Bộ cánh cửa trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định có niên đại thời Trần (Thế kỷ XIII – XIV). Đây là hai cánh bên của bộ cánh cửa 4 cánh (hai cánh giữa đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) được sưu tầm tại chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Cánh cửa được làm bằng chất liệu gỗ lim, nguyên khối, kích thước: dài 194 cm, rộng 75 cm, dày 4,5 cm, hai đầu cạnh ngoài trên dưới mỗi cánh có ngõng tròn dài từ 6-10cm để lắp vào bậu cửa làm trụ xoay khi đóng mở. Mỗi cánh cửa đều được bổ ô trang trí với bố cục đối xứng nhau. Ô trên trang trí hình hai con rồng mập mạp, khỏe mạnh, đuôi khép lại tạo thành hình lá đề rất đăng đối và tinh tế. Đầu rồng ngẩng cao hướng về quầng lửa mọc trên đài sen. Miệng rồng há rộng, răng nanh phía trước khá lớn vắt qua sóng vòi. Mào lửa dài, bờm chia thành hai dải bay ngược về phía sau. Thân rồng tròn, thon không có vảy, cuốn thành từng khúc, nhỏ dần về đuôi. Vây lưng nhỏ, sắc chạy dọc thân. Mỗi rồng có bốn chân, mỗi chân có ba ngón. Cả bốn chân đều có dải mây xoắn từ khuỷu hất ra phía sau. Hình tượng rồng được thể hiện trên nền hoa văn mây lửa. Khung riềm phía trên trang trí vân mây, phía dưới tạo hình hoa văn sóng nước, hai bên là hình cánh sen cách điệu. Ô dưới của cánh cửa, chính giữa chạm hình bông sen nở rộ ở góc nhìn nghiêng, đối xứng 2 bên là những hình học xếp chồng lên nhau theo kiểu bệ chân quỳ. Khung riềm trang trí tương tự như ô phía trên.
Bộ cánh cửa là cấu kiện kiến trúc chất liệu gỗ có niên đại thời Trần còn lại duy nhất của ngôi chùa cổ Phổ Minh. Không giống những bộ cánh cửa thông thường, trên bộ cánh cửa này, đề tài trang trí chính được thể hiện là hình tượng rồng - một biểu tượng quen thuộc gắn với quyền lực của vua và triều đình trong các triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam. Hình tượng rồng không đơn thuần là đề tài trang trí làm tôn vẻ đẹp, sự uy nghi, tôn quý của bộ cánh cửa mà qua đó còn khẳng định quy mô kiến trúc, vị thế của di tích có bộ cánh cửa đó chính là chùa Phổ Minh - một công trình được xây dựng từ thời nhà Lý, đến thời Trần được mở rộng với quy mô to lớn hơn. Ngôi chùa không chỉ là một trung tâm phật giáo mà còn là một trong những công trình tiêu biểu của Hành cung Thiên Trường được triều đình cho xây dựng sau khi Thượng hoàng đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường vào mùa xuân năm Nhâm Tuất (1262). Qua bộ cánh cửa cũng giúp chúng ta khẳng định gỗ là một trong những nguyên vật liệu chính dùng để xây dựng các công trình kiến trúc thời Trần, đặc biệt là hệ thống các cung điện, đền đài, lầu gác của hoàng tộc. Các đề tài hoa văn trang trí trên cánh cửa không chỉ giúp chúng ta có cơ sở để tìm hiểu nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình, tư duy thẩm mỹ, lịch sử văn hoá, về nghề thủ công truyền thống mà còn là cơ sở để đối chiếu so sánh, xác định niên đại với những hiện vật cùng thời, với những nền văn hoá trước và sau đó; đồng thời phần nào phản ánh sự hưng thịnh của Phật giáo trong xã hội đương thời.
Phạm Kim Yến
Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm