Bộ tranh “Thập điện Diêm vương” có 5 bức, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, được sưu tầm tại Chùa Trọng Đức, thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, ngoại thành Nam Định (nay thuộc thành phố Nam Định), mỗi bức đều có chiều dài 154 cm, rộng: 51,5 cm, dày: 3,8cm, được vẽ bằng chất liệu thảo mộc, khoáng chất trên nền gỗ.
Thập điện Diêm vương (10 vị vua) theo tín ngưỡng của Phật giáo Á Đông (trong đó có Việt Nam), là các vị thần linh cai quản cõi chết và phán xét con người ở Địa ngục căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống. Ở Việt Nam, hầu như những ngôi chùa đều tạc tượng hoặc treo những bộ tranh Thập điện Diên vương để thờ, tả những cảnh tượng khủng khiếp, nhằm cảnh báo các phật tử hãy cố gắng làm điều thiện, tránh điều ác. Thông thường bộ tranh Thập điện Diêm vương gồm 10 bức, nhưng ở đây Bảo tàng tỉnh Nam Định chỉ sưu tầm được 5 bức. Nội dung các bức tranh diễn tả 5 vị Diêm vương cai quản 5 cửa ngục mà hồn người chết phải trải qua xét hỏi để định công luận tội, thưởng phạt theo luật luân hồi, từ đó làm cơ sở cho các vong hồn đầu thai vào kiếp tương ứng.
Bức tranh thứ nhất: Phía trên tranh là dòng chữ Hán “Đệ nhất điện” (Điện thứ 1), phía dưới của tranh là hình ảnh Tần Quảng Vương (vị vua cai quản điện thứ 1) đang xét xử, tiếp đến là cảnh phạm nhân đang chịu những hình phạt bỏ vào vạc dầu, bên cạnh có 4 dòng chữ Hán: “Nhân sinh bất tác thiện/ Ái thực chử sinh linh/ Chỉ mưu tham tự vi/ Tử nhập hoạch thang trung” (Dịch: Con người lúc còn sống, không lo làm việc thiện/ Ham thức ăn của sinh linh/ Lo tham mùi vị/ Khi chết sẽ bị tống vào vạc dầu sôi.)
Bức tranh thứ hai: Phía trên tranh là dòng chữ Hán “Đệ tam điện” (Điện thứ 3), phía dưới của tranh là hình ảnh Tống Minh Vương (vị vua cai quản điện thứ 3) đang xét xử, tiếp đến là cảnh thi hành án, là những hình phạt cưa người, đá đè phạm nhân, bên cạnh có 4 dòng chữ Hán: “Nhược bất sinh nghiệp tiền/ Tử hậu thụ thạch bàn/ Vạn ban đô thị mệnh/ Hướng cổ chỉ thương tha” (Dịch: Lúc sống sinh nghiệp trướng/ Khi chết chịu đá đè/ Mọi vật đều do mệnh/ Ngoảnh lại thấy thương thay!).
Bức tranh thứ 3: Phía trên tranh là dòng chữ Hán “Đệ tứ điện” (Điện thứ 4). Phía dưới của tranh là hình ảnh Ngũ Quan Vương (vị vua cai quản điện thứ 4) đang xét xử, tiếp đến là cảnh thi hành án, cụ thể là hình phạt gông cùm, rút lưỡi đối với phạm nhân.
Bức tranh thứ 4: Phía trên tranh là dòng chữ Hán “Đệ ngũ điện "(Điện thứ 5). Phía dưới của tranh là hình ảnh Diêm La Vương (vị vua cai quản điện thứ 5) đang xét xử, tiếp đến là cảnh thi hành phạt, coi xét người trần khi chết xuống âm phủ nếu ăn ở thiện thì được dẫn qua cầu, nếu ăn ở ác thì phải chịu những hình phạt: ném xuống hồ, chó xé xác, vứt người vào lửa, bên cạnh có 2 dòng chữ Hán: “Hà nhân vô tội/ Hà giả vô khiên”(Dịch: Không ai là không có tội/ Không ai là không có lỗi lầm.)
Bức tranh thứ 5: Phía trên tranh là dòng chữ Hán “Đệ lục điện "(Điện vua thứ 6). Phía dưới của tranh là hình ảnh Biện Thành Vương (vị vua cai quản điện thứ 6) đang xét xử, tiếp đến là cảnh phạm nhân đang chịu những hình phạt: dây xích xiết cổ, uống nước sắt nung chảy, bên cạnh có 3 dòng chữ Hán: “Ẩm tửu vô kỳ/ Lăng mạ tổ tiên/ Tử thôn nhiệt thiết” (Dịch: Uống rượu say sưa/ Lăng mạ tổ tiên/ Chết uống sắt nóng).
Bộ tranh này ra đời dưới triều nhà Nguyễn thế kỷ XIX - XX, một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử Việt Nam, xuất hiện nhiều luồng tư tưởng khác nhau, khiến cho con người mất phương hướng trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh đó, một trong rất nhiều hình thức để cân bằng cuộc sống là sự răn đe thông qua tín ngưỡng. Bộ tranh Thập điện Diêm vương được treo thờ tại các ngôi chùa không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo. Từ hình ảnh ghi lại những hình phạt kinh hoàng tại cửa ngục của các vị Diêm vương trên, không ngoài mục đích khuyến khích làm điều thiện, tránh xa điều ác, nhằm làm cho người đời thấy đó mà kiêng dè, nhắc nhở người đời phương châm đạo lý “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Bên cạnh đó, bộ tranh được vẽ bằng chất liệu thảo mộc, khoáng chất, thể hiện tài năng kỹ thuật cũng như mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian đã để lại những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, nhân bản, rất trừu tượng, huyền bí nhưng cũng rất hiện thực phù hợp với thuyết “Nhân - quả” của đạo Phật.
Hiện vật được bảo quản trị liệu theo Dự án tài trợ của Đại sứ quán Mỹ từ tháng 9-12 năm 2008, đang được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Nam Định để lưu giữ và phát huy giá trị.
Đoàn Thị Đào
Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm