Đền Lựu Phố với Thái sư Trần Thủ Độ 28/09/2021


Đền Lựu Phố nằm trên địa bàn thôn Lựu Phố, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ngôi đền được xây dựng trên địa danh cổ Lựu Viên, nơi đây lúc sinh thời Thái sư Trần Thủ Độ đã từng sống và làm việc mỗi khi ông về chầu, yết kiến vua và Thái Thượng hoàng nhà Trần tại cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa, ở phủ Thiên Trường.


Cổng đền Lựu Phố

Đền Lựu Phố là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân đối với Thái sư Trần Thủ Độ. Ông sinh vào năm Giáp Dần (1194) tại làng Lưu Xá, phủ Ngự Thiên, lộ Long Hưng (Hưng Hà, Thái Bình). Thuở nhỏ mồ côi cha, Trần Thủ Độ được chú ruột là Trần Lý làm quan triều Lý nhận làm con và theo ông đi đánh giặc nên học được ở ông nhiều phép dùng binh.
Dưới triều vua Lý Huệ Tông, Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ (chức võ quan chỉ huy quân Điện tiền, đạo quân có nhiệm vụ bảo vệ vua và kinh thành). Bằng tài thao lược của mình, ông dần thâu tóm mọi công việc triều chính trong tay.
Năm 1225, vua Lý Huệ Tông mắc bệnh trọng nên đã truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng), lúc đó mới 8 tuổi, rồi đi tu ở chùa Chân Giáo. Lúc bấy giờ ngoài biên ải, đế quốc Nguyên Mông đang tung hoành khắp Âu - Á và có dã tâm xâm lược Đại Việt. Trần Thủ Độ nhận thấy vương triều Lý từ lâu đã suy yếu và đây là thời cơ thuận lợi để làm cuộc đảo chính thay đổi triều đại phù hợp xu thế phát triển của đất nước. Ông đã sắp đặt cuộc nhân duyên giữa cháu mình là Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ngày 12 tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Trần Cảnh nhận thiền vị của Chiêu Hoàng, lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung”.Chính việc Trần Thủ Độ thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là hết sức khôn khéo và phù hợp với quy luật hưng vong. Việc thay đổi triều đại diễn ra hết sức êm thấm, không xảy ra đổ máu và đảo lộn lớn trong nước. Quốc gia Đại Việt nhanh chóng bước vào thế ổn định, có điều kiện thuận lợi để xây dựng lực lượng và phát triển kinh tế, chuẩn bị đương đầu với các thế lực ngoại xâm. Những việc làm đó chứng tỏ, Trần Thủ Độ là một nhà chính trị, nhà chiến lược sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng.
Sau khi lên ngôi vua, Trần Thái Tông đã phong cho Trần Thủ Độ làm Quốc Thượng phụ, nắm giữ mọi công việc trong triều. Năm 1234, Trần Thủ Độ được phong làm Thống quốc Thái sư (chức vị cao nhất trong triều, có quyền thay vua nắm mọi việc văn, võ). Ông là người đề cao tư tưởng pháp trị, định ra luật quy chế hành chính và rất nghiêm túc trong việc thực hiện. Trong thời gian, ông nắm quyền Thống quốc, có nhiều công lao đóng góp giúp nước nhà dần đi vào thế ổn định và phát triển.
Trần Thủ Độ không chỉ là người trị nước giỏi, có công trong việc xây dựng vương triều nhà Trần mà còn giữ vai trò hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất (1258). Giữa lúc cuộc chiến gay go ác liệt, một số người trong hoàng tộc nhà Trần tỏ ra hoang mang dao động, Trần Thủ Độ đã khảng khái trả lời vua Trần: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Câu trả lời đó, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho quân dân Đại Việt tạo nên cuộc phản công quyết liệt ở Đông Bộ Đầu vào ngày 29 - 1- 1258, buộc quân Nguyên - Mông phải rút chạy về nước.
Tháng Giêng năm Giáp Tý (1264), Thái sư Trần Thủ Độ qua đời, được truy tặng là Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại vương.
Có khẳng định, Thái sư Trần Thủ Độ là một nhà chính trị, một danh tướng và là một khai quốc công thần. Cuộc đời của ông gắn liền với nghiệp đế của nhà Trần. Những công lao đóng góp của ông đã đưa Đại Việt qua khỏi cuộc suy vong cuối triều Lý và khởi dựng nên thời đại Đông A rực rỡ về võ công, văn trị, một triều đại thịnh trị trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Các sử gia đương thời đã viết về ông như sau:“Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông… Thủ Độ tuy làm Tể tướng nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất”.


Đạo sắc phong cho Thái sư Trần Thủ Độ, ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định 9 (1924)

Vì có công lao to lớn với đất nước nên sau khi mất, nhân dân khắp nơi lập đền thờ tự xếp ông vào hàng những nhân vật kiệt xuất đi đầu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc thờ Thái sư Trần Thủ Độ mang ý nghĩa ông đã về đây xây dựng vườn Lựu (Lựu viên) khi nhà Trần lập hành cung Thiên Trường. Mỗi lần về yết kiến vua và Thái Thượng hoàng tại cung Trùng Quang và Trùng Hoa, ông đều lưu lại đây để nghỉ ngơi, thăm thú dân tình. Sau khi đất nước thanh bình, mặc dù được phong Thái ấp ở Quắc Hương (Bình Lục, Hà Nam) song Thái sư đã về đây chiêu mộ nhân dân khai hoang, củng cố mảnh đất An Lạc (khu vực xã Mỹ Phúc hiện nay). Truyền thuyết địa phương cho biết, thời kỳ đó ông đã khai hóa được 18 xứ đồng điền, mỗi xứ đồng đều được ông cho đặt tên gọi. Một số cánh đồng ở Mỹ Phúc ngày nay vẫn còn mang tên cổ như: Xạ Đích, Du Đồng, Bàn Cờ, Quần Tiêu, Vườn Đèn...  Ngoài việc khai hoang mở đất, ông còn khuyến khích nhân dân học các nghề thủ công truyền thống. Nghề chạm khắc rất phát triển ở Mỹ Phúc hiện nay tương truyền cũng có lịch sử từ khi Thái sư Trần Thủ Độ về đây chỉ đạo công cuộc khai hoang mở đất.
Hiện đền Lựu Phố còn lưu giữ nhiều câu đối ghi nhận sự gắn bó của ông với mảnh đất quê hương, trong đó có những câu:      

- Thái sư cự trạch thiên niên tại,
Lựu Phố tân từ vạn cổ phương.
(Nền cũ nhà Thái sư nghìn năm còn đó,
Đền mới nơi Lựu Phố muôn thuở linh thiêng).
- Lựu Viên thánh tích Trần gia điển,
Thống quốc Thái sư cựu trạch từ.
(Dấu thánh ở Lựu Viên sử Trần ghi rõ,
Thống quốc Thái sư nhà cũ trở thành đền).

Các nhà khoa bảng đời sau bằng các tác phẩm thi ca và sách địa chí đã khẳng định sự gắn bó của Thái sư Trần Thủ Độ với quê hương Lựu Phố cũng như sự thờ tự của nhân dân địa phương đối với Thái sư sau khi ông mất. Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (1603 - 1678) người làng Thuỵ Thỏ (Tân Thịnh, Nam Trực), khi qua đền Lựu Phố đã đề tặng bài thơ: Hoàng Thúc từ (đền thờ Hoàng thúc) ghi nhận công lao của Thái sư Trần Thủ Độ. Tiến sĩ Đốc học Nam Định Khiếu Năng Tĩnh (1835 - 1920) đã chép về ngôi đền thờ Thái sư trong sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược như sau: “Tại xã Lựu Phố, tổng Đệ Nhất có ngôi đền thờ Trung Vũ vương, ban đầu gọi là Lựu Viên, nơi ông Trần Thủ Độ ở, mưu sự cho họ Trần kế nghiệp họ Lý”.
Đền Lựu Phố là công trình tín ngưỡng khá quy mô, có bình đồ kiến trúc kiểu: tiền chữ “—" (nhất), hậu chữ “”(đinh), gồm: tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian và cung cấm 2 gian. Ngôi đền tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Tại đây còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị trong đó tiêu biểu nhất là 4 chân tảng đá chạm khắc hoa sen mang phong cách nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIII - XIV và 5 đạo sắc phong niên đại thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX.


Mặt đứng đền Lựu Phố

Hàng năm, tại đền Lựu Phố diễn ra nhiều kỳ lễ, đặc biệt là lễ hội truyền thống tổ chức vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch kỷ niệm ngày Thái sư Trần Thủ Độ đặt chân lên mảnh đất quê hương. Ngoài các nghi thức thiêng liêng như dâng hương, tế lễ, rước kiệu, lễ hội còn có nhiều trò chơi: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật, múa rối nước và hát chèo. Lễ hội truyền thống không chỉ là nơi tri ân công đức của Thái sư Trần Thủ Độ và các vị thần làng, nơi “cộng cảm”,“cộng mệnh” của nhân dân địa phương mà còn là nơi bảo tồn những nét đẹp văn hoá dân gian đặc sắc.
Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử, đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2310/QĐ-BVHTTDL, ngày 26 tháng 7 năm 2011 xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.
Với vị trí nằm trong khu vực tồn tại đậm đặc các di tích lịch sử - văn hoá thời Trần, cùng với đền Trần và chùa Phổ Minh, đền Bảo Lộc… đền Lựu Phố là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách thăm quan trong và ngoài tỉnh. Đó là điều kiện hết sức thuận lợi để bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của di tích, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Phạm Văn Huyên - Phó Giám đốc Bảo tàng
Nguyễn Thị Hòa - Phòng Nghiệp vụ Di tích



Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập