Công tác trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa 24/04/2019



Đ/c Phạm Hồng Hà, UVBCHTW Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy; Đ/c Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đ/c lãnh đạo tỉnh Nam Định cắt băng Khai mạc trưng bày Bảo tàng, ngày 30/8/2012

Hoạt động trưng bày là một khâu công tác quan trọng trong chuỗi hoạt động của bảo tàng và được coi là bộ mặt, là ngôn ngữ của bảo tàng. Nếu không có hoạt động trưng bày thì bảo tàng chỉ là kho lưu giữ các sưu tập hiện vật và bảo tàng cũng không phát huy được giá trị các tài liệu hiện vật đến với mọi đối tượng công chúng. Bởi vậy, hoạt động trưng bày được xem như một chiếc cầu nối giữa bảo tàng với công chúng và xã hội, từ đó bảo tàng có thể thực hiện tốt các chức năng của mình. Và, trưng bày chính là yếu tố quyết định sức hấp dẫn của bảo tàng.
Bảo tàng tỉnh Nam Định được hình thành trên cơ sở tiền thân từ Phòng Bảo tàng năm 1958. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, bảo tàng luôn chú trọng tới hoạt động trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà. Thực tế cho thấy trong hơn nửa thập kỷ qua, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm các chuyên đề, tiêu biểu như: “Thành tích bắn rơi máy bay địch” tại Ngã tư Cửa Đông, năm 1966; trưng bày “Ơn Đảng nặng, thù giặc sâu” tại rạp 3/2, Thành phố Nam Định, năm 1967; trưng bày “Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân và dân Hà Nam Ninh” tại Hồ truyền thống, năm 1976....Tuy nhiên thời kỳ đầu hoạt động trưng bày chỉ mang tính chất chuyên đề nhỏ lẻ, chủ yếu để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng, các sự kiện, những ngày lễ kỷ niệm do tỉnh và ngành phát động mà chưa thực sự phát huy hết giá trị, tiềm năng di sản văn hóa vốn có của một Bảo tàng tỉnh ở khu vực nam đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ 22.569 tài liệu hiện vật, trong đó có 17 sưu tập hiện vật và 04 bảo vật quốc gia. Đây chính là một bức tranh đa sắc màu, phản ánh khá toàn diện lịch sử xã hội của tỉnh Nam Định trong suốt một chiều dài lịch sử.
Nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống trưng bày, ngay từ đầu xây dựng công trình, Bảo tàng tỉnh NamĐịnh đã hết sức coi trọng việc thiết kế hệ thống trưng bày. Toàn bộ tầng 2, thiết kế dành cho khu vực trưng bày cố định, xuyên suốt theo chiều dài lịch sử, xã hội của  tỉnh Nam Định với 10 chủ đề tương ứng với từng thời kỳ lịch sử: từ thời tiền sơ sử, văn hóa Đông Sơn, Bắc thuộc, thời Lý, Trần, Lê sơ - Mạc, Hậu Lê, Nguyễn - Pháp thuộc và kết thúc là thời kỳ cách mạng, kháng chiến (chống Pháp và chống Mỹ). Tầng 3 sử dụng để trưng bày chuyên đề, phản ánh những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của mảnh đất Nam Định từ xưa đến nay.
Hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng tỉnh Nam Định bước đầu đã đổi mới và thoát ly cách thức trưng bày cổ điển, khô cứng, hiện vật dàn trải theo biên niên lịch sử, để hướng tới cách tiếp cận đa chiều là trưng bày theo chủ đề và sưu tập hiện vật cùng với những hình ảnh và tư liệu khoa học bổ trợ; phản ánh các thời kỳ lịch sử, xã hội trong sự vận động chung của lịch sử dân tộc. Trưng bày đã chú trọng công tác thiết kế mỹ thuật, bước đầu áp dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm hỗ trợ chuyển tải nội dung và ý tưởng trưng bày tới người xem một cách sinh động, tự nhiên nhất, như: lắp đặt màn hình ti vi, chiếu những video clip minh chứng làm sáng tỏ thêm cho những chủ đề trưng bày. Đặc biệt có sự đầu tư về tủ bục, ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật, mỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn, được đánh giá cao. Hệ thống chú thích cho nhóm hiện vật cũng được đổi mới. Thay vì đặt chú thích ở bên cạnh hiện vật, bảo tàng đã đặt chú thích ở các cấp độ khác nhau, không làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của phần trưng bày cụ thể: chỉ đặt bên cạnh hiện vật số thứ tự, còn nội dung liên quan được ghi trong bản chú thích, khớp với số thứ tự, đặt ở một góc tủ trưng bày.
Với cách thức trưng bày mới, thể hiện tính liên tục về lịch sử, toàn diện về nội dung, hệ thống trưng bày của Bảo tàng tỉnh Nam Định sẽ giúp khách tham quan hiểu được một cách tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển cũng như những nét văn hoá truyền thống riêng có, những phong tục tập quán đặc trưng của mảnh đất và con người Nam Định. Và, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã được các nhà nghiên cứu đánh giá là bảo tàng kiểu mẫu trong hệ thống bảo tàng cấp tỉnh toàn miền Bắc.
Cùng với hệ thống trưng bày cố định, Bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời kết hợp cây xanh, thảm cỏ tạo thành một tổng thể liên hoàn, vừa đáp ứng yêu cầu hoạt động của một thiết chế văn hoá đặc thù, vừa thể hiện sự phong phú về di sản văn hóa của quê hương Nam Định, đồng thời tạo cảnh quan hấp dẫn giúp du khách tham quan. Với diện tích 2.000 m2, trưng bày ngoại thất của bảo tàng được chia thành 2 khu với tổng số 44 hiện vật. Khuôn viên phía Tây trưng bày các tác phẩm điêu khắc đá phản ánh nghệ thuật tôn giáo và điêu khắc, tín ngưỡng có niên đại sớm nhất từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX. Cạnh đó, trưng bày các loại hình hiện vật khảo cổ học của nhiều giai đoạn lịch sử được thám sát khai quật tại các di tích, di chỉ khảo cổ học trên địa bàn của tỉnh. Khuôn viên phía đông của bảo tàng trưng bày nhóm vũ khí, khí tài của quân đội tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nam Ninh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. 


Các đại biểu và nhân dân tham quan trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị” tại  Bảo tàng tỉnh, ngày 25/12/2015


Bảo tàng tỉnh Nam Định thường niên tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề, đưa các giá trị di sản văn hóa NamĐịnh đến với mọi công chúng gần xa. Trưng bày chuyên đề là một trong những hoạt động then chốt, giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động bảo tàng. Nếu như hệ thống trưng bày cố định chỉ có thể giới thiệu, nêu vấn đề một cách cô đọng, điểm xuyết thì trưng bày chuyên đề là dịp để bảo tàng có thể khai thác một khía cạnh chuyên sâu, mang tính thời sự và đáp ứng được sở nguyện của công chúng. Như chúng ta thấy, bảo tàng không thể cùng một lúc đem tất cả những hiện vật ra trưng bày trên hệ thống trưng bày thường trực mà phải thường xuyên tổ chức trưng bày chuyên đề. Và, chính những cuộc trưng bày triển lãm chuyên đề là một hoạt động làm mới nội dung trưng bày của bảo tàng, đem đến cho công chúng những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn, đồng thời tạo cơ hội để thu hút công chúng đến với bảo tàng nhiều hơn. Chỉ tính từ năm 2011 trở lại đây, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề có tiếng vang xa và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với mọi đối tượng công chúng. Một trong những cuộc tiêu biểu nhất là năm 2015, bảo tàng trưng bày: “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị”, tại tầng 3 của bảo tàng. Trưng bày giúp công chúng nhận diện một cách hệ thống, toàn diện về bản sắc và giá trị của di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” mà Nam Định chính là nơi khởi nguồn, hội tụ và lan tỏa của loại hình di sản văn hóa này. Đến nay trưng bày vẫn đang tiếp tục được phát huy giá trị và là một trong những hoạt động thu hút công chúng đến tham quan với các thức như: tổ chức nghe và biểu diễn hát chầu văn; thi tìm hiểu các kiến thức liên quan tới di sản; thực hành vấn khăn, mặc trang phục các giá đồng;…. Để hoạt động trưng bày luôn được đổi mới và đưa các giá trị di sản đến với đông đảo công chúng, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã phối kết hợp với các tổ chức, cá nhân triển lãm các chuyên đề nhỏ nhân dịp những ngày lễ kỷ niệm, những dịp mừng xuân mới....nhằm tạo ra những món ăn tinh thần hấp dẫn, thu hút công chúng đến tham quan như: hàng năm bảo tàng thường phối kết hợp với Hội cổ vật Thiên Trường trưng bày cổ vật vào dịp Tết nguyên đán; phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức triển lãm ảnh của nghệ sĩ Đăng Thanh với chủ đề “Cảm xúc trước cuộc sống”; phối hợp với Hội Mĩ thuật Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định tổ chức “Triển lãm mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng lần thứ XIX”....





Đ/c Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đ/c lãnh đạo tỉnh cắt băng khai mạc và tham quan triển lãm “Thi đua yêu nước – 65 năm vang mãi lời Người”, năm 2013

Cùng với công tác trưng bày chuyên đề, công tác trưng bày lưu động cũng được Bảo tàng Nam Định chú trọng. Với tiềm năng di sản văn hóa phong phú, nhiều sưu tập hiện vật đặc trưng cho vùng đất có bề dầy lịch sử văn hóa, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã phối kết hợp với các Bảo tàng Trung ương, bảo tàng tỉnh bạn, xuất hiện vật tổ chức trưng bày lưu động trong và ngoài tỉnh. Một trong những cuộc trưng bày tiêu biểu gần đây, rất hiệu quả trong việc tuyên truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa của Nam Định là: Năm 2012, Bảo tàng Nam Định phối kết hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề: “Thăng Long - Thiên Trường thời đại Trần thế kỷ XIII - XIV”, tại khu di tích Thành cổ Hà Nội. Trưng bày có ý nghĩa sâu sắc, là căn cứ khoa học để tổ chức Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường Nam Định, góp phần khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa mang đậm bản sắc quê hương Nam Định. Một cuộc trưng bày lưu động khác cũng đã đem lại hiệu ứng tích cực nữa là năm 2015, Bảo tàng tỉnh Nam Định phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, trưng bày “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”. Đây là cuộc trưng bày triển lãm diễn ra dài ngày nhất và trong không gian rộng nhất - qua sáu tỉnh thành: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắc và Thái Nguyên. Trưng bày trong bối cảnh nhiều không gian di tích công sở, nhà riêng của Việt Nam đang chịu sự xâm lấn của linh vật ngoại lai. Vì vậy, triển lãm được coi như một thông điệp giúp các nhà quản lý văn hóa và công chúng nhận diện, hiểu biết sâu sắc hơn những giá trị nhân văn, thẩm mỹ của các di sản văn hóa mà cha ông ta đã sáng tạo và trao truyền lại. Triển lãm còn là một hoạt động thiết thực trong việc chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.


Bảo tàng tỉnh phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long tổ chức triển lãm
“Thăng Long – Thiên Trường thời đại Trần thế kỷ XIII-XIV tại Hà Nội, năm 2012.




Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cùng các đại biểu cắt băng khai mạc  và tham quan triển lãm 
“Hình tượng Sư tử và Nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” do Bảo tàng tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức
tại Thái Nguyên, năm 2015


Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Nam Định còn tham mưu giúp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, tổ chức trưng bày các Bảo tàng công lập như: Bảo tàng kỷ vật chiến tranh, Bảo tàng Đồng quê... Và, Bảo tàng tỉnh Nam Định thường xuyên hỗ trợ trưng bày các Bảo tàng, Nhà truyền thống, nhà lưu niệm danh nhân ở các địa phương và các ngành như: Bảo tàng các huyện Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên. Nhiều Nhà truyền thống như: truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến; Ngành Giáo dục Đào tạo tỉnh; Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Nhà truyền thống Công an tỉnh; Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh tại xã Xuân Hồng, Xuân Trường; Nhà lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ, xã Nam Vân, thành phố Nam Định; Nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu, xã Hải Anh, Hải Hậu....


Đ/c Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm 
Phòng truyền thống Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, do Bảo tàng tỉnh trưng bày, năm 2013

 

Có thể nói, trong những năm qua, từ khi dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Nam Định được thực hiện, Bảo tàng đã tích cực chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú, trong đó đặc biệt là hoạt động trưng bày, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hàng năm Bảo tàng tỉnh đã đón rất đông số lượng khách đến tham quan và học tập. Theo thống kê tại Phòng trưng bày, có những ngày số lượng khách lên tới hàng nghìn lượt khách và trung bình mỗi năm bảo tàng đón khoảng 21.000 lượt khách đến tham quan. Hơn nữa thông qua hoạt động trưng bày và các cuộc trưng bày triển lãm chuyên đề, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiến tặng tài liệu hiện vật cho bảo tàng. Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 15 đợt hiến tặng hiện vật của các tổ chức, cá nhân với số lượng hàng nghìn hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý, có giá trị tiêu biểu như: Sưu tập đồ đồng văn hóa Đông Sơn, sưu tập đồ gốm thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, Sưu tập gốm văn hóa Ốc Eo,....Đặc biệt cuối năm 2017, Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức long trọng đợt chuyển giao 1400 kỷ vật chiến tranh và kỷ vật thời bao cấp của nguyên Giám đốc - chủ sở hữu Bảo tàng kỷ vật chiến tranh Vũ Đình Lưu ở số 9/17 đường Đặng Việt Châu, phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định hiến tặng.
Như vậy hoạt động trưng bày của Bảo tàng tỉnh Nam Định đã đem lại những hiệu quả thiết thực, thật đáng tự hào. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương. Đồng thời tạo ra các sản phẩm văn hóa phong phú, hấp dẫn, thúc đẩy du lịch phát triển, đưa Bảo tàng tỉnh Nam Định trở thành bảo tàng có sức hút và hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống bảo tàng cấp tỉnh toàn quốc hiện nay. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định vị thế của bảo tàng hạng II ở một tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đấu tranh cách mạng - vùng đất kết tinh, hội tụ những giá trị văn hóa của dân tộc.   

                                                                                                                                   Nguyễn Thị Mai Huế
Phó Trưởng phòng Kho - Bảo quản

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập