Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), Bảo tàng tỉnh Nam Định biên soạn tóm tắt nội dung 5 lần Bác về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định, nhằm giới thiệu tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn tình cảm cũng như sự quan tâm của Bác giành cho Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Qua đó thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tiếp tục khắc sâu và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hồ Chủ tịch nói chuyện với nhân dân Nam Định trong buổi mít tinh tại sân Quảng trường Hòa Bình, TP. Nam Định, ngày 22/5/1963
Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định (Ngày 10/01/1946)
Vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Nam Định, lần đầu tiên được Hồ Chủ tịch về thăm. Chiều ngày 10/01/1946, tại trụ sở UBHC tỉnh Nam Định, Bác đã gặp và nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân, đại biểu các tôn giáo và cán bộ các ngành, các giới trong tỉnh. 7 giờ sáng ngày 11/01/1946, hơn 10.000 cán bộ, bộ đội và nhân dân đã họp mặt trước trụ sở UBHC tỉnh để đón chào Bác.
Hồ Chủ tịch nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân trước trụ sở UBND tỉnh, ngày 11/01/1946
Bác đã ân cần nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau, chăm lo mọi mặt công tác, ủng hộ Quốc hội và Chính phủ. Mọi người đều hết sức chăm chú lắng nghe những lời dạy bảo của Người và đã hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Sau đó Bác gặp mặt các cháu đại diện cho thiếu nhi thành phố Nam Định và thân mật chia kẹo cho các cháu. Trước khi rời thành phố Nam Định, Bác còn đến thăm và tặng quà các cháu mồ côi tại nhà Tế Bần và nhà Dục Anh (phố Hàn Thuyên hiện nay).
Lần thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định (Ngày 24/4/1957)
Ngày 24/4/1957, lần thứ hai về thăm Nam Định, Hồ Chủ tịch đã đi thăm nhiều nơi trong thành phố. Tại nhà máy Dệt Nam Định, Bác đã đến thăm các phân xưởng sản xuất, nhà thương, bếp ăn, nhà trẻ và khu tập thể công nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu tập thể công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, ngày 24/4/1957
Nói chuyện thân mật với gần 10.000 cán bộ, công nhân Dệt Nam Định, Bác biểu dương khen ngợi thành tích đạt được của công nhân nhà máy và chỉ ra những thiết sót, khuyết điểm cần khắc phục. Người nhắc nhở: “Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn, yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình, đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem một số sản phẩm của Nhà máy Dệt Nam Định sản xuất, ngày 24/4/1957
Tại Câu lạc bộ thành phố Nam Định, Bác đã nói chuyện với gần 500 đại biểu các tầng lớp nhân dân thành phố. Người mong muốn cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Định đoàn kết một lòng để giải quyết những khó khăn, cố gắng lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chấp hành pháp luật Nhà nước, chống tệ nạn quan liêu, lãng phí, tham ô,... thiết thực góp phần vào công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Dự Hội nghị sửa sai của tỉnh Nam Định, Hồ Chủ tịch đã phân tích những thắng lợi của cải cách ruộng đất và chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm cần phải khắc phục. Bác nhấn mạnh: muốn đạt được những thắng lợi cần phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết cấp trên với cấp dưới. Cán bộ phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phải luôn dựa vào nhân dân mà tiến hành công tác. Cũng trong thời gian này, Hồ Chủ tịch còn đến thăm cán bộ chiến sỹ Quân khu Hữu ngạn tại Nam Định và Quân y viện 5.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Quân khu Hữu ngạn tại Nam Định, ngày 24/4/1957
Lần thứ ba Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định và dự Đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh (Ngày 13/8/1958)
Ngày 13/8/1958, Hồ Chủ tịch dự Đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định họp tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên – nơi có thu hoạch vụ chiêm cao hơn cùng kỳ năm trước gần 59 tấn thóc, đồng thời đang có phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật làm mùa. Bác đã nói chuyện với gần 1.000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và các chiến sĩ nông nghiệp về sự quan trọng của vụ mùa năm đó và nhắc nhở mọi người ra sức quyết tâm thi đua thực hiện sản xuất thắng lợi. Bác nhắc bà con nông dân: “Thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là nhằm mục đích ích nước lợi nhà… thi đua là phải yêu nước, yêu nước thì phải thi đua… Bà con phải giúp đỡ nhau, khuyến khích lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để cùng tiến bộ… thi đua phải đoàn kết, đoàn kết để thi đua”. Bác cũng nhấn mạnh kinh nghiệm trồng trọt của cha ông ta xưa qua câu tục ngữ: “Một nước, hai phân, ba cần, bốn kỹ thuật”. Đặc biệt, Bác nhắc phải hết sức chú ý trong việc giữ đê, phòng lụt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, ngày 13/8/1958
Trước khi ra về, Người đã vào thăm một số gia đình trong xã Yên Tiến và ra tận cánh đồng xóm Đông Hưng. Người rất vui lòng khi thấy ruộng đầy nước, sạch cỏ, lúa lên xanh. Dọc đường đi, nhân dân kéo ra đông nghịt các ngõ và nẻo đường để hoan hô Hồ Chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cánh đồng lúa Đông Hưng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, ngày 13/8/1958
Lần thứ tư Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định, xem xét việc chống hạn (Ngày 15/3/1959)
Ngày 15/3/1959, Hồ Chủ tịch về thăm tỉnh Nam Định, nói chuyện với hàng nghìn cán bộ, đảng viên, nhân dân về việc chống hạn để đẩy mạnh vụ Đông - Xuân. Người căn dặn cán bộ phải cố gắng quyết tâm chống hạn, quyết tâm phải liên tục, bền bỉ. Biến quyết tâm của cán bộ thành quyết tâm của nhân dân, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các xóm, các xã, các huyện. Bác nhấn mạnh: “… Trời đã làm ra hạn, lụt, sâu bọ, bệnh tật. Vì vậy, ta không ỷ lại trời, mà phải chống lại trời. Mùa trước đây, nhân dân ta “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” thì nay phải tiếp tục thực hiện.… Muốn làm tròn nhiệm vụ phải chống tư tưởng bảo thủ, chống tư tưởng sợ khó, chống tư tưởng mệt mỏi, chống tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm, quyết tâm và quyết tâm mãi, quyết tâm nữa làm cho đến thắng lợi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra, xem xét việc chống hạn tại tỉnh Nam Định, ngày 15/3/1959
Nhân dịp này, được biết Nhà máy Dệt gặp nhiều khó khăn, Bác đã gặp mặt, động viên Đảng uỷ, lãnh đạo Nhà máy và gửi lời hỏi thăm tới toàn thể công nhân. Những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Bác là nguồn động lực, niềm tin để cán bộ và công nhân viên Nhà máy Dệt cố gắng phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn và xây dựng nhà máy càng lớn mạnh phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước trong nhiều năm tiếp theo.
Lần thứ năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định và dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (Ngày 21/5/1963)
Ngày 21/5/1963, Hồ Chủ tịch về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V. Bác tươi cười nói chuyện với Đại hội: “Bác mong rằng sau đại hội này, toàn Đảng bộ Nam Định sẽ ra sức khắc phục khuyết điểm, phát triển ưu điểm, đoàn kết một lòn, thực hiện đầu đủ mọi nghị quyết của Đại hội, biến nghị quyết đó thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên và đồng bào cả tỉnh, để xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V, ngày 21/5/1963
Sau đó, Bác đến thăm Nhà máy Dệt, Người đã đi thăm một số phân xưởng, thăm bếp nấu, nhà ăn tập thể, khu nhà ở của công nhân và thăm Bệnh viện tỉnh… Xem triển lãm một số hình ảnh về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nam Định, Bác đã ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng truyền thống của tỉnh “Tiếp tục truyền thống Cách mạng vẻ vang, xây dựng Chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định và ghi vào sổ vàng truyền thống của tỉnh, ngày 21/5/1963
Ngày 22/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với 5 vạn nhân dân Nam Định trong buổi mít tinh chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Cả thành phố đổ ra đường, ai cũng mong muốn được trông thấy Bác Hồ để thỏa lòng mong ước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường ra dự buổi mít tinh tại sân Quảng trường Hòa Bình, TP. Nam Định, ngày 22/5/1963
Tổng hợp, biên tập
Nguyễn Thị Thu Hường