Di tích LSVH Quốc gia Đền Xám 24/06/2022


Đền Xám hay còn gọi là đình Xám, đình Hát ở thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định khoảng 10km. Đền là nơi thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công (tên thật là Trần Lãm) - người đã góp công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Theo cuốn Ngọc phả “Sứ quân ở Bố Hải Khẩu Trần Minh Công” do tiến sĩ Lê Tung viết ngày 2 tháng 10 niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) hiện còn lưu giữ tại đền có ghi lại sự kiện lúc sinh thời Trần Minh Công có qua xứ Lạc Đạo (nay là thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực), thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, dân cư thuần phác bèn lập sinh từ, giúp địa phương khơi ngòi, đắp đập, tạo dựng làng xã. Trần Minh Công mất vào ngày 10 tháng 10 tại làng Lạc Đạo. Đinh Bộ Lĩnh cùng thuộc hạ lo việc an táng ông tại phía đông khu sinh từ (khu mả Râm), sai dân sở tại lập đền phụng thờ tại khu sinh từ, hàng năm mở hội tế lễ và phong mỹ tự “Quốc đô Thành hoàng”. Vua Đinh còn sai người mang chân nhang về lập đền thờ ở phía đông kinh đô Hoa Lư để tưởng niệm. Từ đó về sau mỗi khi đến ngày kỵ của Trần Minh Công, dân các nơi có đền thờ ở Hoa Lư, Bố Hải đều cử người về lo việc tế lễ tại nơi chính từ Lạc Đạo, tỏ ý không quên đi nguồn gốc.

Tượng thờ Trần Minh Công

Trần Minh Công được thờ ở nhiều di tích vùng Thái Bình, Nam Định. Ở Nam Định, ngoài Đền Xám, ông còn được thờ ở đình Liễu Nha, đình Văn Hưng, đình Đông Đệ Tam và đình Tây Đệ Tam, xã Mỹ Phúc; đình Thanh Khê, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc… Việc thờ tự Sứ quân Trần Minh Công (Trần Lãm) tại Đền Xám và các di tích khác có liên quan đã khẳng định vai trò và vị thế của vùng đất Nam Định đối với sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X.

Toàn cảnh Đền Xám

Ngôi đền được xây dựng trên đất sinh từ của Trần Minh Công từ thế kỷ X. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi đền hiện nay bao gồm các hạng mục kiến trúc: đền Xám và đình Hát. Đền Xám là công trình chính, được xây theo kiểu chữ “工” (công) gồm: tiền đường, trung đường và hậu cung. Dấu vết sớm nhất ở công trình chính thuộc giai đoạn cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII. Đó là các mảng chạm thủng trên y môn cửa hậu cung với những đề tài chạm rồng, lân được thể hiện với nhiều đặc trưng của phong cách nghệ thuật trên kiến trúc gỗ giai đoạn cuối thế kỷ XVI. Có thể nói, đó là những mảng chạm còn lại không nhiều của nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Mạc. Bên cạnh đó, là dấu vết đậm đặc của nghệ thuật kiến trúc giai đoạn giữa thế kỷ XVII tìm thấy cả ở tòa tiền đường và hậu cung. Những mảng chạm rồng thú trên cửa, hình rồng, đao mác chạm trên cột gian giữa và hai gian bên tiền đường tiêu biểu cho phong cách chạm khắc thế kỷ XVII, thể hiện trên kiến trúc gỗ truyền thống điển hình vùng Nam Định. Với motip và vị trí chạm khắc đã từng gặp ở nhiều di tích như: Chùa Sa Lung, chùa Cự Trữ, chùa Phúc Chỉ, đình Hưng Lộc... Bức chạm trên ngưỡng cửa hậu cung với các đao mập, to bản và ngắn, gốc của đao mác là vân xoắn hoặc hàng hạt nhỏ, là đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc đầu thế kỷ XVII. Trên mái hậu cung cũng vẫn còn giữ được một kìm nóc bằng đất nung mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Những dấu vết này giúp ta có thể phỏng đoán rằng, ngôi đền đã được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI để thờ vị Thành hoàng làng Trần Minh Công. Đến thế kỷ XVII, dân làng bắt đầu xây dựng thêm tòa tiền đường với kiến trúc dạng 3 gian 2 chái như hiện nay. Tòa trung đường được xây nối giữa tiền đường và hậu cung vào giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Bộ cánh cửa tòa tiền đường

Để đáp ứng các sinh hoạt hội hè, hành chính của làng xã phát triển mạnh vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, người dân đã xây bổ sung thêm ngôi đình Hát thực hiện các chức năng hành chính, văn hóa của một ngôi đình. Về kiến trúc, đình Hát xây bê tông dạng cột trụ, cuốn vòm, 2 tầng mái kết hợp với dạng vì kèo ở bên trong. Với dạng kiến trúc kiểu cột trụ, mái vòm vừa có chức năng trụ đỡ, vừa tạo trang trí trong lòng nhà, đình Hát để thông thoáng đúng với chức năng của nó. Đồng thời xây thêm tòa giải vũ cũng như nhà ở phía sau để phục vụ cho các sinh hoạt hội lễ, đình đám.

Đình Hát

Trải qua hơn 400 năm tồn tại, phát triển, Đền Xám từ quy mô nhỏ chỉ bao gồm một tòa kiến trúc chính là nơi thờ tự Trần Minh Công, trở thành ngôi đền có quy mô tương đối lớn với đầy đủ các hạng mục đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau, bao gồm cả chức năng của đền và của đình trong sinh hoạt làng xã.
Đền Xám có nhiều giá trị đặc sắc về kiến trúc và nghệ thuật, cho thấy quá trình chuyển biến, kết hợp của kiến trúc truyền thống trong lịch sử. Nếu như khu đền chính với cấu trúc 3 tòa hình chữ “工” (công) mang những nét tiêu biểu của kiến trúc ngôi đền truyền thống, thì sự xuất hiện của tòa đình Hát ở phía trước lại là sự kết hợp của phong cách kiến trúc truyền thống với kiến trúc, kỹ thuật hiện đại. Bố cục kiến trúc của đền ngày nay, là kết quả của nhiều lần xây dựng, tôn tạo và mang nhiều phong cách nghệ thuật trải dài suốt hơn 400 năm. Đền có quy mô kiến trúc tương đối lớn và đa dạng về hạng mục đảm nhiệm các chức năng khác nhau. Ngoài kiến trúc cổ kính, đặc sắc, Đền Xám còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như: ngai thờ, nhang án, tượng thờ Trần Minh Công, chuông đồng,...
Đền Xám là một trong những di tích của tỉnh Nam Định được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng sớm nhất theo Quyết định số 29/QĐ-VH, ngày 13 tháng 01 năm 1964. Đây cũng là một trong những di tích tiêu biểu của huyện Nam Trực, hàng năm thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan, nhất là vào dịp tổ chức lễ hội truyền thống của địa phương vào ngày 17, 18, 19 tháng 8 âm lịch. Hội Đền Xám ngoài các màn rước kiệu, tế lễ long trọng còn có các cuộc thi đấu vật, bắt vịt, chọi gà, múa rối nước, đua thuyền,…

Đua thuyền trong lễ hội Đền Xám

Trong những ngày hội sôi nổi đặc biệt nhất là những đêm biểu diễn trống chèo và thi hát. Ngoài hai đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc thành (giã đám), các cuộc thi hát tại đình Hát còn có các tiết mục hát ca trù, chầu văn, hát chèo,… nội dung ca ngợi công đức của Trần Minh Công. Không chỉ thi hát, lễ hội còn diễn ra các cuộc thi múa với những điệu truyền thống như: Tứ tiên, tứ linh vũ, bồ đề tam túc vũ… Hiện nay tại Đền Xám còn lưu giữ 10 bài ca trù cổ do Hương cống, Giám sinh Quốc tử giám thời Lê là Nguyễn Xuân Vinh biên soạn theo các điệu “cung, thương, dốc, trăng, vũ” và 10 khúc hát do Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (1603 - 1678) người xã Thụy Thỏ, huyện Giao Thủy chú thích. Truyền thống thi hát, múa tại đình Hát diễn ra từ lâu, nơi biểu diễn lúc đầu mang đúng phong cách sân đình như bắc sàn gỗ, dựng cột tre. Triều vua Khải Định năm thứ 8 (1916) nhân dân đã xây dựng công trình phía trước theo kiểu bổ trụ bốn góc, các mặt thông phong để tiện cho các cuộc thi hát không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Từ khi xây dựng công trình mới, các cuộc thi hát, múa được tổ chức long trọng với một quy mô rộng lớn hơn. Tên gọi đình Hát ra đời không chỉ gắn với công trình mới mà trở thành tên gọi quen thuộc cho cả khu di tích.
Về với Đền Xám, du khách không chỉ được sống trong không gian lễ hội mang đậm sắc thái dân gian truyền thống mà còn được thưởng thức những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình tài hoa độc đáo của một thời kỳ lịch sử. 
Nguyễn Thị Hòa
Phòng Nghiệp vụ Di tích



Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập