Những hoạt động tiêu biểu trong công tác sưu tầm tài liệu hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Nam Định 13/11/2018


Trong các hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng tỉnh Nam Định, công tác sưu tầm tài liệu hiện vật (TLHV) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của bảo tàng. Để có được số lượng TLHV như ngày hôm nay, là cả một chặng đường 60 năm các thế hệ cán bộ Bảo tàng tỉnh Nam Định đã bỏ bao công sức, nỗ lực để sưu tầm.
Giai đoạn 1958 đến 2006: Ngay từ những ngày đầu thành lập Phòng Bảo tàng vào năm 1958, hưởng ứng phong trào “Toàn dân sưu tầm hiện vật bảo tàng” do Vụ Bảo tồn Bảo tàng tổ chức phát động, Phòng Bảo tàng đã thành lập các tổ đi xuống địa bàn cơ sở để vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân đóng góp hiến tặng các TLHV. Kết quả sau 1 năm phát động đã sưu tầm hàng nghìn TLHV, trên cơ sở đó, năm 1960 Phòng Bảo tàng tiến hành trưng bày nội dung “Lịch sử tỉnh Nam Định” tại Trung tâm triển lãm (nay là Bảo tàng tỉnh Nam Định). Đây là hoạt động có tính chất và quy mô lớn đầu tiên được tổ chức, là tiền đề, dấu mốc quan trọng mở ra thời kỳ hình thành và phát triển của Bảo tàng tỉnh Nam Định.
Năm 1962, được sự ủng hộ của Ty Giáo dục, Phòng Bảo tàng đã cùng đoàn học sinh Trường cấp III Lê Hồng Phong, TP. Nam Định đi xuống cơ sở kiểm kê di tích và sưu tầm tài liệu hiện vật. Thời gian này, miền Bắc mới được giải phóng, nên công tác sưu tầm rất thuận lợi, được chính quyền và nhân dân tích cực ủng hộ.
Trong thời kỳ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhất là sau khi sáp nhập hai tỉnh Nam Định và Hà Nam, các cán bộ Phòng Bảo tàng đã chủ động nằm vùng ở cơ sở để sưu tầm TLHV về các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó còn phối kết hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đào thám sát và khai quật nhiều khu vực: núi Ngô Xá, khu di tích đền Trần-chùa Tháp, chùa Đệ Tứ, đình miễu Cao Đài... Kết các các cuộc sưu tầm, khai quật khảo cổ học trong gia đoạn này là cơ sở để xây dựng nội dung trưng bày nhiều triển lãm chuyên phục vụ cho sản xuất và đánh Mỹ.
Năm 1980, UBND tỉnh có Quyết định thành lập Bảo tàng tỉnh Hà Nam Ninh. Từ đây hoạt động sưu tầm TLHV đi vào chiều sâu, sưu tầm có kế hoạch theo các sự kiện kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh. Bất chấp những khó khăn của thời bao cấp, cán bộ Bảo tàng tỉnh đã liên tục tổ chức các đợt sưu tầm điền dã ở khắp các địa phương. Trong giai đoạn này, bên cạnh việc phối hợp với Viện Khảo cổ khai quật tại nhiều địa điểm di tích Bảo tàng còn hỗ trợ chuyên môn, giúp đỡ xây dựng nội dung trưng bày các nhà, phòng truyền thống các địa phương, các Sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh, góp phần liên tục bổ sung nhiều TLHV cho kho cơ sở Bảo tàng. Đặc biệt, từ năm 1992 đến 1997 được coi là quãng thời gian sôi động nhất đối với hoạt động sưu tầm, các TLHV sưu tầm ngày càng phong phú, đa dạng.
Giai đoạn 2007 đến 2018: Đây là giai đoạn có nhiều thuận lợi đối với công tác sưu tầm TLHV. Bảo tàng đã đổi mới phương thức, hình thức sưu tầm, cụ thể như sau:
Sưu tầm theo nội dung chuyên đề: Những năm gần đây, công tác sưu tầm TLHV theo chuyên đề được Bảo tàng coi trọng đặt lên hàng đầu. Phần lớn những chuyên đề sau khi sưu tầm đã được nghiên cứu, trưng bày triển lãm phục vụ các sự kiện chính trị văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều chuyên đề đã được hoàn thiện và dự kiến trưng bày phát huy giá trị trong thời gian tới. Trong 10 năm qua, có thể khẳng định Bảo tàng tỉnh đã đi đúng hướng trong việc sưu tầm TLHV theo chuyên để kết hợp với trưng bày theo chuyên đề, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Sưu tầm các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội: Việc sưu tầm về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Nam Định luôn là nhiệm vụ thường trực và thường xuyên theo từng tháng, từng quý. Đặc biệt đối với các sự kiện văn hóa, xã hội lớn của tỉnh, đất nước; Bảo tàng đều lên kế hoạch chi tiết việc sưu tầm TLHV. Đặc biệt thông qua việc giúp đỡ chuyên môn, chỉnh lý trưng bày cho hơn 40 nhà truyền thống các cấp, 4 bảo tàng cấp huyện và 2 bảo tàng tư nhân đã giúp cho cán bộ bảo tàng có cơ hội tiếp xúc, giao lưu và sưu tầm được nhiều TLHV ở cả trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, Bảo tàng Nam Định sưu tầm được khoảng từ 400-500 TLHV về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội; qua đó góp phần bổ sung và hoàn thiện cho nkj,mjmhiều sưu tập hiện vật tại kho cơ sở Bảo tàng.
Tiếp nhận từ nguồn khai quật khảo cổ: Hiện vật khai quật khảo cổ là một bộ phận quan trọng nhất của kho hiện vật Bảo tàng. Trong giai đoạn hiện nay, Bảo tàng đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thực hiện nhiều dự án đào thám sát, khai quật tại các di tích, trong đó quan trọng nhất là Dự án khai quật Khảo cổ học thời Trần giai đoạn 2005- 2015 với các địa điểm gắn liền với di tích thời Trần trên địa bàn Nam Định. Ngoài ra còn tổ chức nhiều đợt khai quật tại các di tích khác như: phủ Vân Cát (năm 2010), chùa Vạn Diệp xã Nam Phong (năm 2012), núi Phương Nhi xã Yên Lợi (năm 2013)… Kết quả các đợt khai quật khảo cổ học, Bảo tàng đã thu thập hàng nghìn di vật, cổ vật; bổ sung và làm phong phú nhiều loại hình chất liệu TLHV cho kho cơ sở.
Các tổ chức, cá nhân hiến tặng: Những năm qua, hoạt động xã hội hóa hiến tặng TLHV cho bảo tàng ngày càng phát triển. Trong 10 năm qua Bảo tàng tỉnh đã đã tiếp nhận hơn 20 đợt hiến tặng của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu: 500 TLHV liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của phủ Tiên Hương và Vân Cát; sưu tập gốm Óc Eo do Câu lạc bộ cổ vật Nam Bộ; sưu tập gốm Lý-Trần do Hội cổ vật Thiên Trường Nam Định và Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu và sưu tầm cổ vật tỉnh Nam Định; nhóm hiện vật của TS. Phạm Quốc Quân, PGS. TS. Nguyễn Thanh Nam, nhà sưu tầm cổ vật Trần Cao Tường; 1.000 tài liệu sách do Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Nam Định...Trên cơ sở đó, đã tiến hành nhập kho cơ sở hàng ngàn hiện vật và hàng trăm hiện vật tham khảo. Có thể khẳng định trong những năm gần đây công tác hiến tặng TLHV đã được Bảo tàng Nam Định tổ chức thực hiện rất thành công. Vì thế, trong thời gian tới Bảo tàng tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động xã hội hóa, để có nhiều tổ chức, cá nhân hiến tặng TLHV; cùng chung tay góp sức bảo vệ và phát huy bền vững các Di sản văn hóa tỉnh Nam Định.
Qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay Bảo tàng Nam Định đang lưu giữ 21.595 TLHV. Ngoài ra còn trên 3.000 tư liệu tại phòng tư liệu và hàng vạn di vật khảo cổ học ngoài trời. Những kết quả trên là cơ sở khoa học để UBND tỉnh xếp hạng là Bảo tàng loại II; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của Bảo tàng tỉnh Nam Định trong hệ thống bảo tàng cấp tỉnh. Để có những thành tích trên, là sự hy sinh cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng Nam Định qua các thời kỳ; đồng thời cũng là động lực để các thế hệ cán bộ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống đưa Bảo tàng Nam Định ngày càng phát triển, xứng đáng là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của quê hương, đất nước.
Các bài viết khác

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập