, xin Thánh phù hộ và đưa tiễn. Thông thường, những ông bà đồng thường hầu từ 8 đến 15 giá; người hầu nhiều nhất có thể đến 25 giá.
Trong một giá hầu, âm nhạc và hát văn là những yếu tố quan trọng không thể thiếu được, góp phần tạo điều kiện cho sự xuất thần của người hầu. Vì thế ban cung văn phải có sự nhạy bén, ứng tác kịp thời, ăn nhịp với các hành động của ông đồng, bà đồng. Cung văn phục vụ trong mỗi cuộc hầu đồng thường gồm từ 03 đến 05 nhạc công, sử dụng đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, đồng thời là những người biết hát văn.
Như vậy, có thể nói Nghi lễ Chầu văn là sự kết hợp hữu cơ giữa một thể loại âm nhạc (hát văn) và một hình thức tín ngưỡng dân gian (hầu Thánh), được quy định khá chặt chẽ từ làn điệu, lời văn, động tác múa, trang phục, đạo cụ… thành một thể thống nhất hoàn chỉnh. Mối quan hệ đó, đã đưa Nghi lễ Chầu văn trở thành sinh hoạt nghệ thuật tổng hợp, trong đó yếu tố sân khấu kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh, có sức hấp dẫn đối với những người từng tham gia một vấn đồng trong tín ngưỡng Tam, Tứ phủ.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt là tín ngưỡng bản địa, tích hợp các hình thức văn hoá dân gian khác nhau như: âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công truyền thống, trang phục cùng với nghệ thuật trang trí, kiến trúc, ẩm thực... trong một thể thống nhất hữu cơ hoàn chỉnh, trong đó yếu tố “sân khấu” kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh, phản ánh tư duy, nhận thức về tự nhiên, xã hội của cộng đồng. Tín ngưỡng này vừa bảo tồn các giá trị truyền thống như "uống nước nhớ nguồn", vừa được cộng đồng tái tạo, tích hợp các giá trị văn hoá mới, để thích ứng với điều kiện cuộc sống hiện đại, vì vậy nó có sức hấp dẫn cao đối với mọi người, nhất là những người theo tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt nói chung, ở Nam Định nói riêng đã trải qua những giai đoạn thăng trầm và đang phục hồi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Những cung văn, ông/bà đồng có kinh nghiệm, nắm giữ nhiều lời văn, làn điệu cổ vẫn đang truyền dạy, chỉ bảo tại chỗ theo phương thức truyền miệng từ đời này sang đời khác, tuy nhiên phần lớn họ đã tuổi cao, sức yếu nhưng kinh nghiệm, vốn kiến thức của họ chưa được khai thác đã ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của  Nghi lễ Chầu văn trong đời sống cộng đồng. Theo kết quả kiểm kê bước đầu (năm 2012), riêng tỉnh Nam Định có 12 hội, bản hội, 06 câu lạc bộ, trong đó có 245 cung văn, 246 ông/bà đồng, 162 nhạc công, 16 người hầu dâng thường xuyên thực hành, gìn giữ di sản này tại 287 di tích trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó tình trạng thương mại hoá, lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh”, hiện tượng "đồng đua", mua sắm nhiều lễ vật đắt tiền, đốt vàng mã nhiều gây tốn kém và ô nhiễm môi trường còn tồn tại khiến nghi lễ này có nguy cơ bị biến dạng.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1), loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng vào tháng 12 năm 2012. Đồng thời, Nghi lễ Chầu văn là một trong những thành tố quan trọng đưa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tổng hợp, biên tập
Nguyễn Thị Bích Ngọc
Bảo tàng tỉnh Nam Định

Một số hình ảnh trong nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định


 Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng  Bộ VHTTDL trao bằng chứng nhận
Di sản văn hóa phi vật thể  quốc gia “Nghi lễ chầu văn của người Việt”
cho Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở VHTTDL Nam Định năm 2014


Múa ô trong giá chầu Cô bé


Ban cung văn thực hành trong Nghi lễ Chầu văn

                                                                                           

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập