Những thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học 25/01/2019


Nghiên cứu khoa học là một trong các khâu quan trọng trong hoạt động của Bảo tàng. Trong 60 năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, viên chức, hoạt động nghiên cứu khoa học của Bảo tàng tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại địa phương.
Nhằm đánh giá chất lượng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn cho Giám đốc những vấn đề khoa học của Bảo tàng, ngày 10/01/2006, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định đã ra Quyết định số 76/QĐ-BT thành lập Hội đồng khoa học của Bảo tàng. Hội đồng khoa học có trách nhiệm tư vấn phương hướng phát triển ngắn hạn, dài hạn và tổ chức đánh giá kết quả nghiên cứu, các đề tài, sưu tập, báo cáo chuyên đề trong phạm vi cơ quan.
1. Hoạt động nghiên cứu, tổ chức các Hội thảo khoa học: Với chức năng nghiên cứu khoa học, trong những năm qua Bảo tàng đã tham mưu giúp Sở VHTTDL, UBND tỉnh tổ chức nhiều Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế liên quan đến các di sản văn hóa, tiêu biểu HTKH: “Thời Trần và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà” năm 1995; “Tín ngưỡng thờ Mẫu và Lễ hội Phủ Dầy” năm 2001; “Lễ khai ấn đầu năm tại đền Trần – Giá trị và giải pháp bảo tồn” (năm 2009); đặc biệt là HTKH “Luận cứ khoa học tổ chức kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định” (năm 2011), là cơ sở khoa học quan trọng giúp UBND tỉnh quyết định tổ chức Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định (ngày 5/10/2012). Sự kiện trên có ý nghĩa to lớn khẳng định vị thế, vai trò lịch sử của mảnh đất Nam Định trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đặc biệt dưới triều Trần thế kỷ XIII-XIV. Từ năm 2012 đến nay, Bảo tàng đã tham mưu giúp Sở VHTTDL, UBND tỉnh tổ chức thành công 02 Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á – Bản sắc và giá trị” (năm 2012) và “Nghiên cứu thực hành Tín ngưỡng trong xã hội đương đại (trường hợp Tín ngưỡng thờ Mẫu)” (năm 2016). Các hội thảo đã từng bước nhận diện, làm sáng tỏ giá trị, bản sắc và sức sống của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội hiện nay; đồng thời góp phần tuyên truyền, vận động Hồ sơ đề cử quốc gia “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2016, thực hiện sự chỉ đạo của Sở VHTTDL, Bảo tàng đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng tổ chức tọa đàm khoa học “Tư tưởng nhân văn quân sự của các danh nhân, danh tướng tiêu biểu thời Trần (1225-1400)”. Kết quả cuộc tọa đàm đã được Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự biên tập thành tài liệu ứng dụng trong việc hoạch định đường lối chính sách quốc phòng trong giai đoạn hiện nay. Phối hợp với Công ty du lịch Tùng Lâm (khu di tích quốc gia Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh) tổ chức tọa đàm “Kinh nghiệm tổ chức hướng dẫn tham quan tại bảo tàng và di tích” góp phần bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên Bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng còn phối hợp với các nhà nghiên cứu địa phương tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các vấn đề lịch sử, văn hóa, danh nhân Nam Định.
 
HTKH Quốc tế “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại (Trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu)”, tại Nam Định năm 2016


Tọa đàm khoa học “Tư tưởng nhân văn quân sự của các danh nhân, danh tướng tiêu biểu thời Trần (1225-1400), tại Bảo tàng tỉnh năm 2016

2. Hoạt động xây dựng sưu tập và thực hiện các Đề tài khoa học: Công tác xây dựng sưu tập hiện vật có ý nghĩa quan trọng góp phần đánh giá, phân loại Bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng đã xây dựng thành công 17 sưu tập hiện vật, phản ánh sự đa dạng phong phú về các tài liệu hiện vật của bảo tàng như: sưu tập đồ đá thời Lý, sưu tập đất nung thời Trần, sưu tập gốm hoa nâu thời Trần, sưu tập gốm hoa lam thời Lê – Mạc, sưu tập đồ thờ thời Nguyễn, sưu tập hiện vật nông ngư cụ truyền thống, sưu tập hiện vật kháng chiến chống Mỹ, sưu tập hiện vật thời kỳ Bao cấp… Đặc biệt là sưu tập tượng linh vật Nghê tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, góp phần thực hiện công văn số 2662 ngày 08/08/2014 của Bộ VHTTDL về việc không sử dụng những biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trong những năm qua, cán bộ Bảo tàng đã tổ chức thực hiện thành công 04 Đề tài khoa học trong phạm vi cơ quan gồm: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm kê, bảo quản tài liệu hiện vật tại Bảo tàng Nam Định”,“Kết quả hoạt động trưng bày và giới thiệu Di sản VHPVT của Bảo tàng tỉnh Nam Định hiện nay và những định hướng tiếp theo”, “Hệ thống văn bia tỉnh Nam Định - Giá trị và giải pháp bảo tồn”, Một số giải pháp nhằm phát huy giá trị tài liệu hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Nam Định; 01 Đề án “Tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Nam Định” và hàng chục báo cáo chuyên đề khoa học. Tổ chức biên tập, xuất bản 02 tập gấp về “Di tích Cột Cờ Nam Định” và “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị” nhằm tuyên truyền các giá trị, bản sắc của di sản, tiến tới xuất bản phẩm về bảo tàng và các chuyên khảo. Hiện nay, các đề tài, đề án, sưu tập đã và đang được áp dụng triển khai có hiệu quả thiết thực, trong đó có Đề án tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng với nhiều hoạt động tham quan, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm thú vị, bổ ích, được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia.
3. Hoạt động khai quật Khảo cổ học: Công tác khai quật khảo cổ học tại Nam Định được hình thành từ năm 1966, khi tiến hành khảo sát khu vực núi Ngô Xá xã Yên Lợi, huyện Ý Yên. Năm 1967 phối hợp với Viện Khảo Cổ học Việt Nam tiến hành khai quật tại khu vực núi Ngô Xá phát hiện được hàng trăm di vật, cổ vật gắn liền với công trình bảo tháp Chương Sơn thời Lý, tiêu biểu: thành bậc lan can, lá đề, tượng khỉ, gạch, ngói, mô hình tháp….Những hiện vật phát hiện hoàn toàn phù hợp với những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư về bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện (tháp Chương Sơn) được vua Lý Nhân Tông xây dựng từ năm 1108-1117. Đây là dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho công tác khai quật khảo cổ học tại Nam Định.
Bên cạnh các di chỉ khảo cổ học thời Lý, công tác khai quật khảo cổ học thời Trần cũng đạt được nhiều thành tựu. Năm 1976 phát hiện và tiến hành khai quật sân gạch hoa thời Trần tại chùa Đệ Tứ (phường Lộc Hạ, TP Nam Định). Cùng năm đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã về khảo sát và động viên cán bộ bảo tàng, mở ra một chương mới về khảo cổ học thời Trần tại Nam Định. Những năm tiếp theo, Bảo tàng tiếp tục tiến hành đào thám sát và khai quật tại nhiều địa điểm, di tích gắn với thời Trần như: phía sau đền Thiên Trường (1979), đền Bảo Lộc (năm 1979); đền Thái Vi (năm 1986); đình và miễu Cao Đài (năm 1994, 1995); thám sát khu vực chùa Phổ Minh, bãi Hạ Lan (năm 1995)…Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ là cơ sở khoa học quan trọng để ngày 12/10/2005 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 252/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015. Sau quy hoạch, hoạt động nghiên cứu khai quật khảo cổ học thời Trần tại Nam Định có bước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2005 đến năm 2015, Bảo tàng phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành hàng chục các đợt thám sát, khai quật tại các di tích như: đền Vạn Khoảnh, Lựu Phố, Hậu Bồi, đình Tây Đệ Tam; nghĩa trang phường Lộc Vượng, vườn chùa Hóp, bãi Hàm Rồng (năm 2005); dải đất phía tây đền Trùng Hoa (năm 2006); đình Liễu Nha (Mỹ Phúc), đình Kênh (Lộc Vượng), khu vực cánh đồng giữa đền Trần- chùa Tháp, cánh đồng Gừng (khu vực trước chùa Phổ Minh), cánh đồng Cửa Triều (năm 2007), phía sau đền Trùng Hoa (năm 2009)… Kết quả các cuộc khai quật trên đã xác định vị trí, quy mô, cấu trúc của hành cung Thiên Trường thời Trần, bao gồm khu trung tâm là các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa (nay là khu vực đền Trần), xung quanh là các cung điện dành cho vương phi, công chúa, phía ngoài là các điền trang, thái ấp của các thân vương, quý tộc để bảo vệ cho Hành cung Thiên Trường vào thế kỷ XIII-XIV.
Ngoài ra, Bảo tàng còn tiến hành khai quật các di chỉ khảo cổ thời tiền sơ sử tại  núi Lê Xá, Vụ Bản (năm 1968); khai quật mộ xác ướp thời Hậu Lê tại xã Kim Thái, Vụ Bản (năm 1968), mộ hợp chất tại khu Công nghiệp Bảo Minh, xã Liên Bảo, Vụ Bản (năm 2011). Đặc biệt, từ năm 1999 đến năm 2006, Bảo tàng tỉnh phối hợp với đoàn nghiên cứu Nhật Bản tổ chức nhiều đợt nghiên cứu, khai quật tại làng cổ Bách Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản.
Kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ học, Bảo tàng tỉnh đã thu thập được hàng nghìn hiện vật với nhiều loại hình, chất liệu, giai đoạn lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền, phát huy giá trị di sản văn hóa.


Đường gạch hoa chanh


Toàn cảnh Hố khai quật tại phía sau đền Trùng Hoa, năm 2009


Đ/c Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định 
khảo sát Hố khai quật tại cánh đồng Nội Cung, phía sau đền Thiên Trường, năm 2016

4. Hoạt động kiểm kê, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể:


Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tháng 12/2016

Thực hiện Thông tư 04/2010 của Bộ VHTTDL về việc kiểm kê, nghiên cứu xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2012 đến nay, Bảo tàng đã tiến hành tổ chức kiểm kê, nghiên cứu (phối hợp thực hiện) xây dựng thành công 06 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 05 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các di sản trên được kiểm kê, xây dựng là những di sản đặc sắc, tiêu biểu của Nam Định, có ảnh hưởng lớn trong đời sống cộng đồng như: Nghi lễ chầu văn, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Đền Trần, Hát Ca trù, Nghề Sơn mài Cát Đằng…
Năm 2014-2015, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL giao Bảo tàng là cơ quan thường trực trong việc tham gia phối hợp xây dựng Hồ sơ đề cử quốc gia “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bảo tàng đã tích cực trong việc tổ chức hội nghị tham vấn cộng đồng, nghiên cứu xây dựng trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị” và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể như: thực hành vấn khăn hầu đồng, hát chầu văn…. Ngày 1/12/2016, phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 tại thành phố Adiababa, nước Cộng hòa Ethiopia, UNESCO đã chính thức ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Nam Định nói riêng (địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Hồ sơ trình UNESCO) và nhân dân cả nước nói chung. Trong thời gian tới, được sự chỉ đạo của Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh tiếp tục phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam hoàn thiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ pháp lý để tiến hành các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản.


 Susan Vize, quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản VHPVT đại diện của nhân loại” cho đại diện Bộ VHTTDL và tỉnh Nam Định, ngày 2/4/2017


Đ/c Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, đ/c Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cùng các đại biểu và nhân dân dự Lễ đón bằng UNESCO, ngày 02/4/2017


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đ/c lãnh đạo của trung ương và nhân dân dự Lễ đón bằng UNESCO, ngày 02/4/2017

5. Nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia: Thực hiện Thông tư 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia. Từ năm 2012 đến nay Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 04 Bảo vật quốc gia gồm: Tượng phật A di đà thời Lý tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi, Ý Yên; Thành bậc lan can thời Lý (hiện vật BTNĐ); Mô hình nhà thời Trần (hiện vật BTNĐ); chân đèn và bát hương thời Mạc, thế kỷ XVI (hiện vật BTNĐ).


Đ/c Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia cho Bảo tàng tỉnh và đại diện huyện Ý Yên, năm 2014

Các hiện vật được công nhận đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí được quy định trong Luật Di sản văn hóa như: là hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo, phản ánh đầy đủ các giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa, nghệ thuật. Những bảo vật quốc gia trên được bảo tàng và chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo các quy định của Luật Di sản văn hóa.
Những kết quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học trên là nền tảng, động lực quan trọng để bảo tàng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao và hoàn thiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại Nam Định. 

Nguyễn Xuân Cao
Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm


Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập