Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền tọa lạc tại làng Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định 14 km, được xếp hạng Di tích quốc gia ngày 5/9/1994 theo Quyết định số 2379 QĐ/BT.
Trạng nguyên Nguyễn Hiền, tên tự là Khôi Nguyên, sinh năm 1234, người làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam, nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nguyễn Hiền thông minh từ thuở nhỏ, khi 6, 7 tuổi học nhà sư ở chùa, chỉ đọc qua bài là thuộc ngay, năm 11 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng, tài học của ông nổi tiếng khắp nơi, nhiều chí sĩ xa gần đến thử tài đều bái phục.
Năm Đinh Mùi (1247), nhà Trần mở khoa thi Tam khôi, Nguyễn Hiền vừa tròn 13 tuổi, thi đỗ đầu, được tặng bốn chữ vàng “Khai quốc Trạng nguyên” và cũng là vị Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Vì Trạng còn quá trẻ nên nhà vua cho về học lễ, vài năm sau sẽ bổ dụng. Không lâu sau đó, Trạng nguyên Nguyễn Hiền giải đố rõ ràng bài thơ chữ “田” (điền) của sứ giả phương bắc làm rạng danh triều đình nước ta, mà nhà Nguyên cũng phải nể phục. Ông được về triều giữ chức Ngự sử đài, kiêm Đông các Đại học sĩ - bộ Công. Những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay phò vua giúp nước, đối phó với phương bắc, đánh giặc cỏ ở Mường La. Ông mộ dân đi khai hoang phục hóa, đắp đê sông Hồng, đào kênh mương dẫn nước, tạo mùa màng thắng lợi, nhân dân no ấm. Về quân sự, ông cho mở mang các xưởng rèn vũ khí, các võ đường rèn luyện quân sĩ, sẵn sàng chiến đấu chống quân xâm lược.
Ngày 14/8 năm Ất Mão (1255), mới 21 tuổi, Trạng nguyên Nguyễn Hiền qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân. Sau đó, để tránh tên húy của ông, huyện Thượng Hiền được đổi thành huyện Thượng Nguyên, vua ban sắc phong cho ông là phúc thần, miễn tô thuế cho cả làng Dương A. Nhân dân nơi đây tỏ lòng tôn kính đã dựng đền thờ ông, tôn làm thành hoàng làng, khói hương thờ cúng.
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền nằm liền kề với trục đường chính của thôn Dương A, phía trước là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ che bóng mát. Đền quay hướng tây nam với bình đồ kiến trúc kiểu tiền chữ “ 一 ” (nhất) hậu chữ “丁” (đinh), gồm: tiền đường, trung đường và hậu cung.
Tòa tiền đường được tu sửa lớn vào cuối thời Nguyễn, mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền, chia làm 5 gian 2 chái với 6 bộ vì làm theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy, các cột kê trên chân tảng đá dáng cổ bồng, cột cái cao 3,60m làm cho công trình bề thế, cao ráo và vững chắc. Chạm khắc trên các vì kèo rất công phu và tinh tế, đề tài phong phú, đa dạng như: trúc hóa long, long ly, vân ám, hoa lá cách điệu…. Trên vì kèo gian giữa chạm bong hồ sen rậm lá, trong nụ sen vừa nở, một chú chim nằm trong ló cổ ra, bên cạnh là hòn non bộ có hươu, sư tử hí cầu, rùa cõng cuốn thư. Trên đầu bẩy phía trước chạm rồng mẹ bay lên, tay phải nắm chặt quả trứng đang nở rồng con. Các vì kèo gian bên chạm khắc đơn giản hơn. Mặt trước tiền đường tạo ba khoang cửa gỗ lim, chân quay, hai gian đầu hồi xây tường, đục thông phong chữ thọ. Mặt sau tiền đường để thoáng, tiếp giáp với trung đường bằng sân gạch rộng 5m.
Tòa trung đường ba gian, mái cong, vì kèo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy, chạm khắc chủ yếu là triện tàu lá dắt. Ở ba khoang cửa gỗ lim chân quay chạm tranh tứ quý tùng cúc trúc mai, chính giữa là hình lưỡng long chầu nguyệt.
Hậu cung hai gian, được làm giao mái với tòa trung đường tạo thành kiến trúc kiểu chữ đinh. Trên bộ vì chạm họa tiết long cuốn thủy, tứ linh, tứ quý. Để ngăn cách bên ngoài với chính cung, tại đây hệ thống đố lụa, một phong cách quen thuộc thời Hậu Lê cũng được sử dụng, hai cánh cửa giữa được thiết kế kiểu ô vuông, chấn song con tiện. Tại chính cung đặt ngai và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
Lễ hội đền thờ Trạng nguyễn Nguyễn Hiền được tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng 8 âm lịch với sự tham gia của chính quyền, trường học, các tầng lớp nhân dân. Cũng là ngày hội quần tụ, ca ngợi, tôn vinh truyền thống hiếu học của quê hương, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí vượt khó vươn lên trưởng thành, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Trạng nguyên Nguyễn Hiền là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn hóa Việt Nam, là niềm tự hào của vùng đất học Nam Định. Huyện Nam Trực có trường năng khiếu và quỹ khuyến học mang tên Nguyễn Hiền. Trải qua tháng năm chiến tranh và thiên tai tàn phá, di tích thờ ông vẫn luôn được nhân dân bảo vệ, giữ gìn cùng các cổ vật, cổ thư. Đặc biệt, năm 2010, Nhà nước đầu tư kinh phí cùng với đóng góp của nhân dân, đền được tu bổ, tôn tạo với quy mô lớn, từ hệ thống đường vào di tích, hồ sen, tường bao, cổng, sân, nhà bia, hai dãy giải vũ, tiền đường, thiêu hương, nhà chè và chính tẩm. Đây chính là sự tri ân của nhân dân, sự quan tâm của chính quyền Nhà nước đối với vị Trạng nguyên thần đồng của dân tộc.
Trần Việt Anh
Trưởng phòng Nghiệp vụ Di tích