Mặt đá tròn, thời Lý, thế kỷ XII 09/03/2020


Mặt đá tròn trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định là hai trong số hàng trăm các cấu kiện kiến trúc bằng đá dùng để xây dựng và trang trí tháp Chương Sơn, trên đỉnh núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tháp Chương Sơn còn gọi là tháp “Vạn Phong Thành Thiện”, được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng năm 1108 và khánh thành năm 1117. Đầu thế kỷ XV, giặc Minh sang xâm lược nước ta đã phá huỷ toàn bộ công trình kiến trúc này. Năm 1966 - 1967, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Nam Hà khai quật phế tích toà tháp, phát hiện rất nhiều vật liệu kiến trúc bằng đá và đất nung dùng để xây tháp, trong đó mặt đá tròn ghép tường trang trí là một hiện vật độc đáo, làm bằng chất liệu đá xám xanh thô ráp hay còn gọi là đá cát, được chế tác hoàn toàn bằng kỹ thuật chạm khắc thủ công.
Hai hiện vật được chế tác giống nhau về hình dáng, kích thước và bố cục trang trí, bao gồm: mặt đá tròn đường kính 42cm, dày 8cm, chạm nổi hình tượng rồng và hoa cúc, liền một khối với chuôi (trụ mộng) hình hộp chữ nhật dài 41cm, rộng 32cm, dày 22cm, không trang trí hoa văn. Tuy nhiên, khi phát hiện trong đợt khai quật, một hiện vật đã bị gãy phần chuôi, chỉ còn lại mặt đá tròn (BTNĐ 450/Đ:16).


Mặt đá tròn, số BTNĐ 1304/Đ: 52

Hoa văn trang trí trên mặt đá tròn chia làm hai phần: Chính giữa chạm nổi hình một con rồng. Đầu rồng ngẩng cao, mắt to tròn. Trên lông mày kết xoắn hình số 3 ngửa, trán kết xoắn hình chữ S ký hiệu của tia chớp. Hai bên dưới mang tai có dải bờm nhiều tua kết vào nhau uốn lượn hất ngược ra phía trước thành làn sóng. Chòm râu dưới cằm kết xoắn bay uốn ra phía sau. Mũi rồng cũng được kéo dài thành hình vòi. Từ  mũi rồng thoát ra mào có dạng ngọn lửa, được gọi là mào lửa. Miệng rồng há rộng với hai hàm có răng nhọn kéo dài uốn cong liền sát mũi đang  vờn  đớp  viên  ngọc.  Thân rồng tròn lẳn, không có vảy, uốn khúc mềm mại trong khuôn hình tròn. Dọc sống lưng có một hàng vây thấp tỉa riêng từng cái, đầu vây trước tựa vào vây sau. Bụng có những đốt ngắn như bụng rắn. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba ngón. Cả bốn chân đều có dải lông dài mọc từ khuỷu hất ra phía sau và móng cong nhọn giống móng chim ưng. Ngoài các đặc điểm như trên, hình tượng rồng trên hai mặt đá chỉ khác nhau ở tư thế thể hiện: cổ uốn  từ  dưới lên (BTNĐ 450/Đ:16)  và cổ uốn từ trên xuống (BTNĐ 1304/Đ:52).


Mặt đá tròn, số BTNĐ 450/Đ: 16

Phần kế tiếp là một băng cúc dây uốn lượn hình sin. Xen kẽ giữa các khúc uốn là 16 bông hoa cúc được thể hiện ở hai tư thế nhìn thẳng và nhìn nghiêng. Bao quanh phía ngoài của toàn mặt đá tròn là một vòng cánh hoa cúc rời. Mỗi cánh hoa tạo thành một múi dài 4cm trên cạnh dày của mặt đá.
Mặt đá tròn ghép tường cùng với những hiện vật khảo cổ phát hiện tại núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, năm 1966 - 1967 không chỉ chứng minh sự tồn tại thực tế của công trình kiến trúc tháp Vạn Phong Thành Thiện thời Lý xây dựng ở Nam Định được nhắc tới trong sử sách, là cơ sở để nghiên cứu phục dựng lại vị trí, kết cấu giữa các bộ phận cấu thành bảo tháp mà còn cung cấp nhiều thông tin có giá trị về nghệ thuật tạo hình, tư duy thẩm mỹ và tư tưởng đương thời.

Nguyễn Thị Thu Hường
Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm



Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập