Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Thái bình xướng ca” thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. 06/02/2023


Làng Kẻ Gạo, tên chữ là Cảo Linh, sau đổi thành Quả Linh thuộc xã Thành Lợi (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là một làng Việt cổ được hình thành từ thời vua Hùng dựng nước gắn liền với thập bát gia tiên (18 dòng họ) về khai điền lập ấp, xây dựng xóm làng. Từ thời Đinh - Tiền Lê đến thời Trần, làng Gạo được triều đình đặt kho lương, có đình đụn để tích trữ lương thảo, có đội quân vận chuyển lương thực, góp phần quan trọng vào chiến công ba lần đại thắng quân Mông - Nguyên xâm lược vào thế kỷ XIII của quân dân Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của các vua Trần. Sau chiến thắng quân Mông - Nguyên lần thứ ba (năm 1288), nhân dân làng Gạo được vua Trần ban thưởng cho mở hội ca hát ăn mừng chiến thắng, mừng đất nước thái bình.
Lễ hội Thái bình xướng ca được tổ chức ba năm một lần vào các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi, từ ngày 9 đến 11 tháng Ba âm lịch. Trong lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ như: tế cáo, tế bán dạ, tế nam quan, nữ quan, tụng kinh... trong đó tiêu biểu nhất là nghi lễ rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ Tổ tập trung tại đám Hát, dựng đình đụn, đua thuyền tải lương, hát trống quân, thi dệt vải trên hồ, chơi tổ tôm điếm….
- Dựng đình Đụn: nhằm tái hiện không gian đình Đụn - kho lương dưới triều Trần. Đình đụn xưa được làm bằng tranh, tre, luồng, nứa. Trước ngày hội, các thanh niên trai tráng trong làng tập trung dựng cột, kéo vì kèo, xung quanh các cột được kết rơm, tạo không khí tưng bừng, nhộn nhịp:
Trong làng bốn giáp thôn dân,
Dựng kèo kéo cột, ầm ầm vui thay.
Đồng tâm kéo có một ngày,
Kéo lên đình Đụn, cao ngây ngất trời.
- Đua thuyền tải l­ương: là hoạt động tái hiện đoàn thuyền của nhân dân làng Gạo tải lương thực cung cấp cho quân dân nhà Trần ăn no đánh thắng giặc Mông - Nguyên vào thế kỷ XIII.
Cả làng chuyển thóc nhà vua
Đủ cho quân sĩ bốn mùa lương ăn.
Đây là lệnh của triều đình,
Lương thực phải đủ, tuyển binh phải thừa.
Giặc Nguyên ta đánh nó thua,
Nhân dân cày cấy bốn mùa bình an.
- Thi dệt vải trên hồ: được tổ chức trên không gian ao Đồng Đoài phía trước đám Hát. Khung cửi nhỏ truyền thống bằng gỗ, người dệt ở trên bè giữa hồ, nhân dân và du khách đứng trên bờ xem và cổ vũ. Ở trên bờ, người lãnh xướng hát bài “Làng Gạo dệt vải” theo điệu trống quân “Thình thùng thình”.
Ai về làng Gạo quê em
Có nghề dệt vải, quẫy quàng thoi đ­ưa
Nghề dệt mẹ cha ngày xư­a
Cú kêu chân dận, thoi đư­a nhịp nhàng
Đ­ưa thoi, tua suốt rộng ngang
Dệt ra tấm vải, công chàng công em
Trẻ, già, trai, gái nghề quen
Có nghề dệt vải quê em đẹp giàu.
- Hát trống quân: là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian xuất hiện từ thời Trần. Người hát gồm một nam, một nữ đối đáp nhau bằng những vần thơ lục bát theo nhịp trống “Thình thùng thình” tạo không khí vui nhộn trong lễ hội.
- Thi đánh cờ đèn dưới nước: Ban tổ chức lễ hội đóng cọc chăng dây theo hình bàn cờ trên mặt nước. Các quân cờ được làm thủ công bằng hai màu giấy, hai mặt có dán chữ tên chữ Hán các quân cờ. Bên trong mỗi quân cờ đặt nến/đèn, ban đêm đốt nến/ đèn trên mặt nước lung linh huyền ảo. Hai người chơi đi và ăn quân; người lãnh xướng hát theo nhịp trống quân việc đi và ăn quân, hai bên bờ nhân dân xem và cổ vũ cho người chơi.
- Chơi tam cúc điếm, tổ tôm điếm: là hoạt động tổ chức vào buổi tối tại đám Hát. Khi người chơi ổn định vị trí, người lãnh xướng vừa đi vừa hát để chia bài, bắt cái, ra quân, xướng được thua đều bằng câu hát trống quân vui nhộn, dí dỏm.
Các hoạt động trong lễ hội đều được thực hành gắn với xướng ca, hát ca tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp đúng như tên gọi của lễ hội. Một số hoạt động trong lễ hội xưa như: thi hát chầu văn, thi đọc Mục lục, thi thả thơ... đã và đang được nghiên cứu phục hồi. Ngoài ra, trong lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật, đi cầu kiều, múa kiếm, múa gậy, chơi đu, bịt mắt đập niêu... làm phong phú các hoạt động và thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Như vậy, có thể khẳng định lễ hội Thái bình xướng ca là lễ hội có nguồn gốc từ thời Trần và gắn liền với không gian văn hóa thời Trần tại Nam Định. Trong lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động đặc sắc mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa và phần lớn các hoạt động đều diễn ra trên sông nước, là biểu tượng tượng trưng cho các trận thủy chiến của quân dân nhà Trần đánh tan quân xâm lược. Đó là nghi lễ rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ Tổ tập trung tại Đám Hát, là biểu tượng, tượng trưng sức mạnh đoàn kết, được coi như  “hội nghị Diên Hồngbiểu dương sức mạnh tinh thần Sát Thát của quân dân nhà Trần vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức nên giặc phải đầu hàng”. Trong lễ hội có sự xuất hiện của song long (rồng vàng, rồng xanh), rồng vàng là biểu tượng của Thiên tử - vua Trần, rồng xanh biểu tượng cho tầng lớp nhân dân; đồng thời thể hiện chính sách “thân dân”, “dĩ dân vi bản” của nhà Trần.
Trong lễ hội diễn ra nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng phản ánh những phong tục tập quán, tư tưởng tình cảm của cư dân nông nghiệp lúa nước, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc; trong đó văn hóa làng gắn kết, hòa quyện với văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình trở thành những giá trị truyền thống, thể hiện bản sắc văn hóa dân gian làng - làng Gạo. Những năm tổ chức lễ hội, là dịp tốt nhất để con cháu gần xa trở về hội tụ trong gia đình, họ tộc, xóm làng; để mỗi người hướng về cội nguồn, nhớ về Tổ tiên dòng họ, để cùng nhau tái hiện và thưởng thức các hoạt động lễ hội truyền thống, biểu dương sức mạnh đoàn kết cộng đồng, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống để hướng con người tới những giá trị: Chân - Thiện - Mỹ.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, ngày 2/2/2023 Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-BVHTTDL đưa “Lễ hội Thái bình xướng ca” vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng và chính quyền địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của quê hương, dân tộc.

Phòng Nghiên cứu - sưu tầm
Nguyễn Xuân Cao


Một số hình ảnh "Lễ hội Thái Bình xướng ca"


Nghi lễ rước kiệu Thánh


Nghi lễ rước nhang án các dòng họ


Đua thuyền tải lương


Múa rồng mây


Múa sư tử


Thi dệt vải


Thi hát trống quân


Thi đấu vật

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập