Là cửa ngõ phía nam của kinh thành Thăng Long, mảnh đất Nam Định có vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ, xây dựng và phát triển đất nước thời Lý, thế kỷ 11 - 12. Tại đây, các vua nhà Lý đã cho xây dựng hành cung Ứng Phong, hành cung Hải Thanh cùng nhiều công trình Phật giáo, trong đó có tháp Chương Sơn còn gọi là tháp “Vạn Phong thành thiện”, trên đỉnh núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên. Tháp Chương Sơn được xây dựng từ năm 1108 đến năm 1117, dưới đời vua Lý Nhân Tông. Đầu thế kỷ 15, giặc Minh sang xâm lược nước ta, đã phá huỷ công trình kiến trúc này. Kết quả khai quật khảo cổ qua các năm 1966, 1967 và năm 2012 đã tìm ra chân móng tháp cổ cùng hàng trăm di vật đá, đất nung trong đó có 2 bảo vật quốc gia là: Tượng Phật Adi Đà, Tay vịn thành bậc và nhiều hiện vật cho đến nay chưa phát hiện được ở bất kỳ một di tích nào thời Lý. Phần trưng bày thời Lý ngoài các sưu tập đồ đá, đất nung khai quật tại phế tích tháp Chương Sơn còn sưu tập đồ gốm sinh hoạt phát hiện tại Nam Định.
Phòng trưng bày thời Lý