Di tích LSVH Quốc gia đình Cát Đằng 03/11/2021


Đình Cát Đằng tọa lạc tại thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia từ ngày 23 tháng 6 năm 1992 theo Quyết định số 776/QĐ. Đình là nơi thờ hai anh em tướng quân Đinh Đức Đạt và Đinh Đức Thông, những người con quê hương đã có công phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan sứ quân Phạm Bạch Hổ đã từng chiếm cứ nơi đây.


Đình Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Bên cạnh đó, đình Cát Đằng còn là nơi phối thờ ông tổ nghề sơn mài là Ngô Đức Dũng. Theo cuốn ngọc phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) cho biết: Ngô Đức Dũng quê gốc ở thôn Cát Đằng. Năm 1390, dưới triều vua Trần Thuận Tông, Ngô Đức Dũng được bổ nhiệm là Tri huyện huyện Từ Sơn, lộ Bắc Giang (Từ Sơn, Bắc Ninh), còn em trai ông là Ngô Ân Ba giữ chức Đô đầu trong huyện. Đến khi tuổi cao sức yếu, hai anh em Ngô Đức Dũng, Ngô Ân Ba trở về quê hương sinh sống và đem nghề sơn mài truyền dạy cho nhân dân Cát Đằng. Sau khi hai ông mất, nhân dân đã lập đền thờ để tri ân công đức và tôn làm tổ làng nghề đúng như câu đối do Hàn lâm viện học sĩ Đinh Phúc Thông viết tại đền năm Hồng Đức thứ nhất (1498), dịch:

“Tụ tập dân làng ở Nam Châu, công danh muôn đời hiển hách
Truyền nghề thủ công từ đất Bắc, ơn đức vạn thuở mênh mang”.

Nghề sơn mài ở thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên được khởi nghiệp từ rất sớm. Thời kỳ đầu, những người thợ của làng nghề ít sản xuất tại địa phương của mình mà phải đi đến địa phương khác để sơn quang đồ thờ tự tại các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hoặc tư gia, loại sơn sử dụng chủ yếu là sơn ta và làm thủ công. Họ thường đi theo nhóm, đứng đầu là thợ Cả, những người giỏi nghề và có uy tín. Đến thời Hậu Lê, thời Nguyễn, nghề sơn mài Cát Đằng bắt đầu phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm đạt đến trình độ kỹ thuật cao. Trải qua thăng trầm của thời gian, đến nay nghề sơn mài tại Cát Đằng đã có nhiều bước phát triển đột phá trong việc áp dụng kỹ thuật mới, nguyên liệu mới nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, đưa danh tiếng của một làng nghề truyền thống Việt đến với thế giới. Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giá trị sử dụng và kinh tế của di sản, ngày 08 tháng 5 năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL đưa “Nghề Sơn mài Cát Đằng” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cát Đằng là quê hương có truyền thống đấu tranh anh dũng. Trong thời kỳ chống Pháp đình làng là địa điểm để dân quân và bộ đội luyện tập chiến đấu. Đặc biệt, đình Cát Đằng cùng với nhà số 7 phố Bến Ngự, thành phố Nam Định trong những năm 1926 -1927 là nơi tụ hội liên lạc để tập trung đưa thanh niên sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự các lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc, sau này trở về lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Hàng năm, nhân dân địa phương thường tổ chức lễ hội từ ngày 12 đến ngày 16 tháng Giêng tại đình Cát Đằng. Đây là dịp để mọi người ôn cố tri tân, các bậc cao niên kể cho con cháu nghe những truyền thuyết về tổ nghề. Những cổ vật quý tại đình như câu đối, đại tự, cửa võng, nhang án... đều là sản phẩm được những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề làm ra cũng là để tỏ lòng thành kính với các tổ nghề sơn mài và những người có công dựng làng giữ nước.
Đình Cát Đằng nằm trong khuôn viên có diện tích lớn, mặt quay hướng Đông Nam. Ngôi đình tuy đã tu sửa nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét phong cách cổ truyền của dân tộc. Phía trước đình có hệ thống cột nghi môn lớn và hai nhà bia làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng mái lợp giả ngói ống. Các đao góc uốn cong xung quanh trang trí đề tài tứ linh, tứ quý và nhiều họa tiết truyền thống. Từ hệ thống nghi môn vào tòa tiền đường là một sân rộng, lát gạch phẳng phiu. Ngôi đình được xây theo kiểu tiền chữ 一 (nhất), hậu chữ 丁(đinh) gồm có ba tòa.
Tòa tiền đường rộng 5 gian làm theo kiểu chồng diêm 8 mái, đao góc uốn cong theo đúng phong cách dân tộc. Nâng đỡ hệ thống mái là bốn hàng cột gồm 24 chiếc bằng gỗ lim. Cột cái có đường kính 30cm, cột quân có đường kính 20cm tất cả đều được sơn bằng sơn ta và đặt trên chân tảng đá thắt cổ bổng. Hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ lim chắc chắn.
Tòa trung đường gồm 5 gian với bộ khung bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Gian chính giữa lắp bức cửa võng bằng gỗ vàng tâm chạm họa tiết tứ linh, tứ quý sơn son thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX. Hai gian bên mỗi bên treo một bức phù điêu bằng gỗ chạm phong cảnh long vân khánh hội. Đây là hai bức phù điêu mang phong cách nghệ thuật của thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII.
Sau cùng là tòa hậu cung 3 gian, tường xây gạch thất, mái lợp ngói nam. Trong cung có cỗ khám thờ lớn đặt tượng vua Đinh chất liệu bằng đồng. Ngoài vẻ đẹp và quy mô về kiến trúc, đình Cát Đằng còn lưu giữ được nhiều cổ vật cổ thư có giá trị. Đó là 5 đạo sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê, niên hiệu Vĩnh Tộ (1619 - 1628) đến thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định (1916 - 1925) cùng nhiều câu đối đại tự. Đây là những tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu mảnh đất có bề dày truyền thống nghề sơn mài tại Ý Yên.

Trần Hoài Phương
Phòng Nghiệp vụ Di tích



Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập