Kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ 14/05/2020


Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Kim Dung, thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong, thành phố Nam Định theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan: phỏng vấn nhân chứng đã được gặp Bác Hồ. Sau khi biết được mục đích của chúng tôi, ánh mắt bà không giấu nổi niềm xúc động. Bà đã đưa chúng tôi trở về với miền ký ức vẫn còn đậm nét và vẹn nguyên trong trái tim của bà.
Bà kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Hải Quang, huyện Hải Hậu. 17 tuổi tôi lập gia đình. Chồng tôi là cán bộ công an thường xuyên phải công tác xa nhà, các con thơ dại, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một tay tôi gánh vác, nhưng tôi đi đầu trong mọi phong trào của địa phương nên tôi được chi bộ kết nạp Đảng. Năm 1963 gia đình tôi rời quê hương về sinh sống tại xã Nam Phong, huyện Nam Trực nay là thành phố Nam Định. Tôi đã cố gắng sớm hoà mình với mọi người để xây dựng quê hương thứ hai mà gia đình tôi mới đến, cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tôi rất vinh dự được Chi bộ Vạn Phong, Đảng bộ Nam Phong bình bầu là đảng viên 4 tốt xuất sắc, được Tỉnh Đảng bộ Nam Định “Nêu gương sáng Nguyễn Thị Kim Dung - đảng viên 4 tốt xuất sắc của tỉnh” được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định nêu gương sáng Nguyễn Thị Kim Dung - phụ nữ 5 tốt, gương sáng 3 đảm đang.
Năm 1963, tôi được Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định giới thiệu ra ứng cử làm đại biểu Quốc hội Khoá III, đó là vinh dự quá lớn đối với tôi, tôi rất lo lắng không biết tôi có hoàn thành được nhiệm vụ lớn lao đó hay không... rồi sau đó tôi được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội.
Trong 8 năm làm đại biểu quốc hội, tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp, cao quý, thiêng liêng, sâu sắc không thể nào quên, đặc biệt là những giây phút thiêng liêng tôi được gặp Bác Hồ.


Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các Đại biểu Quốc hội tại Phủ Chủ tịch, năm 1964 (Bà Nguyễn Thị Kim Dung mặc áo dài trắng, tay cầm cặp đứng trước Bác Hồ)

Lần đầu tiên tôi được gặp Bác là năm 1964, khi đoàn đại biểu Quốc hội về họp phiên đầu tiên kỳ họp thứ nhất ở thủ đô Hà Nội. Bác cho phép các đại biểu Quốc hội trẻ đến gặp Bác ở vườn cây gần nơi Bác ở. Được ngồi quây quần bên Bác, ai cũng chăm chú ngắm nhìn Bác. Tôi thấy Bác gọi tên một số các chị ở đoàn khác, Bác gọi tên chị Nguyễn Thị Thạc - anh hùng lao động Nhà máy Dệt Nam Định. Bác gọi tiếp đến Nguyễn Thị Kim Dung, tôi không nghĩ một con người nhỏ bé như tôi lại được Bác gọi tên nên không dám đứng dậy, mãi đến khi Bác gọi tên lần thứ 3, các chị ngồi bên bảo tôi: “Bác gọi tên chị đứng lên đi”. Tôi vội vàng đứng dậy, Bác nhìn tôi, Bác hỏi: “Cháu là Nguyễn Thị Kim Dung”, tôi thưa Bác: “Vâng ạ”, Bác cười thật đôn hậu, Bác nói: “Thế cháu là nông dân, mặc áo dài đi cày, áo quấn vào cày, cháu cày làm sao?”. Lúc này tôi rất lúng túng, mặt nóng như đổ lửa, Bác bảo: “Thôi, Bác đùa đấy, thế Chi bộ Vạn Phong và Đảng bộ Nam Phong vẫn 4 tốt chứ?”. Tôi thưa Bác “Vâng ạ”. Bác bảo tôi: “Thôi cháu ngồi xuống”, rồi Bác cầm bông hoa, Bác bảo: “Cháu nào thích hoa”, tất cả đều nói: “Chúng cháu thích hoa”, Bác nói: “Hoa chỉ có một bông, Bác cắm bông hoa vào lọ để các cháu ngắm chung, bánh kẹo nhiều các cháu ăn đi, rồi ra cửa Chủ tịch phủ Bác cháu ta chụp ảnh làm kỷ niệm”. Hôm ấy các đại biểu trẻ được về gặp Bác rất đông, ai cũng muốn được đi gần Bác, còn tôi không dám nghĩ là mình được đi gần Bác, tôi thấy các anh chị đang chen nhau đi trước, còn tôi vẫn đang đi sau, bỗng Bác dừng lại bên cạnh tôi, Bác cầm nắm tay tôi, Bác nói: “Những thành tích của cháu đạt được, Bác rất hoan nghênh, Bác sẽ tặng cho cháu huy hiệu của Bác. Cháu cố gắng học tập để có đủ trình độ làm tốt nhiệm vụ của người đảng viên, người đại biểu Quốc hội. Nhưng Bác cũng phê bình cháu, cháu ít tuổi nhưng lại nhiều con, cháu phải sinh đẻ có kế hoạch thì mới tiến bộ được”. Tôi thật là vui sướng, xúc động khi nghe được những lời Bác dậy bảo, tôi chỉ biết “Thưa Bác vâng ạ”. Bác nắm tay tôi đi về phía Dinh Chủ tịch, đến nơi, Bác bảo tôi: “Cháu bé, cháu đứng đằng trước để thợ chụp ảnh nhìn cho đẹp”. Khi lấy ảnh, thấy mình được đứng ngay phía trước Bác, nhìn thấy chòm râu của Bác phủ trên đầu, tôi vô cùng cảm động và hạnh phúc. Bàn tay ấm áp của Bác, những lời dạy bảo ân cần của Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, thổi bùng lên ngọn lửa trong tôi và đây cũng là một kỷ niệm đẹp, sâu sắc nhất của đời tôi mà không bao giờ quên được.
Lần thứ hai tôi được gặp Bác là năm 1968. Khi ấy tôi được Tỉnh Đảng bộ Nam Định giao cho đi dự Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng 4 tốt toàn miền Bắc tại hội trường Ba Đình, Hà Nội. Hội nghị này vắng Bác. Đến giờ giải lao, Hội nghị xôn xao lên vì hôm nay sao không thấy Bác đến dự. Tôi đang đứng cùng các đồng chí ở thềm hội trường thì thấy anh Lê Hoành - chuyên viên Ban Tổ chức Trung ương Đảng đến tìm tôi, anh nói: “Bác đang hỏi cô, cô về chụp ảnh với Bác”. Lại một vinh dự lớn lao đến với tôi, tôi được gặp Bác, Bác gọi tôi đến bên Bác, Bác bảo tôi: “Bác cháu ta ngồi xuống để cho họ chụp ảnh”, tôi ngồi xuống ôm chân Bác, tôi ngắm nhìn Bác, thấy Bác gầy và xanh, tôi hỏi Bác: “Thưa Bác, Bác có khoẻ không ạ”, Bác nói: “Bác vẫn khoẻ”. Sau lần đó, tôi cũng không ngờ rằng đây là tấm ảnh cuối cùng mà tôi được chụp ảnh với Bác.
Trong những năm phấn đấu, rèn luyện liên tục, bà Nguyễn Thị Kim Dung đã được Đảng giao cho những nhiệm vụ quan trọng như: Đội trưởng sản xuất nông nghiệp; Bí thư Chi bộ Xuân Phong kiêm Chính trị viên Đại đội tự vệ Xuân Phong; Thường vụ Đảng uỷ Nam Phong phụ trách tổ chức, tuyên giáo; Đại biểu Quốc hội khoá III; Huyện uỷ viên huyện Nam Trực, Huyện uỷ viên huyện Nam Ninh; Chuyên viên Ban Tổ chức Thành uỷ Nam Định... Trong quá trình công tác, bà đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiều giấy khen, bằng khen. Đặc biệt, bà đã được Bác Hồ tặng cho Huy hiệu Hồ Chí Minh.
Trước khi tiễn chúng tôi ra về, bà nắm chặt tay chúng tôi, bà nói trong niềm xúc động, nghẹn ngào: “Bàn tay này của bà cách đây gần nửa thế kỷ đã được Bác truyền cho hơi ấm, truyền cho sức mạnh. Đến bây giờ cảm xúc được Bác dắt tay đi dưới Quảng trường Ba Đình lộng gió, những lời dậy bảo ân cần, những câu phê bình thẳng thắn, chân tình như một người cha đối với đa con bé bỏng của mình vẫn vẹn nguyên trong bà. Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, mắt đã mờ, chân đã chậm, bà vẫn thèm được Bác nắm tay, thèm được Bác hoan nghênh, thèm được Bác phê bình. Hôm nay, bà nắm tay các con, bà mong rằng hơi ấm, sức mạnh của Bác truyền cho bà, bà sẽ truyền sang cho các con để các con luôn hoàn thành tốt nhiệm được giao. 

Vũ Hồng Nhung
(Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Kim Dung)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập