Di tích LSVH Quốc gia Cầu ngói Phủ Bà 28/01/2022


Từ thành phố Nam Định qua cầu Đò Quan, theo quốc lộ 21 khoảng 8 km, rẽ phải đi dọc theo sông Châu Thành khoảng 7 km là đến di tích Cầu ngói và Phủ Bà. Di tích Cầu Ngói (còn gọi là Cầu ngói Thượng Nông) và Phủ Bà nằm trên địa bàn thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Cầu ngói Thượng Nông, được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh cũng là người con gái làng Thượng Nông. Trải qua bao thời gian, cầu ngói đã được nhân dân địa phương trùng tu, tôn tạo nhiều lần, nhưng đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị về kiến trúc và nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XVIII.


Toàn cảnh Cầu ngói
 
Không phổ biến như cầu sắt, cầu đá hay cầu gỗ thông thường, cầu ngói là một dạng kiến trúc độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Hiện nay ở Nam Định ngoài cầu ngói Thượng Nông, còn có hai cây cầu là cầu ngói chùa Lương (Hải Anh, Hải Hậu) và cầu chợ Kênh (Trực Nghĩa, Trực Ninh).
Cầu kết cấu kiểu “Thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Các tảng đá to nhỏ khác nhau, được xếp khéo léo theo thứ tự lớn ở dưới, nhỏ ở trên. Tính từ mặt nước trung bình thì mố cầu rộng 3,70m, được xây vuốt theo hình thang cân, với cạnh trên là 2,84m. Hai mố cách nhau 4,50m tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại.
Dầm cầu được làm bằng hai cây gỗ lim, đường kính 0,40m. Bên trên hai thanh dầm dọc là bốn thanh dầm ngang cũng bằng gỗ lim đường kính 0,20m, có đầu nhô ra ngoài (dùng để đỡ chân cột bên trên). Nhà cầu có 11 gian, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bờ sông Ngọc. Hai hàng cột cái mỗi hàng 10 cột cạnh vuông 0,20m, cao 2m đặt sát hai bên lòng xà cầu. Các cột quân lại được làm bằng trụ tròn đường kính 0,17m, cao 1,65m đặt trên các đòn ngang hai bên hông cầu.


Cột cầu, vì kèo và mái cầu

Đường giữa cầu rộng 1,74m, được lát đá tảng. Hai bên hành lang cũng lát đá tảng tạo phần gờ cao hơn phần mặt cầu 0,15m. Ở 3 gian giữa cầu xây bệ cao 0,4m dọc hai bên hành lang, phía ngoài có lan can. Đây là chỗ ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước lý tưởng cho nhân dân địa phương và những người đi chợ xa. Bên trên cột là hệ thống vì kèo đỡ mái với 10 bộ được làm kiểu kèo cầu đơn giản. Cầu được lợp bằng ngói nam. Hai đầu cầu xây tường, có đại tự đắp nổi “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán, có mở cửa rộng 1,70m, cao 2m.
Phủ Bà xây dựng cách cầu ngói 500m về phía Bắc, là công trình kiến trúc được xây dựng bởi chất liệu gạch là chủ yếu. Cổng Phủ mở hướng Tây Nam kiểu 2 tầng 8 mái, trên đắp đại tự “Từ thiện môn”. Phủ có 3 gian với bình đồ kiến trúc chữ “一” (nhất) làm theo kiểu cổ đẳng 4 mái.


Phủ thờ bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân

 
Phủ là nơi nhân dân địa phương thờ tự và tri ân công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Hàng năm vào tháng 3 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao Bà. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (20, 21 và 22 âm lịch). Tại lễ hội này, ngoài các nghi thức thiêng liêng như dâng hương, tế lễ, rước kiệu, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian độc đáo: bơi chải ở sông Ngọc, hát chèo, đấu vật, chọi gà, tổ tôm điếm.
Di tích Cầu ngói và Phủ Bà là công trình bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn nói riêng và nhân dân thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực nói chung. Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử và độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, Cầu ngói và Phủ Bà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2135/2012/BVHTTDL, ngày 6 tháng 6 năm 2012 xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Nguyễn Thị Hòa
Phòng Nghiệp vụ Di tích





Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập