Bảo tàng tỉnh Nam Định hiện đang trưng bày gần 1000 tài liệu, hiện vật phản ánh về lịch sử tự nhiên và xã hội của tỉnh Nam Định qua các giai đoạn lịch sử, trong đó có bộ tranh Thập điện Diêm Vương. Đây là 5 trong 10 bức tranh Thập điện Diêm Vương sưu tầm tại chùa Phúc Trọng, thôn Phúc Trọng, phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định vào năm 1962, có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX).
Thập điện Diêm Vương (10 vị Diêm Vương) là cảnh mô phỏng các vị thần linh cai quản cõi chết, phán xét con người ở địa ngục căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống. Bộ Thập điện Diêm có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức như: tạc tượng, trạm gỗ hoặc vẽ... thường được đặt ở hai bên thượng điện tại các ngôi chùa Việt, với ý nghĩa “khuyến thiện trừng ác”. Khi mới được sưu tầm cả 5 bức tranh đều bụi bẩn, dính nhiều dị vật, nhiều mảng màu bị bong tróc, một số mảng bị mọt ăn thủng, phần gỗ đã khô kiệt đến mức thoái hóa. Tuy màu sắc tranh có phai theo thời gian nhưng nhìn chung không ảnh hưởng đến bố cục và nội dung thể hiện của bộ tranh.
Bộ tranh Thập điện Diêm Vương hiện được trưng bày tại Bảo tàng Nam Định
Từ tháng 9 - 12/2008, bộ tranh được bảo quản trị liệu theo Dự án tài trợ của Quỹ Bảo tồn văn hóa - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, do nhóm của Họa sĩ Nguyễn Ánh Nguyệt thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện. Thông qua quá trình bảo quản trị liệu, bộ tranh Thập điện Diêm Vương đã phần nào đảm bảo tính nguyên trạng ban đầu về nội dung, hình thức và màu sắc kỹ mỹ thuật.
1. Miêu tả về bộ tranh: Bộ tranh gồm 5 bức, có cùng một kích thước 154cm x 51cm, được vẽ bằng chất liệu thảo mộc, khoáng chất trên nền gỗ mít. Mặc dù trong mỗi bức tranh mô tả những hình người cụ thể, chi tiết khác nhau xong đều thống nhất trong bố cục hình chữ nhật đứng, diễn tả theo từng phần nhưng rất chặt chẽ. Về bố cục mỗi bức tranh được chia thành 2 phần: Phần trong điện và phần ngoài điện, khoảng giữa 2 phần thường được vẽ phân cách bởi một bức tường:
Phần trên (trong điện): Vẽ nhân vật chính là Diêm vương lớn hơn các nhân vật khác, ngồi chính điện, trước mặt có bản án giấy màu trắng, hai bên tả hữu có các quan giúp việc và những người cầm lọng, quạt đứng hầu. Cảnh phía dưới là các quỷ sứ đầu trâu, mặt ngựa đang dẫn tội nhân vào xét xử.
Phần dưới (ngoài điện): Vẽ các quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa đưa các tội nhân chịu án. Ở mỗi cảnh xử án trong các bức tranh đều có dòng chữ Hán nói về tội trạng, răn dạy người đời khi còn sống không làm điều thiện thì chết đi sẽ phải chịu đau khổ qua các hình phạt khác nhau.
Bức tranh thứ nhất: Phía trên là dòng chữ Hán:第 壹 殿 “Đệ nhất điện” (Điện thứ nhất). Phần trong điện là hình ảnh Tần Quảng Vương ngồi trên ghế xét xử, hai bên có hai quan văn đội mũ cánh chuồn, tay cầm sách. Phần ngoài điện là cảnh thi hành án ném người vào vạc dầu sôi, bên cạnh hình ảnh hãi hùng đó là dòng chữ Hán: 人 生 不 作 /愛 食 煮 生 靈/只 謀 貪 滋 味/死 入 獲 湯 中 (Nhân sinh bất tác thiện/ Ái thực chử sinh linh/ Chỉ mưu tham tư vị/ Tử nhập hoạch thang trung), nghĩa là: Con người khi sống không làm điều thiện/ Ham thức ăn của sinh linh/ Chỉ mưu tham mùi vị/ Chết sẽ bị tống vào vạc dầu sôi.
Bức tranh thứ hai: Phía trên là dòng chữ Hán: 第 參 殿 “Đệ tam điện” (Điện thứ 3), cảnh trong điện là hình ảnh Tống Minh Vương đang xét xử, hai bên tả hữu có 3 quan đứng giúp việc. Ngoài điện là cảnh thi hành án: lấy đá đè người, cưa người Bên cạnh là dòng chữ Hán: 若 不 生 業 前/死 後 受 石 盤 /萬 般 都 是 命/向 故 指 傷 他 (Nhược bất sinh nghiệp tiền/ Tử hậu thụ thạch bàn/ Vạn ban đô thị mệnh/ Hướng cố chỉ thương tha), nghĩa là: Lúc sống sinh nghiệp chướng/ Khi chết chịu đá đè/ Mọi vật đều do mệnh/ Ngoảnh lại thấy thương thay.
Bức tranh thứ 3: Phía trên là dòng chữ Hán:第 肆 殿 “Đệ tứ điện” (Điện thứ 4). Cảnh trong điện là hình ảnh Diêm La Thiên Tử ngồi trên ghế xét xử, có hai quan đứng bên. Ngoài điện là cảnh thi hành án: rút lưỡi phạm nhân.
Bức tranh thứ 4: Phía trên là dòng chữ Hán: 第 五 殿 “Đệ ngũ điện” (Điện thứ 5). Trên điện là hình ảnh Diêm La Vương ngồi xử án. Ở bức tranh này ta thấy có sự khác biệt lớn so với các tranh còn lại, hai bên Diêm Vương không phải là các quan giúp việc cho ngài mà là hai quỷ đầu trâu, mặt ngựa đứng hầu. Trước điện là hình ảnh 2 vị quan thường giúp việc cho Diêm Vương, nay đang quỳ chịu sự tra xét của Diêm Vương. Phía ngoài điện là cảnh thi hành án: thiêu người. Cuối bức tranh là hình ảnh phán xét những người khi còn sống làm việc thiện khi chết xuống âm phủ được Quan Âm dẫn qua cầu Nại Hà để được đầu thai kiếp tiếp theo, ai làm việc ác thì phải chịu những hình phạt ném xuống sông Vong Xuyên. Bên cạnh là dòng chữ Hán ghi: 何 人 無 罪 /何 者 無 愆 (Hà nhân vô tội/ Hà giả vô khiên), nghĩa là: Không ai là không có tội/ Không ai là không có lỗi lầm.
Bức tranh thứ 5: Phía trên tranh là dòng chữ Hán:第 陸 殿 “Đệ lục điện" (Điện vua thứ 6). Hình ảnh Diêm Vương không ngồi trong điện xử án, mà xuống tận nơi thi hành án, phải chăng tội này rất nặng: đổ nước sắt nóng vào miệng; dùng xích sắt thắt cổ phạm nhân từ phía sau. Bên cạnh là dòng chữ Hán: 酒 宣 無 期 / 陵 罵 祖 先 /死 吞 熱 鐵 (Tửu tuyên vô kỳ/ Lăng mạ tổ tiên/ Tử thôn nhiệt thiết), nghĩa là: Uống rượu vô độ/ Lăng mạ tổ tiên/ Chết uống sắt nóng.
2. Giá trị:
2.1. Giá trị lịch sử: Hiện nay chưa có nguồn tư liệu tin cậy nào nói về thời điểm xuất hiện chính xác của Thập điện Diêm Vương ở Việt Nam. Các bộ thập điện có niên đại sớm cũng chỉ khoảng cuối thế kỷ XVIII. Bộ tranh đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX), một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Giai đoạn bối cảnh xã hội đầy biến động xuất hiện nhiều luồng tư tưởng khác nhau, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực, đất nước loạn lạc, nhân dân lưu tán khiến cho con người mất phương hướng trong cuộc sống, không còn trông chờ vào ý thức hệ Nho giáo mà đại biểu là nhà nước phong kiến. Ở hoàn cảnh này, một trong rất nhiều hình thức để cân bằng cuộc sống là sự răn đe thông qua tín ngưỡng. Những ngôi đền thờ thần, những ngôi chùa thờ Phật đã trở thành nơi người dân gửi gắm tâm linh vào thế giới diệu huyền. Vì vậy, người xưa với trí tưởng tượng vô cùng phong phú, kết hợp với những kiến thức của đạo Phật, để sáng tạo nên hình tượng Mười cửa điện Diêm Vương - Mười vị vua cai quản phần hồn của con người ở thế giới bên kia. Thông qua những hình phạt đó không ngoài mục đích khuyến khích làm điều thiện, tránh xa điều ác, nhắc nhở người đời phương châm đạo lý “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Sự ra đời của Tranh Thập điện Diêm Vương là điều kiện tất yếu của lịch sử nhằm dung hòa những nỗi bất công của con người trước một xã hội đã phân hóa làm nhiều đẳng cấp.
2.2. Giá trị nhân văn: Bộ tranh miêu tả cảnh ở thế giới địa ngục, nhưng ý nghĩa của bức tranh hướng đến là cuộc sống nơi trần thế. Giá trị cốt lõi của bộ tranh muốn truyền tải là khuyến khích người dân khi còn sống hãy làm điều thiện, tránh xa điều ác. Đặc biệt thông qua nội dung bộ tranh trên góp phần tích cực vào việc xây dựng đạo đức lối sống, hình thành nhân cách của con người có ích cho xã hội, nhất là cho lớp trẻ hiện nay, pháp luật và dư luận xã hội có thể chế tài (sự trừng phạt, hình phạt) các tội ác đã vi phạm, nhưng chính sự cảm hóa bằng tư tưởng đạo đức của tôn giáo mới đích thực ngăn ngừa những tội ác chưa xảy ra. Tư tưởng của bộ tranh mang đến không những phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân, còn phù hợp với mọi thời kỳ lịch sử xã hội, hướng con người sống có mục đích, ý nghĩa tốt đẹp hơn.
2.3. Giá trị nghệ thuật: Chất liệu hội họa vẽ trên tranh cũng mang đậm tính dân gian truyền thống (màu dân tộc), được làm từ tự nhiên là các thảo mộc và khoáng chất. Các chất thảo mộc được đun sắc kỹ, trộn với sơn quang dầu thành chất kết dính, có tác dụng bám chắc vào gỗ. Vì vậy những sắc màu này vừa tươi vừa có độ bền màu cao.
Bộ tranh mang tính triết lý uyên thâm, với cách vẽ giàu hình tượng, điêu luyện về thủ pháp nghệ thuật, bút pháp tinh tế trong từng đường nét, vừa thể hiện được tính nghệ thuật, nhân bản, trừu tượng, huyền bí nhưng cũng rất hiện thực. Thể hiện thành công được vai trò của Thập điện Diêm Vương, một thế giới thần linh trong tranh như là phản chiếu cuộc sống từ dân gian. Đây là hiện vật có giá trị nghệ thuật quý hiếm, là tài liệu đóng góp quan trọng đối với các nhà nghiên cứu nghệ thuật, nghiên cứu lịch sử mỹ thuật của Việt Nam.
3. Nhận xét:
Quá trình hội nhập phát triển đã thúc đẩy tôn giáo thâm nhập sâu rộng vào đời sống con người. Bên cạnh đó, sự biến động của điều kiện kinh tế xã hội cũng đã tác động mạnh mẽ đến việc biến đổi tôn giáo, từ chỗ hướng về thế giới “bên kia” thì tôn giáo đã chuyển mình trực tiếp quan tâm phục vụ cho chính bản thân con người nơi trần thế. Bộ tranh Thập điện Diêm vương được treo thờ tại các ngôi chùa không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo “khuyến thiện, trừng ác”, cho chúng ta thấy rõ ràng về sự minh bạch (giấy trắng, mực đen trên bản án), sự công bằng (có tội thì bị xử phạt), giáo dục (nhìn những cảnh bị hành tội mà không dám làm điều ác). Thông qua bộ tranh Thập điện Diêm Vương cho ta thấy một vũ trụ quan trong tâm linh người xưa được thể hiện qua bộ tranh thờ vẫn còn là điều để chúng ta cùng nhau suy ngẫm và tìm hiểu. Đó là góc khuất luôn còn là dấu hỏi chưa thể xóa trong đời sống tinh thần mỗi người. Vì vậy thể loại tranh thờ cúng trên vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, nhân văn và mỹ thuật để chúng ta suy ngẫm và tiếp tục tìm hiểu, khám phá./.
Đoàn Thị Đào
Phòng Trưng bày, Tuyên truyền và Giáo dục