Di tích LSVH Quốc gia chùa Đại Bi 31/08/2021


Chùa Đại Bi, nhân dân thường gọi là chùa Bi tọa lạc tại thôn Giáp Ba, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định khoảng 9 km về hướng Tây Bắc.
Truyền thuyết dân gian và tư liệu văn bia cho biết, chùa Đại Bi được khởi dựng dưới thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128). Chùa được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, địa thế đẹp, lại xen kẽ giữa khu dân cư đông đúc và sầm uất. Theo thuyết phong thủy xưa, thế đất này có hình đầu rồng, hai bên của chùa có hai giếng nước ứng với hai mắt rồng.
Chùa thờ Phật và thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tên thật là Từ Lộ, chưa rõ năm sinh và quê quán, chỉ biết ngài là con ông Từ Vinh, làm Tăng quan Đô án triều Lý, trú quán ở Yên Lãng, tức làng Láng (Đống Đa, Hà Nội). Ở đây hiện còn ngôi chùa thờ Thiền sư, tục gọi là chùa Láng.
Theo sách Thiền uyển tập anhÁn cổ tích Đại Bi tự thiền uyển thực lục thì sau khi cha Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh bị con vua Lý Nhân Tông là Diên Thành Hầu và pháp sư Đại Điên hãm hại, Thiền sư đã cùng mẹ là Tăng Thị Loan về lánh nạn ở xã Chân Đàm, huyện Tây Chân, trấn Sơn Nam nay là thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định lập ra chùa Đại Bi để thờ Phật và tu hành. Rất có thể Thiền sư đã lấy hai từ đầu của bộ kinh Đại Bi tâm đà la ni để đặt tên chữ cho chùa. Tại đây, ngài đã kết bạn với hai vị cao tăng là Dương Không Lộ (sau lập chùa Thần Quang, tức chùa Keo ở Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường) và Nguyễn Giác Hải (sau lập chùa Viên Quang, tức chùa Nghĩa Xá, Xuân Ninh, Xuân Trường) đều quê ở Hải Thanh, Giao Thuỷ (Nam Định). Ba vị đồng hành vượt biển sang Tây Trúc tu đạo, được Phật truyền “Tâm ấn lục trí thần thông”, tức học được phép lạ. Sách Việt điện u linh cho biết, sau khi về nước, Từ Đạo Hạnh dừng chân ở Sài Sơn dựng chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) và tu ở đây.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh còn được xem là một vị tiền bối của nghệ thuật hát chèo. Có giả thuyết cho rằng, bài Giáo trò, mở đầu cho các buổi diễn chèo cổ (trình làng, trình chạ, thượng hạ tây đông…) được truyền đến ngày nay là do ngài sáng tác.
Chùa Đại Bi được xây dựng từ thời Lý khi Phật giáo trở thành Quốc giáo và là nơi tu hành của vị Thiền sư, Quốc sư Từ Đạo Hạnh nên ngay từ đầu chùa có quy mô rất lớn. Song, những tư liệu lịch sử và truyền thuyết dân gian không cho biết gì về quy mô của ngôi chùa ban đầu. Trải qua bao biến động thăng trầm của thời gian, hiện nay dấu vết của lần xây dựng ban đầu chỉ còn lại một số chân tảng đá ở tam quan. Qua nghiên cứu tìm hiểu vật liệu kiến trúc và những tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại di tích như thần phả, sắc phong, văn bia có thể thấy công trình chùa Đại Bi hiện còn đến ngày nay được xây dựng và mở rộng từ thế kỷ XVII, thời Hậu Lê.
Dưới thời Nguyễn, chùa Đại Bi được trùng tu, tôn tạo nhiều lần: niên hiệu Gia Long thứ 13 (1814) đại trùng tu, sửa gác chuông; niên hiệu Minh Mệnh 18 (1837) sửa chữa nhỏ, đúc chuông đồng; niên hiệu Tự Đức 19 (1866) sửa chữa tiền đường; niên hiệu Thành Thái 1 (1889) đại trùng tu; niên hiệu Duy Tân 2 (1908) sửa chữa gác chuông…
Công trình kiến trúc chùa Đại Bi có quy mô rất lớn và có nhiều nét độc đáo. Bình đồ kiến trúc của chùa thiết kế theo kiểu nội chữ “工” (công) ngoại chữ “国” (quốc) tất cả có trên 60 gian, phần lớn được làm bằng gỗ lim, loại vật liệu chủ yếu trong các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Việt ở đồng bằng sông Hồng. Nhìn trên mặt bằng tổng thể, chùa gồm các thành phần kiến trúc: tam quan, chùa chính, hai dãy hành lang, gác chuông, nhà tổ. Toàn bộ công trình được bố cục cân đối, hài hòa. Từ ngoài nhìn vào, ta thấy chùa như được nâng cao dần và như được trải rộng ra, đồ sộ theo trục chính khiến cho tổng thể công trình có thế vươn lên.
Tam quan không nằm chính giữa mà được xây chếch về phía đông, đối diện với cung thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh tại tòa thượng điện của chùa. Tam quan chùa Đại Bi có kết cấu rất giống với nghi môn nội đền vua Đinh, tam quan đền, chùa Điềm Giang (Gia Viễn, Ninh Bình), hay nghi môn Thái miếu nhà Lê (Thanh Hóa). Với việc bố trí ba hàng chân cột ở mỗi bộ vì đã tạo nên một hệ thống chồng rường cánh. Các bộ vì cánh lại được làm theo dạng chồng rường và liên kết giữa các bộ vì là hệ thống xà thượng, xà hạ. Đây là kết cấu kiến trúc có niên đại vào thế kỷ XVII. Điều này đã chứng tỏ Tam quan chùa Đại Bi mang một vị thế và giá trị đặc biệt đối với kiến trúc truyền thống.
Tòa chùa chính kiến trúc theo kiểu chữ “工” (công), gồm: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tòa tiền đường 5 gian, bộ khung gỗ được tạo dựng bởi 4 bộ vì theo kiểu “tứ hàng chân”. Thiêu hương có 4 gian quay dọc nối với tiền đường và thượng điện. Bộ khung của thiêu hương thiết kế theo kiểu tứ trụ, bộ vì kết cấu kiểu câu đầu, chồng rường, kẻ bẩy, liên kết hai bên thành hồi là hệ thống vách đố lụa. Tòa thượng điện gồm 3 gian thiết kế tương tự thiêu hương với 4 cột trụ, các bộ vì kiểu chồng rường, câu đầu, kẻ bẩy. Bài trí thờ tự tại thượng điện như sau: gian chính giữa thờ Phật, gian bên trái thờ Mẫu, gian bên phải thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Riêng gian thờ Thiền sư được chạm khắc rất công phu với nghệ thuật mang phong cách cuối thế kỷ XVII.
Hai bên tòa chùa chính là hai dãy hành làng, mỗi dãy có tới 20 gian, được xây dựng khá đơn giản theo lối tường hồi bít đốc. Bộ khung chịu lực là hai cột ứng với mỗi bộ vì kết cấu kiểu quá giang kèo cầu và hệ thống tường vừa có công năng che chắn vừa chịu lực. Hai dãy hành làng với dáng vẻ thấp dần, mộc mạc càng làm tôn thêm vẻ đẹp của chùa.
Phía sau chùa chính là gác chuông và nhà tổ bố trí theo kiểu tiền chữ “— “ (nhất) hậu chữ “丁”(đinh). Trong đó đáng chú ý là công trình gác chuông. Cũng giống như phần lớn những ngôi chùa kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”, gác chuông chùa Đại Bi tuy nằm trên trục trung tâm nhưng lại đặt ở phía sau chùa chính, kết cấu theo kiểu 2 tầng 8 mái. Trải qua nhiều lần được tu sửa, hiện gác chuông chùa Đại Bi có sự đan xen phong cách nghệ thuật của hai thời Lê - Nguyễn và là một trong những đơn nguyên kiến trúc có giá trị nhất của chùa.


Gác chuông chùa Đại Bi

Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Đại Bi còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị. Đáng chú ý nhất là 10 tấm bia và 10 đạo sắc phong thần, trong đó tấm bia cổ nhất khắc vào đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị 4 (1679), đạo sắc sớm nhất vào ngày 8 tháng 8 niêu hiệu Cảnh Hưng 28 (1767). Ngoài ra, chùa còn giữ được nhiều đồ thờ tự quý, đặc biệt là cỗ nhang án, khám và tượng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh mang phong cách thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII. Nghề rèn Vân Chàng quê hương Nam Giang cũng đóng góp vào chùa một số di vật như cây đèn sắt, mặt hổ phù, một số đầu rối bằng gỗ được tiện và chạm trổ khá tỉ mỉ giúp cho phần lễ hội của chùa thêm phong phú và đặc sắc.
Chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị Thánh tăng theo dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một Phật phái rất gần với tín ngưỡng dân dã, vì thế thời nào chùa cũng được đông đảo nhân dân sùng kính. Các nhà nghiên cứu Phật học xem đây là một phản ánh về tâm thức dân dã, để khẳng định yếu tố dung hội giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, đồng thời biểu hiện một hướng đi của tư tưởng Việt. Có lẽ chính vì thế mà từ lâu, chùa Đại Bi đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhân dân và thiện tín thập phương, tập trung nhất vẫn là dịp chợ Viềng Xuân mồng 8 tháng Giêng và ngày hội kỷ niệm Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh diễn ra từ ngày 18 đến 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội chùa Đại Bi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 254/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2020).


Nghi lễ rước trong lễ hội chùa Đại Bi


Múa rối đầu gỗ (nghệ thuật Ổi lỗi) trong lễ hội chùa Đại Bi 

Tham dự lễ hội chùa Đại Bi, du khách không những thỏa mãn ước nguyện lễ Phật, lễ Thánh cầu may đầu xuân mà còn được hòa mình vào những sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo như lễ rước, kéo chữ, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm… Đặc biệt là trò múa rối đầu gỗ (gọi là trò “Ổi lỗi”) chùa Đại Bi được coi là độc đáo bậc nhất trong các trò rối cạn ở Việt Nam, vừa là một loại hình nghệ thuật vừa mang đậm màu sắc tâm linh. Trong dân gian từ lâu vẫn truyền tụng câu ca:

“Thứ nhất là hội Phủ Dày,
Vui thì vui vậy chẳng tày chùa Bi”.

Phạm Văn Huyên - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Nguyễn Hoàng Đỉnh - Phòng Nghiệp vụ Di tích  


Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập