Trưng bày chuyên đề "Những kỷ vật đi cùng năm tháng" 23/05/2019


Năm 2017, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã tiếp nhận 1.400 tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh (do ông Vũ Đình Lưu, cựu chiến binh phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định làm chủ sở hữu) hiến tặng. Số hiện vật này chủ yếu là các kỷ vật chiến tranh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, còn lại là các hiện vật thời kỳ bao cấp. Sau khi hoàn thiện công tác kiểm kê, bảo quản và để sớm phát huy giá trị sưu tập, nhân dịp Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2018); 29 năm Ngày hội Quốc phòng Toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2018); Bảo tàng tỉnh tham mưu với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Hội Cựu Chiến binh tỉnh Nam Định tổ chức trưng bày chuyên đề: “Những Kỷ vật đi cùng năm tháng”.


Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày

Trưng bày được thiết kế trong không gian tầng 3 Nhà Bảo tàng tỉnh với diện tích mặt bằng hơn 200m2, giới thiệu 500 tài liệu, hiện vật bao gồm các kỷ vật được lựa chọn trong số 1.400 kỷ vật mới tiếp nhận và một số hiện vật của Bảo tàng Nam Định, một số hiện vật tiêu biểu mượn của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nội dung trưng bày được cấu trúc theo các chủ đề sau:
- Những Kỷ vật Kháng chiến (giai đoạn 1945 - 1975)
- Những Kỷ vật thời kỳ Bao cấp (giai đoạn 1976 - 1986)
- Tôn vinh Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranh (2007 - 2017)  
Thông qua tài liệu, hiện vật trưng bày nhằm tái hiện một phần về cuộc sống, chiến đấu của người lính, bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đồng thời giới thiệu về đời sống sinh hoạt của người dân thời kỳ Bao cấp. Qua đó để thế hệ hôm nay hiểu thêm về một thời hào hùng nhưng đầy bi tráng của dân tộc Việt Nam, sự gian lao, mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy nghị lực, tinh thần lạc quan của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến và thời kỳ đầu hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước. Từ đó, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tôn vinh và tri ân các thế hệ cha ông đã hy sinh vì Tổ quốc, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay tiếp bước truyền thống cha ông trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Khách tham quan trưng bày chuyên đề “Những kỷ vật đi cùng năm tháng” (Ảnh: Xuân Hoàn)

1. Những kỷ vật thuộc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được trưng bày theo từng nhóm gồm: Nhóm kỷ vật quân đội trang bị cho bộ đội (quân trang, quân dụng, vũ khí, khí tài); nhóm kỷ vật là đồ dùng cá nhân do người lính sáng tạo để phục vụ cuộc sống sinh hoạt; nhóm kỷ vật là chiến lợi phẩm thu được của địch và nhóm kỷ vật người lính được tặng thưởng.
Những kỷ vật đó tuy đơn giản, có thể là những bộ quân phục đã bạc màu, những đôi dép cao su đã mòn gót, hay những cuốn nhật ký ám khói lửa nơi chiến trường, những lá thư đã phai màu mực… nhưng nó đã trở thành vật chứng cho lịch sử. Thẳm sâu trong từng kỷ vật là những câu chuyện cảm động gắn liền với cuộc đời của người chiến sỹ. Mỗi kỷ vật ở một giai đoạn cụ thể, gắn với một câu chuyện cụ thể, giúp người xem hiểu thêm về thực tế cuộc sống nơi chiến trường, những gian khổ, hy sinh mà cán bộ, chiến sỹ ta đã trải qua. Trước sự khốc liệt của chiến tranh, đối diện với những đau thương mất mát, người lính nơi chiến trường cũng có những giây phút băn khoăn, lo lắng. Nhưng vượt lên trên tất cả là tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, tình cảm đồng chí đồng đội, lý tưởng của người thanh niên trước vận mệnh Tổ quốc. 
Có những kỷ vật gắn với câu chuyện hết sức cảm động như: hai mảnh chăn mang số đăng ký BTNĐ 4895/ĐD: 709 và BTNĐ 5957/ĐD: 857. Hai mảnh chăn này vốn là một chiếc chăn của ông Trần Trung Ẩm, nguyên bộ đội Sư đoàn 312, thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hiện cư trú tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm 1972, đơn vị ông Trần Trung Ẩm tham gia trận đánh lớn tại Thành cổ Quảng Trị. Khi đi qua một căn hầm, ông thấy một chiến sĩ bị thương, đang lên cơn sốt rét. Ông đã dừng lại, vội cắt chiếc chăn của mình thành hai mảnh, lấy một mảnh đắp cho người chiến sỹ ấy còn một mảnh ông giữ lại cho mình để tiếp tục chiến đấu. Trở về đời thường, hai người lính vẫn luôn giữ mảnh chăn làm kỷ niệm. Năm 2007, ông Trần Trung Ẩm đã tặng mảnh chăn của mình cho ông Vũ Đình Lưu, chủ sở hữu Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranh. Và như có duyên phận, năm 2009 khi đi sưu tầm kỷ vật tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, ông Lưu đã tìm được nửa mảnh chăn còn lại từ chính người chiến sỹ bị thương năm xưa. Cảm động trước tình cảm đồng chí, đồng đội, ông Lưu có mong muốn tổ chức cuộc gặp gỡ giữa chủ nhân của hai mảnh chăn và nối liền chúng lại. Nhưng thật đáng tiếc, ý định của ông chưa kịp thực hiện thì năm 2010, cựu chiến binh ở Nam Sách, Hải Dương đã qua đời


Các em học sinh tham quan trưng bày chuyên đề “Những kỷ vật đi cùng năm tháng”

Bên cạnh kỷ vật của người lính, trưng bày còn giới thiệu những kỷ vật của gia đình, người thân dành cho người lính. Trong nhóm kỷ vật này, có lẽ ấn tượng nhất chính là chiếc lọ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Uôn, ở xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Mẹ Uôn có ba người con trai, sau khi hai người anh hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, người con trai út của Mẹ đã xung phong lên đường để trả nợ nước, thù nhà. Từ ngày anh nhập ngũ, mỗi ngày mẹ Uôn bỏ vào chiếc lọ một hạt đỗ xanh để vơi đi niềm thương nhớ con và tính ngày con trai chiến thắng trở về. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, lọ đỗ đã đầy cũng là lúc Mẹ nhận được tờ giấy báo tử thứ ba. Trước khi mất, Mẹ đã trao lại cho ông Vũ Đình Lưu, chủ sở hữu Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranh chiếc lọ Mẹ đã nhiều năm nâng niu gìn giữ. Những hạt đỗ đó không bảo quản được nên ông Lưu đã thay bằng những ngôi sao nhỏ tượng trưng cho niềm hy vọng như ước nguyện của Mẹ lúc còn sống. 
Kỷ vật của người lính tuy mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng bao câu chuyện buồn vui về thời chiến, có cả chiến công và những mất mát hy sinh. Vì thế, nó trở thành vật chứng của lịch sử đi cùng năm tháng, tạo cho người xem liên tưởng về một thời hào hùng nhưng đầy bi tráng, nhắc nhở lớp trẻ hôm nay không quên thế hệ cha anh, những con người làm nên lịch sử.
2. Chủ đề trưng bày thứ hai là cả một miền ký ức nhiều màu sắc đưa người xem trở lại thời kỳ Bao cấp, thời kỳ nền kinh tế sản xuất theo kế hoạch, hạch toán theo cơ chế phân phối quan liêu, bao cấp. Lối tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống. Gian khó với miếng ăn, nhọc nhằn với cuộc sống nhưng ở đó vẫn ấp áp tình người. Với ý tưởng trưng bày theo lối sắp đặt, bảo tàng sử dụng đồng thời các hiện vật gốc kết hợp với tài liệu khoa học bổ trợ nhằm tái hiện một số bối cảnh đặc trưng của cuộc sống thời bao cấp theo hai chủ đề: không gian thực hiện chế độ phân phối của nhà nước và không gian sinh hoạt của một gia đình trong căn hộ tập thể.


Khách tham quan phần trưng bày “Kỷ vật thời kỳ Bao cấp”(Ảnh: Xuân Hoàn)

Không gian trưng bày chế độ phân phối của nhà nước được tái hiện qua hình ảnh cửa hàng mậu dịch quốc doanh, cảnh xếp hàng chờ mua hàng theo tiêu chuẩn tem phiếu, sổ mua lương thực, các loại tem phiếu, các mặt hàng được mua phân phối qua tem phiếu, hồi tưởng của những người đã sống qua thời kỳ bao cấp…  Với kinh tế kế hoạch loại bỏ tiểu thương, hàng hóa được phân phối theo chế độ tem phiếu do nhà nước nắm toàn quyền điều hành, ngăn cấm việc mua bán tự do trên thị trường hoặc vận chuyển tự do hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác đã tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. “Thời kỳ đầu việc sử dụng tem phiếu, con người cảm thấy yên tâm, cuộc sống được đảm bảo, ổn định, tư tưởng thoải mái vì mọi chế độ đã có Nhà nước lo cho. Ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít…” (Hồi tưởng của Bà Trần Thị Luyến, 60 tuổi, nguyên công nhân Xí nghiệp bánh kẹo 1/6, TP. Nam Định). Nhưng thời gian sau “dân đông, hàng hoá ít nên không cung cấp đủ, dẫn đến tình trạng thiếu thốn, nhân dân phải chịu cực khổ. Gạo thì hẩm, tồn kho, rồi lại phải trộn mì, khoai, sắn, bobo,…” (Hồi tưởng của Bà Trần Thị Bảy, Nguyên nhân viên Công ty Công nghệ phẩm, TP. Nam Định).
Phần trưng bày cuộc sống sinh hoạt của một gia đình trong căn hộ tập thể thời bao cấp được tái hiện qua tổ hợp các hiên vật trong không gian phòng khách, phòng ngủ, khu bếp với các hiên vật rất đặc trưng như bộ tràng kỷ bằng tre, chiếc giường tre từ những năm 70 của thế kỷ trước, chiếc chạn bát với các đồ dùng nhà bếp đã hằn sâu dấu ấn của thời gian. Bên cạnh đó là các đồ dùng được coi là tài sản quý giá của mỗi gia đình lúc bấy giờ như chiếc xe đạp Thống Nhất có biển đăng ký, chiếc máy khâu để làm thêm hàng thủ công, đặc biệt là một số đồ dùng sinh hoạt có xuất sứ từ Liên xô như quạt tai voi, bàn là, nồi áp suất…Tất cả phần trưng bày sắp đặt đó nhằm tạo cho người xem hình dung hoặc nhớ lại một thời đã qua, tuy rất thực tế nhưng lại thấy giống như câu chuyện cổ tích, qua đó thấy được giá trị của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay.
3. Những hiện vật trưng bày trong chuyên đề chủ yếu là của Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranh hiến tặng. Vì vậy trong không gian trưng bày còn dành một phần để tôn vinh hoạt động của Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranh (2007 - 2017).
Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranh được thành lập theo Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 20/12/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, do Cựu chiến binh Vũ Đình Lưu, sinh năm 1945, trú tại số nhà 9/17 đường Đặng Việt Châu, TP. Nam Định làm chủ sở hữu. Từ ngày đầu thành lập Bảo tàng với  hơn 300 kỷ vật, ông Lưu tiếp tục dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm các kỷ vật thời chiến, kỷ vật thời bao cấp để nâng niu gìn giữ. Sau 10 năm hoạt động, Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranh đã sưu tầm, lưu giữ được 1.400 kỷ vật, đón hàng vạn lượt khách đến tham quan, học tập, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế, các đoàn Cựu chiến binh và học sinh, sinh viên; góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm 2017, do điều kiện sức khỏe, ông Vũ Đình Lưu đã báo cáo UBND tỉnh xin dừng hoạt động Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranh và hiến tặng toàn bộ 1.400 kỷ vật cho Bảo tàng tỉnh Nam Định bảo quản và phát huy giá trị. 
Với sự đầu tư nghiên cứu nội dung công phu, khoa học, thiết kế mỹ thuật chuyên nghiệp, chắc chắn trưng bày chuyên đề “Những Kỷ vật đi cùng năm tháng” sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Bảo tàng tỉnh sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 19/12/2018.

Nguyễn Thị Thu Hường
Tổ trưởng Tổ Hướng dẫn tham quan 


 

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập