Chùa Cổ Lễ (Thần Quang tự) tại thị trấn Cổ Lễ huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định được khởi dựng từ thời Lý (thế kỷ XII) do Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không xây dựng, là một trong những danh lam nổi tiếng của Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Quang Tuyên cùng với nhân dân, tín đồ xây dựng lại chùa mang phong cách “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây” trong đó có cây tháp “cửu phẩm liên hoa”. Với những giá trị tiêu biểu, năm 1988, chùa Cổ Lễ được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật còn thờ Đức Thánh Tổ Thiền sư Nguyễn Minh Không, một vị Quốc sư thời Lý có nhiều công lao đóng góp cho đất nước và nhân dân, trong đó có nhân dân vùng Giao Thủy xưa - Cổ Lễ ngày nay.
Lễ hội chùa Cổ Lễ có từ lâu đời, diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng Chín âm lịch hàng năm với các nội dung phần lễ, phần hội đặc sắc.
Phần lễ: nghi lễ mộc dục, nghi lễ rước kiệu Tổ của 5 cửa họ lên chùa, nghi lễ rước phụng nghinh kiệu Đức Thánh Tổ, kiệu Mẫu đi quanh chùa; múa rối cạn chầu Thánh; lễ khai mạc, dâng hương; lễ tưởng niệm các nhà sư hy sinh trong các cuộc kháng chiến của dân tộc; nghi lễ phần sài rước cờ hiệu; nghi lễ tế nam quan, nữ quan; nghi lễ cúng mông sơn (lễ tạ)…
Phần hội: gồm các hoạt động: thi bơi trải, tổ tôm điếm, cờ tướng, chọi gà… và nhiều hoạt động văn hóa khác.
Chùa Cổ Lễ là công trình Phật giáo, danh lam nổi tiếng gắn liền với công lao của Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Đây là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo hiếm có tại Việt Nam. Đặc biệt, năm 1947 tại chùa Cổ Lễ đã làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, xung phong ra mặt trận bảo vệ Tổ quốc. Chùa Cổ Lễ là nơi trụ trì của Hòa thượng Thích Thế Long, nhà hoạt động cách mạng, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phật giáo châu Á, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa VII, có nhiều đóng góp cho Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Đồng thời thể hiện rõ tư tưởng nhập thế “Đạo” gắn kết với “Đời” của thiền phái Trúc Lâm do Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, luôn đồng hành cùng dân tộc và đất nước. Vì vậy, có thể khẳng định: chùa Cổ Lễ là di tích có giá trị lịch sử to lớn gắn với thiền sư Nguyễn Minh Không, một công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo, mang đậm giá trị nhân văn của Phật giáo Trúc Lâm, một di tích cách mạng nổi tiếng trong dòng chảy lịch sử cách mạng Việt Nam.
Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng Chín âm lịch hàng năm, nhằm kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không với nhiều nghi lễ độc đáo. Đặc biệt, trong lễ hội có tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm các nhà sư hy sinh trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, là nét độc đáo riêng biệt tại lễ hội chùa Cổ Lễ. Đây là lễ hội lớn gắn liền với việc thờ phụng thiền sư, Quốc sư Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, người có công cứu nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, nông nghiệp, nghề đúc đồng, nghề làm thuốc… là vị Thành hoàng, vị Phúc thần bảo an, che chở cho hạnh phúc của nhân dân Cổ Lễ nói riêng và cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nói chung. Các hoạt động trong lễ hội phản ánh kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống Việt Nam. Trải qua thời gian, đến nay lễ hội chùa Cổ Lễ vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành di sản văn hóa đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Nam Định.
Lễ hội chùa Cổ Lễ với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nhằm tri ân những người có công với dân với nước, tri ân tổ tiên có công khai cơ lập ấp, hình thành mảnh đất Cổ Lễ ngày nay. Đến với lễ hội, cộng đồng được thỏa nguyện tâm linh và thưởng ngoạn vẻ đẹp của một quần thể các công trình kiến trúc vô cùng độc đáo, hấp dẫn. Vì vậy, lễ hội chùa Cổ Lễ là “sợi dây” gắn kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau; biểu dương sức mạnh đoàn kết cộng đồng, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, hướng con người tới những giá trị: Chân - Thiện - Mỹ.
Với những giá trị tiêu biểu, ngày 06/3/2023 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 472/QĐ-BVHTTDL đưa “Lễ hội chùa Cổ Lễ”, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của quê hương, dân tộc.
Phòng Nghiên cứu - sưu tâm
Nguyễn Xuân Cao
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU
Đầu Thánh tượng tại gian thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không
tại chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh
Nghi lễ rước kiệu Tổ của 05 cửa họ lên chùa Cổ Lễ (trên Quốc lộ 21B)
Bơi trải song hành cùng nghi lễ rước kiệu Tổ của 05 cửa họ lên chùa Cổ Lễ
Thi bơi chải trong lễ hội chùa Cổ Lễ
Đại diện chính quyền địa phương, nhà chùa và nhân dân thực hiện nghi lễ dâng hương
tưởng niệm các chiến sĩ phật tử hi sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc
Nhân dân và du khách thực hành nghi lễ trong lễ hội chùa Cổ Lế