Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần và Chùa Phổ Minh 31/03/2021


Đền Trần và Chùa Phổ Minh là di tích tiêu biểu, đặc biệt quan trọng trong hệ thống di sản văn hoá thời Trần ở Nam Định và cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012.
Đền Trần và Chùa Phổ Minh toạ lạc tại thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 4km. Căn cứ vào sử sách và các kết quả khai quật khảo cổ học cùng truyền thuyết dân gian thì khu di tích này được xây dựng trên nền cũ của cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa, vốn là nơi nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng của các Thượng hoàng nhà Trần và là nơi ngự của các vị vua  đương triều mỗi khi về Thiên Trường yết kiến vua cha bàn chính sự.
Tức Mặc - Thiên Trường là quê hương, đất phát tích và dựng nghiệp của vương triều Trần, một triều đại phong kiến thịnh trị bậc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Sự kiện vua Trần thăng hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường vào năm 1262 sau khi hoàn thành căn bản công việc xây dựng cung điện ở đây đã xác lập vai trò và vị thế của vùng đất này. Và trong suốt hai thế kỷ XIII - XIV, Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh đô Thăng Long, với đầy đủ chức năng là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và có vị trí trọng yếu về quốc phòng.
Vào đầu thế kỷ XV, nước Đại Việt bị đặt dưới sự đô hộ của giặc Minh. Những cung điện nguy nga, tráng lệ của hành cung Thiên Trường đã bị quân xâm lược tàn phá, hủy hoại. Song, hiện nay trong khu vực di tích Đền Trần và Chùa Phổ Minh cùng với công trình kiến trúc và những di vật, cổ vật trên mặt đất, khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật và dấu vết quan trọng dưới lòng đất. Trong các  năm 1976, 1979 tại khu vực đền Trần qua đào thám sát, khai quật khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Trần như: nền nhà, đường lát gạch, ngói hình hoa chanh, hệ thống đường cống thoát nước; vật liệu kiến trúc, trang trí: gạch vuông lát nền, gạch chữ nhật, lá đề, phượng, đầu rồng; gốm: men nâu, men ngọc, gốm sứ: đế bát “Thiên Trường phủ chế” (nghĩa là làm tại phủ Thiên Trường), chồng bát dính, bao nung và phế tích lò nung... Năm 1993, trong lần tu sửa Chùa Phổ Minh, đã phát hiện kết cấu kiến trúc nền móng xây dựng tháp Phổ Minh. Nổi bật là những kết quả khai quật khảo cổ học trong các năm 2006, 2007, 2008 khẳng định, đặc trưng của các di tích và di vật của khu vực này có niên đại thế kỷ XIII - XIV, tương tự như các dấu tích kiến trúc thời Trần đã xuất lộ ở khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội). Theo các nhà khảo cổ học, đó là “là một sự hình dung khá rõ diện mạo của một quần thể cung điện Hoàng gia mà cho đến thời điểm này chưa một di tích cung điện nào thuộc thời Trần có thể sánh được”.
Quá trình hình thành và tồn tại của di tích Đền Trần và Chùa Phổ Minh gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần. Trong suốt 175 năm (1225 - 1400) trị vì, nhà Trần đã xây dựng Đại Việt thành một quốc gia cường thịnh với những đỉnh cao về võ công, văn trị, tạo nên một nền văn hóa, văn minh rực rỡ với hào khí Đông A tỏa sáng. Chính vì thế, trong khu di tích Đền Trần và Chùa Phổ Minh, các nhân vật lịch sử thời Trần đều được nhân dân tôn kính, phụng thờ, từ các đấng quân vương đến các vị thủy tổ, vương phi, công chúa, danh thần, danh tướng. Đó là những vị vua thời Trần, anh hùng trong sự nghiệp giữ nước, sáng tạo trong sự nghiệp dựng nước như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông... Những danh tướng tài ba như Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, một vị tướng lừng danh trong lịch sử, đã cùng quân dân Đại Việt đánh bại cuộc xâm lăng của đế chế Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thời trung cổ. Ông được dân gian suy tôn là Đức Thánh Trần và có vị trí bất tử trong tâm thức người Việt.
Chùa Phổ Minh thờ Phật giống như các ngôi chùa khác ở Bắc Việt Nam, nhưng hơn hết, di tích là nơi thờ phụng và có mối liên hệ mật thiết tới Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, đưa chùa Phổ Minh trờ thành một trung tâm tôn giáo lớn của quốc gia Đại Việt. Sử sách, truyền thuyết dân gian ghi nhận, những năm nhường ngôi tu hành, ngài đã về đây giảng đạo, thuyết pháp, ban phát tiền của cho dân nghèo, biến nơi đây thành trung tâm của Phật giáo - Thiền phái Trúc Lâm. Điều đó càng góp phần khẳng định vai trò của Chùa phổ Minh cũng như vị trí của hành cung Thiên Trường trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội Đại Việt ở thế kỷ XIII - XIV.
Đền Trần và Chùa Phổ Minh là những công trình kiến trúc cổ có quy mô lớn. Đền Trần là tên gọi chung, bao gồm 3 ngôi đền: Đền Thiên Trường (Đền Thượng), Đền Cố Trach (Đền Hạ), Đền Trùng Hoa. Bình đồ kiến trúc tổng thể của di tích với hệ thống ngũ môn, hồ nước phía trước, tiếp đến là 3 ngôi đền bố trí đăng đối các hạng mục: tiền đường, thiêu hương, trung đường, hậu cung, giải vũ nội, ngoại… Nguồn thư tịch cổ như văn bia, gia phả, sắc phong, câu đối... cùng truyền thuyết địa phương xác nhận, Đền Thiên Trường được dân làng Tức Mặc dựng lên để thờ phụng vua cha, lúc đó gọi là nhà thờ đại tôn. Đến niên hiệu Chính Hòa 15 (1694) đời vua Lê Hy Tông, nhà thờ mới được làm bằng gỗ lim. Năm 1705, thì nơi này chính thức được gọi là Trần Miếu, hàng năm triều đình có ban lệnh quốc tế. Đến thời Nguyễn, triều vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, đền được trùng tu và mở rộng. Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được hệ thống chân tảng đá cánh sen kép mang phong cách nghệ thuật thời Trần và bộ cánh cửa thời Hậu Lê, thế kỷ XVII.
Đền Cố Trạch được xây dựng sau Đền Thiên Trường, vào khoảng thời vua Tự Đức (1848 - 1883) và được mở rộng dưới thời vua Thành Thái (1889 - 1907). Đây là nơi thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến, gia tướng.
Đền Trùng Hoa nằm ở phía tây Đền Thiên Trường trong khuôn viên di tích Đền Trần. Ngôi đền được xây dựng vào năm 2000 nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, với bình đồ kiến trúc giống Đền Thiên Trường và Đền Cố Trạch.
Chùa Phổ Minh còn gọi là Chùa Tháp, nằm cách Đền Trần khoảng 300m về phía tây. Sử cũ và truyền thuyết dân gian cho biết, ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý là nơi đặt vạc Phổ Minh - một trong tứ đại khí của Đại Việt và được mở rộng dưới thời Trần. Tấm bia Phổ Minh thiền tự bi soạn vào niên hiệu Cảnh Trị 6 (1668) dựng ở sân chùa có ghi “Nhà Lý xây dựng chùa, họ Trần điểm tô. Nhớ xưa đền - đài nguy nga, đỉnh đồng nghìn quân trấn giữ, quy mô lừng lẫy, pháp phật trăm thước dựng lên”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã xác nhận, dưới thời Trần, Chùa Phổ Minh được xây dựng với quy mô lớn cùng với việc xây dựng các cung điện ở Thiên Trường. Sách Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn đã ghi chép về niên đại xây dựng Chùa Phổ Minh tương tự như Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 2, mùa xuân (1262), đem làng Tức Mặc thăng lên làm phủ Thiên Trường, dựng cung Trùng Quang, Trùng Hoa và chùa Phổ Minh ở phủ ấy”. Cả hai bộ sử này đều cho biết mốc thời gian Chùa Phổ Minh được xây dựng với quy mô lớn vào thời Trần. Song điều quan trọng hơn, các tài liệu này đã khẳng định, Chùa Phổ Minh không chỉ là một công trình Phật giáo đơn thuần mà còn là một công trình quan trọng “hạt nhân” nằm trong tổng thể hành cung Thiên Trường thời Trần.
Đến thế kỷ XV, Chùa Phổ Minh vẫn được coi là một đại danh lam. Trong tập bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1470, thì Sơn Nam thừa tuyên bao gồm 9 phủ 36 huyện chỉ có Chùa Phổ Minh là di tích được giới thiệu trong tập bản đồ này.
Dưới thời Mạc (1533 - 1592), chùa Phổ Minh được trùng tu lớn. Người đứng ra tu sửa chùa là công chúa Mạc Ngọc Lâm. Bà đã về chùa tu hành một thời gian, phát tâm tu sửa cảnh chùa. Khi bà mất, nhân dân ghi nhớ công đức tạc tượng thờ tại chùa.  Phần mộ của bà cũng được nhân dân đặt tại khuôn viên của chùa.
Kể từ sau đợt trùng tu này, Chùa Phổ Minh còn trải qua nhiều lần tu sửa dưới thời Lê, Nguyễn và kể cả những lần tu sửa gần đây do ngành Văn hoá tỉnh Nam Định tiến hành. Qua các lần tu sửa, tôn tạo, chùa vẫn giữ được dáng vẻ, quy mô bề thế, gẫn gũi kiến trúc cung điện gắn với vua chúa, quan lại. Tổng thể ngôi chùa kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, bao gồm các hạng mục: tam quan, tháp, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hành lang, nhà tổ, phủ mẫu…
Mặc dù, Chùa Phổ Minh được hình thành và tôn tạo liên tục qua các triều đại phong kiến và sau này, song dấu tích kiến trúc thời Trần ở đây còn lại tương đối nhiều. Nằm rải rác trong các hạng mục kiến trúc và khuôn viên của chùa còn lại 96 chân tảng đá chạm hoa sen. Ở cổng tam quan cũng như quanh chân tháp còn có tượng sóc đá gắn vào bậc lên xuống. Đặc biệt là bộ cánh cửa gỗ tại tiền đường và cây tháp Phổ Minh 14 tầng, cao 19,51m, được nhận định là tháp mộ của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, do vua Trần Anh Tông cho xây dựng khoảng năm 1305 - 1310.
Khu di tích Đền Trần và Chùa Phổ Minh là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn ở khu vực đồng bằng Bắc bộ. Hàng năm, tại di tích diễn ra một số kỳ lễ, lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc mang ý nghĩa ghi nhớ và tôn vinh thời đại nhà Trần. Trong đó, có hai kỳ lễ hội quan trọng nhất là lễ khai ấn đầu Xuân và lễ hội tháng Tám kỷ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Cả hai kỳ lễ, lễ hội này đều mang tính chất vùng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Lễ Khai ấn đầu Xuân diễn ra vào đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng là một phong tục có từ lâu đời và chỉ riêng có ở Nam Định, ngày càng trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng đặc sắc và hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và nhiều vùng miền trong cả nước tham dự.
Lễ hội tháng Tám hay còn gọi là “lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo” diễn ra vào ngày 20 tháng Tám âm lịch được tổ chức trên phạm vi rộng, không chỉ ở di tích Đền Trần và Chùa Phổ Minh mà còn ở tất cả các di tích thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Từ lâu người dân Nam Định và đồng bằng Bắc bộ đã truyền tụng câu ca “tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. “Tháng Tám giỗ Cha” đã đi sâu vào tâm thức mỗi người trở thành tập tục văn hoá truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, điểm hẹn thiêng liêng của nhân dân cả nước. Năm 2014, lễ hội Đền Trần Nam Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến với Đền Trần và Chùa Phổ Minh, du khách không chỉ thoả mãn nhu cầu tâm linh mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di tích. Từ công trình kiến trúc và cảnh quan, từ những dấu vết vật chất còn tồn tại ở khu di tích này là những di vật, hệ thống chân tảng đá, đồ gạch, ngói, gốm sứ hay nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa dần phát lộ qua những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học sẽ tái hiện trong trí tưởng mỗi người về một thời đại huy hoàng, đầy oanh liệt về võ công, văn trị - thời đại nhà Trần. 
Phạm Văn Huyên
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Một số hình ảnh về Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh:


Ngũ môn


Đền Thiên Trường


Đền Cố Trạch


Đền Trùng Hoa


Bộ cửa gỗ mang phong cách thời Hậu Lê tại tòa tiền đường đền Thiên Trường


Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại tòa thượng điện chùa Phổ Minh

Tháp Phổ Minh





Lễ hội Đền Trần


Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập