Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ còn có tên gọi khác là Lễ hội làng nghề truyền thống xã Yên Xá; Lễ hội đền Tống Xá... là lễ hội truyền thống của cư dân thôn Tống Xá thuộc xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cùng những người con quê hương và khách thập phương có chung niềm tin, tấm lòng tôn vinh, ngưỡng vọng vị Thánh tổ, thiền sư Nguyễn Minh Không và nghề đúc truyền thống.
1. Khái quát về di tích và lịch sử nhân vật thờ: Đền thờ Đức Thánh Tổ được khởi dựng từ thời Lý, thế kỷ XII, tọa lạc tại trung tâm làng đúc kim loại Tống Xá. Trải qua thời gian, ảnh hưởng của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, năm 2000 được sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền, ngôi đền đã được dân làng di chuyển và trùng tu tại vị trí hiện nay với tổng diện tích mặt bằng 2.127m2. Đền được kiến trúc theo kiểu “tiền nhất, hậu đinh”, chất liệu xây dựng chủ yếu là gỗ lim, thiết kế theo phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Năm 1994, Bộ Văn hóa, Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận Đền thờ Đức Thánh Tổ thôn Tống Xá, xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là di tích quốc gia.
Đền thờ Đức Thánh Tổ, thiền sư Nguyễn Minh Không, một vị Quốc sư Thời Lý có nhiều công lao đóng góp cho đất nước và nhân dân. Một lần trên đường đi du ngoạn, vào ngày 12 tháng Hai, Nguyễn Minh Không qua xã Tống Xá có ghé thăm ngôi chùa của làng. Sau khi xem xét, thiền sư phát hiện ở đây có một vùng đất ước vài ba mẫu, dùng để làm khuôn rất tốt nằm ở xứ đồng Cầu Hố. Thiền sư Nguyễn Minh Không đã quyết định truyền nghề đúc cho dân địa phương, đồng thời cho tu sửa lại ngôi chùa của làng đã bị hư hỏng rồi đặt tên làng là Cổ Liêu. Thời gian ngài dừng tại Tống Xá không lâu (7 tháng) nhưng dân địa phương đã nhanh chóng nắm được tinh hoa của nghề nghiệp. Các dòng họ học được nghề đúc không những truyền cho con cháu mà còn luôn luôn cải tiến nâng lên thành một nghề hoàn chỉnh, từ đó được duy trì phát triển đến ngày nay. Nhớ công ơn người đã truyền nghề cho dân làng, nhân dân Tống Xá lập đền thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không để tri ân vị tổ nghề tại bên phải đền thờ ông Tống Phúc Thành người có công mở đất lập làng.
2. Lễ hội: Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ có từ lâu đời do cộng đồng làng nghề đúc kim loại Tống Xá sáng tạo, thực hành, được kế tục qua nhiều thế hệ. Đây là dịp để dân làng thể hiện sự tri ân, lòng tự hào về một nhân vật lịch sử, một danh nhân đã có những đóng góp quan trọng đối với quốc gia Đại Việt thời Lý, đặc biệt là công lao truyền nghề đúc kim loại cho địa phương. Vì thế thiền sư Nguyễn Minh Không còn được dân làng tôn là Thánh Tổ, có vai trò quan trọng bảo trợ cuộc sống tinh thần của dân làng, trong đó có nghề đúc truyền thống.
Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ được diễn ra trong các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch, với các nghi lễ tiêu biểu như: Lễ mộc dục, lễ rước kiệu Đức Thánh Tổ, Thực hành tế nam quan và tế nữ quan.
Lễ mộc dục: (tức nghi lễ tắm tượng) được tổ chức vào 22 giờ ngày 09 tháng Hai âm lịch. Tại đây, ông thủ từ thay mặt dân làng thực hành lễ cúng và xin âm dương được làm lễ mộc dục cho Thánh Tượng. Trước khi thực hiện nghi lễ, ông thủ từ và những người thực hiện tham gia phải chay tịnh sạch sẽ trong nhiều ngày. Họ phải đảm bảo các yêu cầu: có sức khỏe tốt, có đạo đức, gia đình đề huề, không bị khăn xám, đặc biệt phải là người giỏi nghề đúc.
Nghi lễ rước kiệu Đức Thánh Tổ và khai hội được tổ chức vào các ngày 11, 12 tháng Hai âm lịch, với đông đảo nhân dân địa phương cùng du khách thập phương về tham dự. Nghi lễ rước kiệu Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không từ đền thờ đến miếu Đằng Đương và ngược lại. Nghi lễ rước ngoài kiệu Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, kiệu Thành hoàng còn có các đội múa lân, đoàn phật tử, đội rước bát bửu, đội tế nam quan và nữ quan cùng các cụ ông, cụ bà trong đội dưỡng sinh và nhân dân, du khách thập phương. Khi đoàn rước về tới sân đền Đức Thánh Tổ, ổn định vị trí, Ban tổ chức làm lễ rước lửa thiêng trong đền thắp lên đài đuốc khai mạc lễ hội, giới thiệu nội dung chương trình lễ hội và lịch sử làng nghề, công trạng Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, người đã dạy dân làng nghề đúc truyền thống, ghi nhớ công ơn của Đức Thượng Tổ Tống Phúc Thành đã lập ra trang Kiến Hòa xưa (làng Tống Xá hiện nay). Sau chương trình khai mạc, các vị đại biểu, du khách và nhân dân tổ chức thành các đoàn vào dâng hương đức Thánh Tổ.
Thực hành tế nam quan và tế nữ quan: Đội tế nam quan gồm 11 cụ ông tuổi cao niên và mặc áo dài thụng màu vàng, quần trắng, đội mũ tế, đi hia trắng. Người được dân làng chọn làm chủ tế phải là người có sức khỏe, có uy tín, con cháu đề huề, không có khăn xám, đặc biệt phải là người giỏi về nghề đúc. Đội tế nữ quan gồm 15 người thực hành, ăn mặc áo thụng màu hồng có yếm, có đai, có triện, đi hia đỏ. Mỗi đội vào tế trong khoảng thời gian 1 giờ. Sau khi các đội tế xong thì mọi người dân vào tạ lễ tập thể, cầu nguyện cho quốc thái dân an, trăm họ làm ăn phát đạt, nhà nhà mạnh khỏe bình yên, đời sống ấm no. Chương trình tế được tiến hành trong cả 3 ngày lễ hội.
Trong lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ diễn ra rất nhiều hoạt động hội, thu hút đông đảo cộng đồng địa phương và du khách đến xem, cổ vũ như: Biểu diễn các tích chèo về lịch sử lập làng và nghề đúc, vật cầu bùn, leo cột mỡ, cờ tướng...
Biểu diễn tích chèo: Ý Yên là vùng đất cổ với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân vũ phong phú, đa dạng như: nghệ thuật chầu văn, ca trù, xẩm…đặc biệt là nghệ thuật hát chèo, với sự giúp đỡ của Nghệ nhân ưu tú Trần Quang Lộc, đội văn nghệ xã Yên đã dàn dựng được nhiều tiết mục hát chèo, hát văn đặc sắc, trong đó tiêu biểu phải kể đến vở chèo “Kiến Hòa mở hội” và “Chín trăm năm vàng son Thánh Tổ Minh Không truyền nghề”, “Thánh Tổ Minh Không truyền nghề đúc Tống Xá”. Các nhân vật trong kịch bản chèo bao gồm ba nhân vật chính là Thiền sư Nguyễn Minh Không, Thành hoàng Tống Phúc Thành, Dương Vạn Hợp, ngoài ra còn người dẫn chuyện và một số nam nữ diễn viên trong vai dân làng. Thời lượng biểu diễn một tích chèo từ 50 đến 60 phút. Nội dung các vở diễn, hoạt cảnh chèo đều tập trung làm nổi bật công lao của nhị vị Thành hoàng (Tống Phúc Thành và Dương Vạn Hợp) có công mở đất, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không có công truyền dạy nhân dân nghề đúc kim loại, nghề truyền thống đặc trưng tiêu biểu của làng Tống Xá hiện nay qua những làn điệu chèo mượt mà, thấm đẫm hồn dân tộc.
Vật cầu bùn: Đây là trò chơi dân gian truyền thống có từ lâu đời thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đến xem và cổ vũ náo nhiệt. Trò chơi được tổ chức trong 2 ngày 11 và 12 tháng Hai âm lịch. Địa điểm tổ chức là khoảnh ruộng vuông rộng khoảng 3 sào Bắc Bộ (1.000m2) có bùn nước tại trước cửa Đình Đất. Ở trung tâm khoảnh ruộng người ta khoét một hố tròn đường kính 1m, sâu 50cm, hai góc ruộng khoét 2 lỗ tròn và cắm 2 lá cờ Hồng - Xanh của 2 đội, mỗi đội thường từ 8-10 người. Quả cầu được chế tạo từ củ chuối tiêu, có đường kính từ 35-40cm, được gọt mài nhẵn, rất trơn, vì vậy người tham gia trò chơi này ngoài sức khỏe cần phải có sự khéo léo. Luật chơi vật cầu bùn rất đơn giản, đội nào mang được vật cầu bùn đặt vào vị trí hố của đội bạn (nơi cắm lá cờ) là chiến thắng. Thời gian thi đấu không có quy định cụ thể, có thể kéo dài từ 30 phút đến hàng tiếng đồng hồ. Trong quá trình thi đấu, hai đội nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy bùn đất lấm lét đầy người nhưng ai ai đều rất vui vẻ...
Thông qua các nghi lễ và các hoạt động trong lễ hội Đức Thánh Tổ đã phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Kiến Hòa xưa - Tống Xá nay; về quá trình ra đời phát triển của nghề đúc kim loại truyền thống của địa phương. Tri ân công đức to lớn của Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không - ông Tổ của nghề đúc truyền thống. Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” mang đậm giá trị nhân văn, thể hiện bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam.
Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ còn là dịp để gắn kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống, là dịp con em quê hương làm ăn sinh sống ở xa tìm về nguồn cội. Đặc biệt đối với cộng đồng nghề đúc kim loại, đây còn là dịp trao đổi kinh nghiệm, khích lệ các nghệ nhân và gia đình quyết tâm bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của ông cha truyền lại, góp phần xây dựng phát triển kinh tế của gia đình và địa phương.
Đến với lễ hội cộng đồng và du khách lưu lại những ấn tượng sâu sắc về những tình cảm thân thiện, mến khách của người dân, về không khí vui tươi đặc sắc của lễ hội, là hình ảnh quê hương Yên Xá đẹp giàu và đang trên đà phát triển thịnh vượng. Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ vì thế còn là một sản phẩm du lịch văn hóa đăc trưng, hấp dẫn của tỉnh Nam Định.
Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ là lễ hội truyền thống, với quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng, nó đã trở thành tài sản chung, được cộng đồng sáng tạo, thực hành và trao truyền qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn duy trì và phát triển, trở thành di sản văn hóa đặc trưng tiêu biểu của cộng đồng dân cư làng Tống Xá, xã Yên Xá nói riêng và của tỉnh Nam Định nói chung. Hiện nay những người đại diện cộng đồng trực tiếp thực hành lễ hội lên tới hàng trăm người và số người tham dự mỗi kỳ lễ hội lên tới hàng vạn.
Từ những giá trị về lịch sử, văn hoá và vai trò của của lễ hội đối với cộng đồng, lễ hội Đền thờ Đức Thánh Tổ đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số: 4066/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng địa phương và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc.
Tổng hợp, biên tập
Đoàn Thị Đào
Một số hình ảnh trong Lễ hội Đền thờ Đức Thánh Tổ, xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định:
Múa lân tại khai mạc lễ hội
Múa rồng
Lễ rước kiệu Thánh
Đoàn rước kiệu Thánh
Biểu diễn tích chèo
Vật cầu bùn