Tượng phỗng, gỗ, thời Hậu Lê, TK XVII - XVIII 10/03/2020


Bảo tàng tỉnh Nam Định hiện đang lưu giữ 7 hiện vật tượng phỗng, trong đó có 2 tượng phỗng gỗ sưu tầm tại thôn Thái La, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, niên đại vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVII – XVIII.
Tượng phỗng thuộc dạng tượng tròn, được làm bằng gỗ nguyên khối, cao 91,5cm, rộng 40cm. Đôi tượng phỗng được chạm khắc trong tư thế quỳ trên bệ hình tròn, sơn thếp màu đỏ thẫm. Đầu tượng trùm khăn bao đỉnh màu đen, hai bên đầu phía trên tai có 2 chỏm tóc xoắn ốc. Mặt phỗng chạm nổi, miệng rộng, 4 răng của hàm trên chìa ra ngoài sơn màu vàng, hai má phình, gò má nổi khối, cằm nhô ra, tai và mũi to. Hai tay phỗng để trần, cổ tay có đeo vòng trơn nhỏ, khuỳnh ra trước ngực, hai bàn tay chắp lại một cách cung kính. Thân tượng mặc yếm, nghệ nhân tạc nổi các đường yếm, đai một cách gọn gẽ, đường nét khỏe khoắn, tạo sự trang nghiêm. Bụng tượng nở căng tròn ra trước, đầu gối quỳ xuống chạm đất.

Theo các nhà nghiên cứu tượng phỗng thường được thờ tại các di tích thờ các nhân vật, thần linh có công và liên quan đến việc đánh giặc Chiêm Thành, bảo vệ đất nước thế kỷ X - XV. Sau khi thuần phục, sát nhập vương quốc Chămpa vào Đại Việt, các vị công thần được ban thưởng những tù binh Chămpa để làm gia nô, nô tỳ trong gia đình, vương phủ. Và sau khi chủ nhân mất thì gia đình, con cháu tạc tượng người hầu giống như lúc sống với mong muốn có người hầu hạ ở thế giới bên kia. Vì vậy, tượng phỗng được bài trí từng cặp - đôi đối xứng hai bên ban thờ, lăng mộ, ở chỗ thấp nhất của ban thờ thể hiện sự cung phụng, nghiêm cẩn và đề cao công trạng các vị thần thánh, người được hương khói. Với ý nghĩa đó, đôi tượng phỗng gỗ đã góp phần khẳng định sự đóng góp của mảnh đất Vụ Bản, Nam Định vào quá trình đấu tranh và bảo vệ đất nước trong lịch sử. Hiện vật có giá trị cao trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa tín ngưỡng ở Nam Định nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

Đôi tượng phỗng gỗ tại Bảo tàng còn là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm phong cách thời Hậu Lê, không chỉ phản ánh được sự giao lưu, ảnh hưởng của 2 nền văn hóa Việt - Chăm mà còn có giá trị về mặt tạo hình, điêu khắc, trang trí, thể hiện trình độ và kỹ thuật cao của nghệ nhân Nam Định thế kỷ XVII – XVIII.
Hiện nay, đôi tượng phỗng gỗ đang được trưng bày tại phòng trưng bày Bảo tàng để tuyên truyền và phát huy giá trị.

Nguyễn Thị Đông
       Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm


Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập