Dấu ấn văn hóa Chăm Pa trên hiện vật tháp Chương Sơn 22/10/2021


Tháp Chương Sơn hay bảo tháp “Vạn phong thành thiện”, được xây trên đỉnh núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Sách Đại Việt sử lược ghi: “Năm Mậu Tý, hiệu Long Phù nguyên hóa thứ 8(1108), mùa xuân, tháng giêng xây cất tháp Chương Sơn”[1]. Đại Việt sử ký toàn thư ghi sự kiện khánh thành: “Năm Đinh Dậu, hiệu Hội tường đại khánh, năm thứ 8 (1117), tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn phong thành thiện. Có rồng vàng hiện”[2]. Như vậy, tháp Chương Sơn được xây dựng trong thời gian 9 năm, dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều Lý. Các sách này còn cho biết, vua Lý Nhân Tông 3 lần[3] ngự đến Chương Sơn và 3 lần[4] rồng vàng xuất hiện tại Ngô Xá. Có thể nói, chưa bao giờ dưới một triều vua nhà Lý mà một nơi lại được nhà vua quan tâm chú trọng và điềm lành giáng xuống nhiều như vậy. Điều đó chứng tỏ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của bảo tháp Chương Sơn đối với vị vua thứ 4 nhà Lý, cũng như triều đình và quốc gia Đại Việt đương thời. Tháp Chương Sơn tồn tại trong khoảng 300 năm, từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15, sau đó bị giặc Ngô/Minh phá hủy. Tấm bia “Tái tạo Chương Sơn bi ký” (Bia ghi việc dựng lại chùa Chương Sơn), khắc ngày 1 tháng 11 triều vua Lê, niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670) tại chùa Ngô Xá ghi: “…Khi giặc Ngô (giặc Minh) đem quân sang xâm lược nơi này, chúng đã sinh lòng ngoan ác, phá hủy hoàn toàn các tượng phật và tượng hộ pháp bằng đá, nay chỉ còn lại bệ đá thần ở giữa tầng thứ 2 giữa đỉnh núi…”. Căn cứ ghi chép của sử sách, năm 1965, Ty Văn hóa tỉnh Nam Hà đã tiến hành thám sát khảo cổ một số vị trí trên sườn núi Ngô Xá, bước đầu phát hiện nhiều di vật có niên đại thời Lý. Trên cơ sở đó, cuối năm 1966, đầu năm 1967, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ty văn hóa Nam Hà mở cuộc khai quật quy mô lớn, diện tích 900m2 giữa đỉnh núi - nơi dự đoán xây dựng tháp Chương Sơn.

Quang cảnh khai quật tháp Chương Sơn
núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, năm 1966 - 1967

Kết quả khai quật đã phát hiện hàng chục di tích[5], hơn 400 hiện vật chất liệu đá, đất nung, gốm sứ, trì, sắt, đồng và gần 700m3 gạch ngói vỡ. Trong số hàng trăm loại hình vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc bằng đá và đất nung, đáng chú ý là những viên gạch in nổi dòng chữ Hán “Lý gia đệ tứ đế, Long Phù Nguyên Hóa ngũ niên tạo” (Đời vua thứ tư triều Lý, hiệu Long Phù Nguyên Hóa năm thứ 5 chế tạo, tức năm 1105). Đây là loại gạch được sản xuất trước 3 năm (1105), phục vụ việc xây tháp Chương Sơn năm 1108. Đặc biệt hơn cả, trong số các di vật liên quan đến bảo tháp còn có pho tượng phật Adiđa và thành bậc lan can đá đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia[6]. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồ sộ về quy mô kiến trúc[7], tính độc đáo trong kỹ thuật xây dựng[8], tháp Chương Sơn còn là nơi hội tụ và phản ánh sự giao thoa giữa các nền văn hóa, trong đó đặc biệt là văn hóa Chăm Pa[9]. Dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở tháp Chương Sơn được thể hiện khá phổ biến thông qua 2 đề tài điêu khắc trên đá đó là hình tượng chim thần Garuda và vũ nữ múa dâng hoa.


Tượng chim thần Garuda, đá, tháp Chương Sơn, thời Lý (Thế kỷ XII)

Garuda là một loài chim thần trong Ấn Độ giáo, là vật cưỡi của thần Vishnu, đồng thời là biểu tượng của mặt trời, không khí và lửa, sau này ảnh hưởng sang Phật giáo. Thần Garuda tiêu biểu cho lòng ngưỡng vọng đến chân lý và sức mạnh tinh thần trên thượng giới, thường được thể hiện với đầu, cánh, cựa, mỏ giống diều hâu, mình và chân giống người. Tuy nhiên khi vào Chăm Pa, Garuda đã được Chăm hóa nên không giống với bất cứ một Garuda nào của Ấn Độ. Trong văn hóa Chăm Pa, chim Garuda thường được thể hiện dưới dạng tượng và phù điêu với thân, tay, chân, đầu của người, mắt, mỏ của chim diều hâu và đều có hình ảnh của rắn Naga. Chim thần ở tháp Chương Sơn phát hiện được khá nhiều
[10], đều được thể hiện trên chất liệu đá, với 2 loại con sơn và đấu kê. Khác hẳn với Chăm Pa, chim thần Garuda ở Chương Sơn có mặt, mũi giống sư tử, mỏ, ức, cánh giống chim diều hâu, tai, chân, tay giống người, nhưng móng lại giống chim, có chòm dâu dưới cằm. Như vậy chim Garuda ở Chương Sơn vừa có yếu tố chim, vừa có yếu tố người, yếu tố động vật có vú, nhưng yếu tố chim đậm nét hơn, nên gọi là chim thần.


Thành bậc lan can, đá, tháp Chương Sơn, thời Lý (Thế kỷ XII)

Hình tượng vũ nữ mang phong cách văn hóa Chăm Pa được tập trung thể hiện trên 4 loại hình hiện vật: Đá ghép thành bậc, thành bậc lan can, bệ đá vuông, mặt đá tròn ghép tường. Ở mỗi loại hình hiện vật, dù vị trí, số lượng vũ nữ có khác nhau, nhưng hình dáng đều cơ bản giống nhau, thân hình chia làm 3 khúc (đầu, thân và chân), nghiêng hẳn sang một bên, với vóc dáng ngực nở, bụng thon, mông phải dô lên, tay tròn lẳn, phục sức bó sát thân, chỉ có khuôn mặt và một số chi tiết nhỏ là khác nhau. Không chỉ hình dáng cơ thể mà các trang phục, trang sức đi kèm của các vũ công cũng rất giống với vũ nữ Apsara trong văn hóa Chăm Pa hay nói rộng ra là trong Ấn Độ giáo và thần thoại Phật giáo. Bên cạnh đó, dấu ấn Chăm Pa ở tháp Chương Sơn còn được thể hiện trên loại hình lá đề. Loại hình này trong văn hóa Chăm Pa được gọi là vầng hào quang, đặt phía sau các tượng thần, tượng đá hoặc là đề tài trang trí ở các tháp Chăm. Ở tháp Chương Sơn hay những di tích thời Lý nói chung nó được thể hiện là những lá đề chạm rồng hoặc chim phượng. Nói về thời gian xuất hiện của vầng hào quang hình lá đề, học giả Cao Xuân Phổ (người chủ trì khai quật tháp Chương Sơn) cho rằng nó có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó đến Trung Quốc, Chăm Pa và Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng dù khó phân định hình tượng lá đề trong văn hóa Đại Việt đã tiếp thu từ nước làng giềng nào, nhưng trong kiến trúc tháp Chương Sơn nó gần với văn hóa Chăm Pa hơn là Trung Quốc. Một khía cạnh khác chúng tôi muốn đề cập đến là nguyên liệu đá sử dụng xây dựng tháp Chương Sơn. Đây là loại đá sa thạch hạt thô vốn không có mặt tại vùng đất Nam Định, cũng như các tỉnh lân cận. Theo người dân địa phương ở Ngô Xá, đây là loại đá của vùng Đông Triều - Quảng Ninh hoặc đá núi Nhồi Thanh Hóa. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguồn đá này được khai khác ở địa phương nào. Qua tìm hiểu, so sánh nguyên liệu đá xây dựng tháp Chương Sơn rất giống với loại đá điêu khắc phù điêu, tượng thần và cũng là một trong những vật liệu xây dựng tháp Chăm. Đến đây có thể nói dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở tháp Chương Sơn là khá rõ. Song, sự giao thoa văn hóa đó thông qua hình thức/con đường nào cũng là một vấn đề cần tìm hiểu. Theo thống kê trong Đại Việt sử ký toàn thư, dưới triều Lý, diễn ra 35 sự kiện giao hảo và xung đột chiến tranh giữa Đại Việt và Chăm Pa
[11], mở đầu vào năm Tân Hợi, niên hiệu Thuận Thiên 2 (1011), kết thúc vào năm Mậu Dần, niên hiệu Kiến Gia 8 (1218). Trong 35 sự kiện, có 13 lần giữa Đại Việt và Chiêm Thành xảy ra giao tranh quân sự, 2 lần quy phụ, 17 lần Chiêm Thành sang cống, 1 lần cầu phong, 1 lần thông báo tin tức, 1 lần phong vua. Sách Đại Việt sử lược ghi có 48 lần[12], trong đó 6 lần 2 bên giao tranh, 1 lần Chăm Pa xin sắc phong, 41 lần Chăm Pa sang cống nạp, quy phụ. Số liệu thống kê cho thấy, ngoài số ít các cuộc giao tranh quân sự, Chăm Pa thời đó cơ bản đều thuần phục Đại Việt. Trong số các lần giao hảo đó, đáng chú ý là sự kiện năm 1060, triều đình Đại Việt cho phiên dịch nhạc khúc của Chăm Pa để sử dụng rộng rãi trong nước. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm Canh Tý, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 2 (1060), tháng Tám phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát”[13]. Tiếp đó, “năm Nhâm Tuất, niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu 1(1202), sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành…”[14]. Bên cạnh lĩnh vực âm nhạc, chắc hẳn còn nhiều khía cạnh văn hóa khác giữa 2 quốc gia Đại Việt và Chăm Pa chú trọng giao lưu, tiếp thu, học hỏi để làm giàu kho tàng văn hóa của mình, trong đó có kỹ thuật xây dựng đền, tháp và nghệ thuật điêu khắc đá. Trở lại câu chuyện xây dựng tháp Chương Sơn, dẫu hiện nay chưa tìm được tư liệu nào minh chứng sự tham gia của người Chăm Pa, nhưng những gì thể hiện trên hiện vật đã khẳng định rõ điều đó. Theo chúng tôi, dấu ấn văn hóa Chăm Pa có mặt tại Đại Việt nói chung, tháp Chương Sơn nói riêng cơ bản thông qua 2 con đường. Thứ nhất, bằng con đường ngoại giao. Nhà nước Đại Việt cử những tốp thợ sang lưu học hỏi, tiếp thu những tinh hoa của văn hóa Chăm Pa về Đại Việt ứng dụng. Thứ hai, tạm gọi thông qua hình thức “cưỡng bức” hay chiến tranh. Nhiều ý kiến cho rằng dấu ấn văn hóa Chăm Pa trên các công trình đền, chùa, tháp nói chung, điêu khắc đá tháp Chương Sơn nói riêng là do tù binh người Chăm bị bắt trong chiến tranh thực hiện. Đại Việt sử ký toàn thư đề cập đến sự kiện diễn ra năm 1044 như sau: “Năm Giáp Thân, niên hiệu Minh Đạo thứ 3 (1044), mùa Xuân, tháng Giêng, phát khí giới cho các quân. Ngày Quý Mão, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành…chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu, đoạt được 30 voi thuần, bắt sống hơn 5000 người…Vua tỏ ý cảm khái, xuống lệnh rằng kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ chết không tha”[15]. Sách này cũng cho biết, “Năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng thứ 2 (1069), mùa xuân, tháng 2, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chế Củ và dân chúng 5 vạn người”[16]. Qua hai sự kiện này cho thấy số lượng người Chăm Pa được đưa về Đại Việt vào 2 năm 1044, 1069 lên tới 55.000 người, một con số rất lớn. Trong hơn 5 vạn người ấy có thể khẳng định gồm nhiều lứa tuổi, giớ tính, địa vị, thuộc các ngành nghề khác nhau. Họ đến Đại Việt cùng với người dân sở tại định cư, làm ăn sinh sống. Trong quá trình ấy, những phong tục, tập quán, văn hóa họ nắm giữ, mang theo tiếp tục được duy trì, thực hành và chia sẻ. Tại vùng đất Nam Định ngày nay, Hành cung Ứng Phong của quốc gia Đại Việt thời Lý cách đây gần 1000 năm, trí tuệ, tài năng của họ được phản ánh và kết tinh trong những tác phẩm điêu khắc đá xây dựng tháp Chương Sơn.
Như đã đề cập, tháp Chương Sơn là công trình trực tiếp do triều đình nhà Lý tổ chức xây dựng, có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị, tôn giáo lúc bấy giờ. Vĩ lẽ đó, để tạo nên một công trình trong thời gian 9 năm không thể thiếu sự đóng góp công sức, trí tuệ của nhân dân, những tốp thợ do triều đình trưng dụng, ở đó có sự tham gia tích cực từ những bàn tay tài hoa, điêu luyện của người thợ Chăm Pa. Họ không đơn thuần là những nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật và chế tạo sản phẩm, mà còn là cầu nối văn hóa giữa Đại Việt và Chăm Pa. Và, Tháp Chương Sơn không chỉ là trung tâm phật giáo quan trọng ở thế kỷ XII mà nó còn là biểu tượng phản ánh sự giao lưu văn hóa của 2 quốc gia Đại Việt và Chăm Pa cách đây gần một thiên niên kỷ.
Hoàng Văn Cương
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh


[1] Đại Việt sử lược, quyển II,  Nxb TP. Hồ Chí Minh, bản điện tử, năm 2001, tr. 63.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển III, Nxb Khoa học xã hội - 1993, bản điện tử, năm 2001, tr.117.

[3],[4]  Năm 1107, 1114,1117.

[5] Chân tháp, móng tháp, vách đá bó nền, sân lát gạch, sân đất, bậc lên xuống lát đá sa thạch, công ngầm thoát nước, dải gạch bó vỉ

[6] Tượng Adiđa công nhận bảo vật quốc gia năm 2013; Thành bậc lan can năm 2015.

[7] Căn cứ vào cách tính toán khác nhau, các học giả Việt Nam và nước ngoài cho rằng tháp Chương Sơn có thể cao 11,5m, 42m hoặc 95m.

[8] Tháp được dựng bởi 2 loại vật liệu chủ yếu là đất nung và đá. Tuy nhiên ngoài sự liên kết thông thường, các cấu liện kiến trúc của tháp còn được liên kết thông qua hệ thống cá trì, dây đồng và đinh thuyền.

[9] Chăm Pa qua các giai đoạn lịch sử được gọi là Lâm Ấp, Chiêm Thành hoặc Chàm.

[10] Tổng số phát hiện được 30 hiện vật, trong đó có 6 con còn tương đối nguyên vẹn.

[11] Vào các năm: 1011, 1020, 1044, 1055, 1068, 1069, 1071, 1074, 1076, 1094 ,1103, 1104, 1110, 1112, 1118, 1120, 1124, 1126, 1128, 1130, 1132, 1135, 1154, 1155, 1164, 1166, 1167, 1177, 1184, 1198, 1199, 1216, 1218; trong đó năm 1130, 1167 có 2 lần.

[12] Vào các năm:1011, 1020, 1038, 1044, 1055, 1057, 1059, 1060, 1063, 1065, 1069, 1073, 1075, 1077, 1081, 1082, 1083, 1084, 1085, 1086, 1087, 1088, 1091, 1093, 1095, 1097, 1098, 1099, 1102, 1104, 1105, 1106, 1108, 1110, 1116, 1118, 1120, 1130, 1132, 1134, 1150, 1152, 1153, 1160, 1165, 1170, 1177, 1203.

[13] Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội - 1993, bản điện tử, tr. 176.

[14] Đại Việt sử ký toàn thư, quyển IV, sđd, tr.151.

[15] Đại Việt sử ký toàn thư, quyển II, sđd, tr. 100-101.

[16] Đại Việt sử ký toàn thư, quyển II, sđd, tr.107-108.

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập