Quản lý và phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa Cột cờ Nam Định 01/12/2022


Cột cờ Nam Định (xưa gọi là Kỳ đài), nằm ở phía Nam nội thành, trước điện Kính Thiên (nay là chùa Vọng Cung) là một công trình quan trọng của Thành cổ Nam Định và là một trong các Cột cờ được xây dựng vào thời Nguyễn. Ngày 28/4/1962, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) có Quyết định số 313-VH/VP xếp hạng Cột cờ Nam Định là Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Năm 1997, Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) đã cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cho công trình này.
Ngày 9/5/2011, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định điều chuyển Di tích Cột cờ từ Công ty Đô thị công trình Thành phố Nam Định để Bảo tàng Nam Định quản lý và phát huy giá trị với tổng diện tích mặt bằng 1.800m2, trong đó diện tích xây dựng là 299m2. Nhận thức được vai trò, vị trí và ý nghĩa lịch sử to lớn của di tích, sau khi tiếp nhận, Bảo tàng Nam Định đã tiến hành công tác tu sửa, tôn tạo, chỉnh trang khuân viên di tích và nghiên cứu nội dung trưng bày và phát huy giá trị của di tích một cách thiết thực, hiệu quả.
1. Công tác tu sửa, tôn tạo, chỉnh trang khuôn viên di tích
Ngay sau khi tiếp nhận di tích Cột Cờ, ngày 05/7/2011 Giám đốc Bảo tàng đã ra Quyết định số 39/QĐ-BT về việc thành lập Tổ quản lý di tích Cột Cờ với chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện các nghi lễ truyền thống vào các ngày lễ, tết của dân tộc   phù hợp với phong tục tập quán, nếp sống văn hóa của cộng đồng địa phương. Đồng thời đảm bảo khuôn viên di tích luôn xanh, sạch, đẹp, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân đến tham quan, học tập, được nhân dân ghi nhận.
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã vận dụng và thực hiện hiệu quả chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động văn hóa trong đó có chỉnh trang khuôn viên di tích, sửa chữa, bổ sung các đồ thờ, góp phần tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị Cột cờ Nam Định.
2. Công tác trưng bày, tuyên truyền và phát huy giá trị của di tích:
Để giúp công chúng và nhân dân khi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử di tích Cột cờ, từ năm 2012 đến nay Bảo tàng Nam Định đã tổ chức trưng bày “Một số hình ảnh tiêu biểu về Thành Nam xưa và di tích lịch sử văn hóa Cột Cờ Nam Định” với các chủ đề:
+ Di tích Cột Cờ và sự tích Giám Thương Công chúa
+ Thành cổ Nam Định
+ Trường thi Hương Nam Định
+ Phố cổ Thành Nam
+ Một số tư liệu, hình ảnh về Thành phố Nam Định ngày nay.
Với hàng trăm tư liệu hình ảnh, hiện vật được trưng bày đã góp phần tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống văn hóa của mảnh đất Thành Nam văn hiến anh hùng, một vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
Bên cạnh hoạt động trưng bày, tuyên truyền tại di tích, cán bộ Bảo tàng còn tích cực nghiên cứu, viết bài tuyên truyền về di tích in trên các tạp chí văn hoá, báo, Website Bảo tàng… góp phần quảng bá, giới thiệu các giá trị của di tích.
Sau gần 10 năm tiếp nhận, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã và đang làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Cột cờ Nam Định theo các quy định của Nhà nước.    

Nguyễn Thị Đông
Phòng Trưng bày, tuyên truyền và giáo dục

                       Một số hình ảnh về quản lý, phát huy giá trị Di tích Lịch sử - văn hóa Cột Cờ 


Cột cờ Nam Định được xây dựng thời Nguyễn, thế kỷ XIX 


Cột cờ Nam Định bị bom Mỹ đánh phá năm 1972


Cột cờ Nam Định được phục dựng năm 1997


Sau khi phục dựng năm 1997, Cột cờ Nam Định được Bộ Văn hóa - Thông tin
cấp bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa


Đ/c Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chí trị, Thường trực Ban Bí thư TW Đảng
thắp hương tại Ban thờ Giám thương công chúa, năm 2011


Đ/c Tô Huy Rứa - Uỷ viên Bộ Chí trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng BTC TW
 cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Nam Định trồng cây đa lưu niệm
tại di tích Cột cờ năm 2013


Nhân dân và du khách thắp hương tại Ban thờ Giám thương công chúa


Cán bộ, đoàn viên thanh niên Nam Định dâng hương tại di tích Cột cờ


Du khách tham quan trưng bày “Thành Nam xưa” trong di tích Cột cờ 


Học sinh tiểu học tại thành phố Nam Định tham quan di tích Cột cờ

                                                                                     

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập