Lễ hội chùa Đại Bi còn có tên gọi khác là Lễ hội chùa Bi, là lễ hội truyền thống của cư dân thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cùng những người con quê hương đi học tập, làm ăn xa và khách thập phương có chung niềm tin và tấm lòng tôn vinh, ngưỡng vọng Thánh Từ Đạo Hạnh - một vị thiền sư nổi tiếng, có nhiều công lao với phật giáo dưới thời Lý. Ngài cũng từng gắn bó trực tiếp với chùa Đại Bi, được nhân dân nơi đây tôn là bậc Thánh, là vị Thành hoàng bảo trợ cuộc sống tinh thần của cộng đồng.
1. Chùa Đại Bi là ngôi chùa chung của 3 thôn: Giáp Ba, Giáp Tư và Vân Chàng, được xây dựng từ thời Lý Nhân Tông (1042-1127), đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu. Toàn bộ công trình kiến trúc hiện nay đều mang phong cách nghệ thuật của thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Bố cục mặt bằng của chùa theo kiểu “Nội công, ngoại quốc” với các hạng mục: Tam quan, chùa chính, hành lang tả hữu, gác chuông và nhà tổ. Năm 1964, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, tỉnh Nam Định là di tích cấp quốc gia.
Chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116) là một danh sư thời Lý có công lao lớn với triều đình và nhân dân. Theo thần phả và các tư liệu ở di tích cho biết: Từ Đạo Hạnh từ nhỏ đã theo tầm sư học đạo, cùng mẹ về sống tại xã Chân Đàm, huyện Tây Chân, trấn Sơn Nam (nay là thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) và lập ra chùa Bi để tu luyện. Tại đây ngài đã kết bạn với thiền sư Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang và thiền sư Giác Hải ở chùa Phúc Lâm, Giao Thủy. Ba vị thiền sư đã sang Tây Trúc cầu phật pháp và được Phật truyền “Tâm ấn lục trí thần thông”. Khi về nước ngài đã đi khắp nơi trong đó có xã Chân Đàm huyện Tây Chân để tham thiền vấn đạo, chữa bệnh cho dân nghèo, dạy dân những trò chơi dân gian như: đá cầu, đánh vật, múa rối…Để tri ân công đức của thiền sư Từ Đạo Hạnh nhân dân địa phương đã thờ ngài tại chùa Đại Bi, hàng năm mở Hội để tưởng nhớ và tôn ngài là bậc thánh, là Thành hoàng của 3 thôn: Giáp Ba, Giáp Tư và Vân Chàng thuộc thị trấn Nam Giang.
2. Lễ hội chính hiện nay được tổ chức hàng năm từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng âm lịch với các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa tiêu biểu như: Lễ mộc dục thắng nghì; lễ cúng phát tấu và thi thầy; nghi lễ rước kiệu và khai hội; nghi lễ tế Thánh Tổ; nghệ thuật múa rối cạn chầu Thánh (trò Ổi lỗi)... Ngoài ra từ bao đời nay chùa Đại Bi đã trở thành nơi du xuân, lễ phật cầu may của khách thập phương trong phiên chợ Viềng còn gọi là chợ Viềng Chùa, diễn ra đêm mùng 7 ngày mùng 8 tháng Giêng tại không gian thị trấn Nam Giang.
Lễ mộc dục thắng nghì (lễ mặc áo Thánh Từ Đạo Hạnh): được tổ chức vào 8 giờ sáng ngày 20 tháng Giêng âm lịch, là nghi lễ mở đầu cho kỳ lễ hội. Thực hành nghi lễ là các hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng, ni phật tử và đại diện người cao tuổi trong 3 thôn. Trước khi tiến hành công việc, nhà chùa dâng hương làm lễ xin phép Thánh, rồi tiến hành các công việc một cách cẩn trọng, thành kính. Tắm tượng bằng cách: lần một lau bằng nước sạch, lần hai sử dụng nước thơm (pha từ các loài hoa quả tự nhiên), khăn sạch để lau tượng Thánh rồi đến long ngai, bài vị… sau đó mặc áo Thánh và lễ yên vị.
Lễ cúng phát tấu và thi thầy: Sau tuần cúng phát tấu (khoa lễ cúng Phật) là thi thầy. Các thầy cúng của 3 thôn Giáp Ba, Giáp Tư, Vân Chàng và một số đến từ địa phương khác thi cúng và đọc các bài văn lễ. Thầy nào có giọng đọc cao, truyền cảm, đúng âm điệu và hòa nhịp tốt với tiếng trống, mõ, thanh la…thì được giải.
Nghi lễ rước kiệu và khai hội: Lễ rước được tiến hành từ 07 giờ sáng ngày 21 tháng Giêng với quy mô lớn. Các thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba, mỗi thôn rước kiệu lô nhang, bài vị đức Thánh, Thành hoàng từ đền thôn mình cùng lễ vật là các sản vật của quê hương. Đám rước khởi hành, đi đầu là cờ ngũ hành, cờ thêu Thanh Long, Bạch Hổ tung bay rực rỡ. Tiếp đến là đội rước bát bửu; đội rước kiệu long đình, đi sau kiệu là phường bát âm gồm 8 người sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Tiếp theo là kiệu lễ vật gồm lễ tam sinh: một thủ lợn, một đầu dê, một đầu bò và mâm bánh dầy. Kiệu bát cống do các trai làng khiêng với trang phục truyền thống nai nịt gọn gàng. Cuối đoàn rước là đội múa rồng, múa sư tử cùng đông đảo cộng đồng địa phương và du khách cùng trở về chùa để tham dự lễ hội.
Nghi lễ tế Thánh Tổ: Nghi lễ tiến hành từ 9 giờ 30 ngày 21 tháng Giêng để nghinh Thánh từ trong cung ra ngoài thềm chùa. Quan viên tế do 3 thôn cắt cử nhưng ngôi chủ tế thuộc về “anh cả” là thôn Vân Chàng. Trước khi tế, ông chủ tế thắp nhang và đọc bài văn tế ca ngợi sự tích của Thánh Tổ với ngữ điệu khúc triết, hùng hồn, trang trọng, gây xúc động mọi người tham dự. Sau đó nghi thức tế được bắt đầu, thời gian diễn ra khoảng hơn 2 tiếng với không khí trang nghiêm, thành kính. Sau khi ban tế nam kết thúc, các đại biểu chính quyền và dân làng cùng khách thập phương lần lượt vào lễ Thánh. Ngoài tế nam quan còn tế nữ quan, chương trình tế được tiến hành trong 2 ngày 21, 22 của lễ hội...
Nghệ thuật múa rối cạn chầu Thánh (trò Ổi lỗi): Múa rối cạn chầu Thánh còn có tên gọi là hội tu kỳ lệ (có nghĩa là răn đời bỏ ác làm thiện), là nghi lễ đặc trưng và quan trọng nhất trong lễ hội chùa Đại Bi, được tổ chức trong 3 ngày chính là 21, 22 và 23 tháng Giêng. Nghệ thuật rối cạn là loại hình nghệ thuật mang tính thiêng gắn với việc thờ phụng thiền sư Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh. Múa rối chầu Thánh là để cho Thánh ngự, Thánh xem, chứ không phải để nhân dân xem. Vì vậy, nó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian và không gian thiêng nhất định, tức là phía trước ban Tam bảo và ban thờ Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh.
Phường rối chầu Thánh chùa Đại Bi được hình thành bởi 3 phường rối của 3 thôn: Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba. Người đứng đầu phường rối của mỗi thôn là “trùm trưởng” và các thành viên. Người được giao nhiệm vụ làm “trùm trưởng” phải là người có kinh nghiệm lâu năm, có tài đức, quy tụ được mọi người, đặc biệt phải thông thuộc các kinh văn, ca, múa, nhạc và thường truyền miệng theo hình thức cha truyền con nối. Số lượng kinh văn trong nghệ thuật hát rối chầu Thánh có tới 26 bài ca (bài kinh), 32 làn điệu rất phong phú và tinh túy. Nội dung gồm: diễn lại tích thời nhà Lương việc cầu tự của vua và hoàng hậu; chúc tụng cầu mong quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cuộc sống ấm no hạnh phúc...
Bên cạnh các nghi lễ thì lễ hội chùa Bi còn có các hoạt động như: tổ chức gói bánh dầy và chuẩn bị lễ vật; các trò chơi dân gian.
- Tổ chức gói bánh dầy và chuẩn bị lễ vật:
Bánh dầy phải lựa chọn loại gạo nếp ngon, được lấy từ ruộng chùa trong vùng. Trước ngày lễ hội 3 ngày, trong thôn mọi thành viên từ già đến trẻ đều ra chùa giã gạo để dâng Thánh. Đồ cúng gồm có bánh dầy, bánh khảo, oản, hoa quả, rượu, trà…Nguồn tài chính sử dụng để tổ chức lễ hội được lấy từ hoa lợi số ruộng công của nhà chùa, phần còn lại do nhân dân trong thôn đóng góp.
- Tổ chức các trò chơi dân gian:
Trong lễ hội chùa Đại Bi có nhiều các trò chơi dân gian như: đấu vật chầu Thánh, chọi gà, cờ tướng, vật cầu... Hiện nay bên cạnh một số hoạt động trò chơi dân gian, Ban tổ chức còn tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa thể thao như: biểu diễn văn nghệ, đấu bóng chuyền, thi chim cảnh...Tất cả các hoạt động trên làm cho không khí lễ hội chùa Đại Bi trở lên hấp dẫn, náo nhiệt thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
3. Lễ hội chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực là lễ hội lớn gắn liền với việc thờ phụng thiền sư, quốc sư Đức Thánh Từ Đạo Hạnh, người có công chấn hưng nền Phật giáo thời Lý. Đây là lễ hội có từ lâu đời, với quy mô lớn, được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn duy trì và phát triển, trở thành di sản văn hóa đặc trưng tiêu biểu của huyện Nam Trực nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung. Trong lễ hội, nhân dân tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc như: nghi lễ rước kiệu, tế nam quan, nữ quan, đấu vật....trong đó đặc sắc và tiêu biểu nhất là múa rối cạn chầu Thánh (nghệ thuật ổi lỗi). Các nghi lễ và hoạt động hội nhằm tái hiện cuộc đời, sự nghiệp và công lao của Đức Thánh Từ Đạo Hạnh đối với nhân dân địa phương.
Lễ hội chùa Đại Bi thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực là một sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng làng xã được tích hợp nhiều lớp văn hóa. Đức Thánh Từ Đạo Hạnh được nhân dân tôn sùng, thờ phụng như một vị Phật, một vị Thánh, một vị Thành hoàng trong lòng mỗi người dân thị trấn Nam Giang nói riêng và cộng đồng dân cư có chung niềm tin tín ngưỡng. Vì vậy, lễ hội chùa Đại Bi còn có giá trị nhân văn sâu sắc, một tài nguyên, tài sản vô giá góp phần gắn kết cộng đồng đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước.
Trong lễ hội chùa Đại Bi, đặc sắc và tiêu biểu nhất là nghi lễ múa rối cạn chầu Thánh (còn gọi là trò Ổi lỗi). Tương truyền, đây là tích trò do Đức Thánh Từ Đạo Hạnh sáng tạo và truyền dạy cho nhân dân, thể hiện sự từ bi bác ái nhân văn cao đẹp của Đức Thánh nhằm cứu vớt các sinh linh trôi dạt trên biển. Đó chính là tư tưởng nhân văn cao đẹp của Phật giáo nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, để hướng con người đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Hiện nay trong quá trình tổ chức lễ hội, Ban tổ chức luôn tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng thực hiện và duy trì các nghi lễ, lễ hội trò chơi truyền thống; đặc biệt là hát rối cạn chầu Thánh để các nghi lễ trên không bị mai một, thất truyền vì đây là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc trưng tiêu biểu nhất trong lễ hội chùa Đại Bi.
Từ những giá trị về lịch sử, văn hoá và vai trò của lễ hội đối với cộng đồng, lễ hội chùa Đại Bi đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng địa phương và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc.
Tổng hợp, biên tập
Nguyễn Thị Đông
Một số hình ảnh trong Lễ hội chùa Đại Bi thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định:
Quang cảnh lễ rước kiệu Thánh
Hát Rối cạn chầu Thánh (Ổi Lỗi)
Các nghệ nhân thực hành Hát Rối cạn chầu Thánh
Cộng đồng địa phương, chủ thể văn hóa tham gia lễ hội
Trò chơi Đấu vật chầu Thánh