Ý Yên là vùng đất văn hóa truyền thống, nơi đây bảo tồn và lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Các di sản văn hóa đó một phần được kết tinh bởi hàng trăm di tích thờ những nhân vật lịch sử có công với quê hương, đất nước, trong số đó phải kể đến đền Hạ làng Hoàng Đan thờ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung.
Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Bạch sinh năm 1604, mất năm 1664, quê xóm Thinh, làng Thoi, tổng Hưng Xá nay là xóm Thanh Vân, làng Hoàng Đan, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ngọc Bạch là một cô gái có tài ca hát và sắc đẹp hơn người. Một hôm vua Lê Thần Tông đi qua làng Thoi thấy Ngọc Bạch vừa cắt cỏ, vừa ca hát, đặc biệt trên đầu lơ lửng đám mây xanh hình dáng như chiếc lọng, bèn truyền gọi cô đến. Thấy Ngọc Bạch có nhan sắc diễm lệ, đối đáp thông minh, trôi chảy, nhà vua liền đem lòng yêu mến rước về cung, phong làm Quý phi và đổi tên thành Phương Dung. Sau đó, vua Lê Thần Tông truyền chỉ đổi tên xóm Thinh thành xóm Thanh Vân, làng Thoi thành làng Hoàng Đan.
Vào cung được hơn một năm, Quý phi Nguyễn Thị Phương Dung sinh hạ Hoàng tử Lê Duy Hựu, sau lên làm vua (Lê Chân Tông). Trong thời gian ở trong cung, bà được vua Lê Thần Tông tin tưởng giao trọng trách cùng với Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc quán xuyến công việc chốn hậu cung. Bằng sự thông minh, quyết đoán và hiền thục của mình, bà luôn xử trí ổn thỏa mọi việc ở trong cung nên được nhà vua hết mực thương yêu, các Hoàng tử, Công chúa rất kính nể. Mặc dù được sống trong cảnh vàng son gác tía nhưng Quý phi Nguyễn Thị Phương Dung luôn chăm lo cuộc sống cho người dân quê mình. Bà xin ân điển của nhà vua cho làng Hoàng Đan được quản hai bến đò Gián Khẩu, Phú Khê để người dân được tự do qua lại, ban tiền của cho dân làng để làm cầu, sửa đắp đê, ban cấp cho dân 242 mẫu ruộng, miễn sưu thuế hàng năm, để nhân dân có cuộc sống ấm no.
Năm 1664, Quý phi Nguyễn Thị Phương Dung mất, được triều đình đưa về an táng tại khu đất Mả Cháy làng Hoàng Đan. Hiện nay, tại làng Hoàng Đan vẫn còn nhiều địa danh liên quan đến việc an táng của bà như: Vườn Rồng - nơi thuyền rồng đưa linh cữu cập bến, Triều Trên - nơi các đại thần làm lễ cúng tế, Mả Cháy - nơi quan quân đốt lửa nấu nướng, nung gạch xây lăng…
Năm 1684, vua Lê Hy Tông ngưỡng mộ tài đức của Quý phi Nguyễn Thị Phương Dung đã truy phong bà là Hoàng Thái hậu và cho người xây điện Hoàng Long (đền Hạ) ở làng Hoàng Đan để thờ phụng, đồng thời sai người soạn khắc bia đá để đời đời tưởng nhớ công ơn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi rõ: “Tháng 5, mùa hạ, truy tôn Nguyễn Thị, Quý phi của Thần Tông, Minh Thục Hoàng Thái hậu, tên là Ngọc Bạch, người xã Hoàng Đan, là sinh mẫu Lê Chân Tông”. Điều này đã khẳng định làng Hoàng Đan chính là quê hương của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung.
Đền Hạ nay thuộc xóm Thanh Vân, làng Hoàng Đan, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên. Đền tọa lạc trên một khu đất rộng 960m2, mặt quay hướng Tây Nam, kết cấu kiến trúc kiểu Tiền “nhất”, hậu “đinh”, gồm: Tiền đường, trung đường và hậu cung. Tại đền Hạ lưu giữ được tấm bia đá do vua Lê Hy Tông sai Tiến sỹ Lương Nghi soạn khắc vào niên hiệu Chính Hòa thứ 5 (1684), nội dung bia ca ngợi công lao đức hạnh của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung.
Từ khi Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung qua đời đến nay đã trải qua nhiều thế kỷ nhưng đền thờ, bia đá, lăng mộ của bà luôn được nhân dân địa phương bảo quản và trùng tu lại khang trang, theo đúng phong cách cổ truyền của dân tộc.
Để tưởng nhớ công ơn Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung, hàng năm cứ vào ngày 16 và 17 tháng Giêng, nhân dân địa phương lại tập trung tại đền Hạ để tham dự lễ hội kỷ niệm ngày mất của bà. Lễ hội không chỉ là dịp tôn vinh công đức của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung mà còn là dịp tuyên truyền, giáo dục, cho các thế hệ người dân hiểu được truyền thống văn hóa địa phương để từ đó có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời góp phần động viên, khích lệ người dân cùng chung sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng đổi mới giàu đẹp.
Trần Thị Thúy
Phòng Nghiệp vụ Di tích
Một số hình ảnh về di tích đền Hạ làng Hoàng Đan, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thờ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung:
Mặt đứng đền Hạ, xóm Thanh Vân, làng Hoàng Đan, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên
Ảnh thờ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung đặt tại tòa hậu cung của đền Hạ.
Bia “Phụng Hoàng Long điện bi ký” soạn khắc vào niên hiệu Chính Hòa 5 (1684) tại sân đền Hạ.