Nghề Sơn mài Cát Đằng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 10/05/2019


Nghề Sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một nghề thủ công được hình thành từ cuối thời Trần và tổ nghề là hai ông Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba. Hàng năm, nhân dân Cát Đằng tổ chức lễ hội từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng tri ân công đức của Tổ nghề sơn.
Làng nghề có rất nhiều tên gọi, nhưng hiện nay tên gọi thông dụng và sử dụng nhiều nhất là “Nghề Sơn mài Cát Đằng”. Còn các tên gọi khác như “ Nghề thủ công mỹ nghệ Sơn mài” chủ yếu xuất hiện từ khi thành lập HTX Sơn mài Cát Đằng và kéo dài đến ngày nay. Làng Cát Đằng là một trong 6 làng/thôn của xã Yên Tiến, gồm 4 xóm là: Hùng Vương, Quyết Tiến, Tân Hưng, Đông Thịnh. Đây cũng là không gian chủ yếu để cộng đồng dân cư thực hành các công đoạn sản xuất làng nghề. Ngoài ra, nghề Sơn mài Cát Đằng đang có sự lan tỏa ra một số làng lân cận thuộc xã Yên Tiến và nhiều xã thuộc huyện Ý Yên.
Cũng như bao nghề thủ công truyền thống khác, nghề Sơn mài Cát Đằng cũng trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Giai đoạn trước năm 1945 đây là thời kỳ nghề Sơn mài Cát Đằng sử dụng chủ yếu là sơn ta (sơn Phú Thọ) và làm thủ công. Các sản phẩm tiêu biểu của giai đoạn này là đồ thờ tự như: hoành phi, câu đối, nhang án, kiệu, bình phong…. Bước sang giai đoạn hoạt động của Hợp tác xã Sơn mài Cát Đằng (1960-1999), các sản phẩm phần lớn là đồ gia dụng và đồ trang trí được xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là Liên Xô và các nước Đông Âu. Đặc biệt là tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc, chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long là những sản phẩm đặc trưng nhất. Ngày nay, trên cơ sở kế thừa nghề Sơn mài truyền thống, các nghệ nhân Cát Đằng đã và đang sáng tạo, tiếp thu thêm kỹ thuật mới, nguyên liệu mới để chế tác nhiều loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội đương đại như: bình, lọ, chao đèn, ống bút, khay, bát… với nhiều kiểu dáng phong phú, đa dạng, màu sắc rực rỡ nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, đưa danh tiếng của một làng nghề truyền thống Việt đến với thế giới.
Để làm ra một sản phẩm làng nghề, cần phải có các nguyên vật liệu chính như: sơn ta, dầu trẩu, nhựa trám, mạt cưa, đất thổ…. Các nguyên liệu làm cốt (vóc): gỗ, tre, nứa. Các vật liệu trang trí: quỳ vàng, quỳ bạc, vỏ trai, vỏ ốc, vỏ trứng…. Các dụng cụ để chế biến sơn: Mỏ vầy, mủng vầy, chậu sành…. Dụng cụ làm vóc: thép tóc, giấy ráp, đá mài, chổi khỏa, vải màn, lá mít, than xoan, tóc rối, dao gọt, dao kẽ, que sắt… Dụng cụ trang trí: bút lông mèo, thép tóc, dao kẽ… Hiện nay, bên cạnh những nguyên liệu sơn ta truyền thống, còn sử dụng chủ yếu sơn công nghiệp như: PU, hạt điều, Nhật… đồng thời có nhiều phương tiện hỗ trợ khác như: máy gọt, máy chần, máy vót, máy đánh giấy ráp, máy phun sơn…để làm hàng chắp nứa.
Các sản phẩm của làng nghề hiện nay bao gồm hai dòng sản phẩm chính là: hàng nét (đồ thờ) và hàng chắp (thủ công mỹ nghệ).
Hàng nét thường chế tác bằng gỗ với hai khâu là làm vóc và trang trí. Làm vóc là tạo nền, cốt của sản phẩm gồm các công đoạn: phôi mộc, gắn, bọc vải, bó, kẹt, hom, lót, thí, cầm. Trang trí là sử dụng quỳ bạc, quỳ vàng, vỏ trai, vỏ ốc, vỏ trứng… để khảm hoặc vẽ lên sản phẩm gồm các công đoạn: thếp, phủ. Sau mỗi công đoạn đều phải mài nhẵn. 
Đồ hàng chắp thường chế tác từ tre nứa, mây tre. Để hoàn thiện một sản phẩm Sơn mài chắp nứa ngoài quy trình thực hiện giống như đồ nét thì phải trải qua các công đoạn như: ngâm, phơi, chẻ, vót, chần nan, tạo phôi sản phẩm, tắm cốn, gọt, mài nhẵn, đánh giấy ráp sản phẩm, kẹt, đánh giấy ráp, phơi sản phẩm, phun sơn, vẽ. Các công đoạn này tốn rất nhiều thời gian và công sức bởi nó đòi hỏi phải có khoảng thời gian chờ đợi nhất định ở mỗi khâu. Tuy nhiên, phần lớn các công đoạn hiện nay đã sử dụng máy móc vào sản xuất vì vậy năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm được nâng lên đáp ứng được các nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Trong tất cả các khâu thì kỹ năng/kỹ thuật nổi bật nhất của nghề Sơn mài là cách pha chế sơn, phun sơn, thếp vàng, bạc, khảm, vẽ. Đó cũng là những bí quyết đặc trưng nhất của nghề Sơn mài Cát Đằng.
Là một làng nghề truyền thống có lịch sử trên 600 năm, mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng nghề Sơn mài Cát Đằng vẫn được duy trì, tồn tại và phát triển. Việc thờ tự, tri ân Tổ nghề sơn và các hoạt động văn hóa trong lễ hội của nhân dân địa phương phản ánh truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, có giá trị văn hóa to lớn, gắn kết cộng đồng để chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản. Các sản phẩm của nghề Sơn mài Cát Đằng rất phong phú, đa dạng, đẹp mắt không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng mà còn là những tác phẩm nghệ thuật được chế tác với kỹ thuật khéo léo, tinh xảo, phản ánh tư duy thẩm mỹ, trí sáng tạo của các nghệ nhân nơi đây. Sự phát triển của nghề Sơn mài Cát Đằng đã từng bước giới thiệu những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa dân tộc Việt nói chung và địa phương Cát Đằng nói riêng ra khắp thế giới, góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống xã hội địa phương, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.
Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giá trị sử dụng và kinh tế của di sản, ngày 08 tháng 5 năm 2017, Bộ VHTT&DL có Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL đưa “Nghề Sơn mài Cát Đằng” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.


Tổng hợp, biên tập
Nguyễn Thị Đông
Bảo tàng tỉnh Nam Định

Một số hình ảnh liên quan:


Đền thờ Tổ nghề Sơn mài tại làng Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định


Nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến (63 tuổi) đang thực hành công đoạn
vẽ tranh Sơn mài chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh


Nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến (63 tuổi) đang hướng dẫn, truyền nghề
Sơn mài cho gia đình anh Đinh Khắc Lợi tại thôn Cát Đằng


Thợ thủ công đang thực hành công đoạn đánh giấy ráp sản phẩm
tại một doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Sơn mài Cát Đằng


Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập