Trân trọng thành quả để phát huy, tỏa sáng 26/05/2020


Nhân dịp Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập (1958-2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là dịp không chỉ cán bộ công nhân viên Bảo tàng tỉnh Nam Định hiện tại, mà chúng tôi đội ngũ cán bộ hưu trí cũng như đương chức tại Bảo tàng Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định đều hân hoan, phấn khởi, bởi chúng tôi ít nhiều đã đóng góp vào sự nghiệp Bảo tàng và đã sống trong mái nhà chung Bảo tàng Hà Nam Ninh từ nhiều thập niên.
Tuy nhiên, Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức kỷ niệm có quy tụ được đông đảo những người làm công tác Bảo tàng ở ba tỉnh liên quan đến Hà Nam Ninh trước đây là việc làm tình nghĩa, đáng trân trọng nhưng không phải dễ. Đây là việc làm nhân văn của tổ chức văn hóa lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, thật đậm đà ý nghĩa, mà những người trong cuộc, đến các quan khách trong ngành, ngoài ngành đều nhận thấy và nhiệt liệt hoan nghênh, ghi nhận. Nhân dịp này bản thân tôi, một cán bộ Bảo tàng lâu năm (trên 30 năm công tác Bảo tàng, 18 năm nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia nghiên cứu, hoạt động Bảo tàng) muốn ghi lại một thời mà đội ngũ cán bộ Bảo tàng đã lăn lộn, cống hiến trong sự nghiệp sưu tầm tài liệu hiện vật thời bình cũng như thời chiến. Nhiệt tình đảm nhận nhiệm vụ mà Ty và Phòng Bảo tàng giao cho và hoàn thành rất xuất sắc.
Thành quả đó được thể hiện bằng số lượng hiện vật trong kho Bảo tàng. Hàng nghìn hiện vật có xưa, có nay, có lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và có cả hiện vật thời cách mạng, chống Pháp cũng như thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Kho hiện vật Bảo tàng Nam Định cũng như Hà Nam Ninh nổi tiếng phong phú và đa dạng. Các vị trưởng phòng Đỗ Dương Thông, Phạm Văn Thường cũng góp công sức đáng kể trong sự nghiệp sưu tầm hiện vật. Các bác đã đi xa nhưng hoạt động của các bác còn mãi và mãi là bài học trường đời đáng giá đối với bản thân tôi và có lẽ đối với cả nhiều cán bộ Bảo tàng Hà Nam Ninh.
Tôi nhớ mãi việc trưng bày phần lịch sử nhà Trần 3 lần kháng chiến chống đế quốc Mông – Nguyên thế kỷ XIII, tại đền Thiên Trường, thôn Tức Mặc. Trưởng phòng Phạm Văn Thường, Phó phòng Đào Đình Tửu lên đề cương trưng bày cuộc kháng chiến lần thứ 3 cần có hiện vật là chiếc cọc thật mà nhà Trần dùng để tạo bãi cọc chiến thuật nhấn chìm kẻ thù xâm lược năm 1288. Tôi cùng đoàn cán bộ Bảo tàng được phân công đi Quảng Ninh và Hải Phòng để sưu tầm trong thời gian mưa to gió lớn tháng 7 âm lịch (năm 1971). Giai đoạn này nước sông Hồng dâng cao, nhà tôi ở ngoài bãi sông bị nước tràn vào ngập đến nóc, phải sơ tán lên đê sông Hồng gặp muôn vàn khó khăn. Tại Quảng Ninh tôi được điện báo diễn biến ngập lụt và gia đình tôi được Phòng Bảo tàng quan tâm sơ tán lên đê an toàn, vợ tôi và cháu nhỏ mới được 10 ngày vẫn được bình an...
Cơ quan nghĩa tình chăm lo cuộc sống cho gia đình cán bộ, tất nhiên chúng tôi phải tận tâm hoàn thành nhiệm vụ, khéo léo thuyết phục Bảo tàng Hải Phòng để được nhận 3 cọc gỗ lim là hiện vật liên quan đến cuộc chiến năm 1288 mà quân dân Đại Việt đã dùng trong bãi cọc chiến thuật, cuộc chiến thứ 3 đánh bại quân xâm lược Mông – Nguyên. Đây là kỷ niệm khó quên về một đợt công tác xa nhà, thiên tai gây ngập lụt được cộng đồng địa phương và cơ quan giúp đỡ kịp thời, khiến quá trình trên 30 năm công tác Bảo tàng bất kể gặp khó khăn gì từ giai đoạn bám trụ tại thị xã Nam Định để sưu tầm hiện vật. Các trận địa bắn máy bay Mỹ, hay hiện vật của các đơn vị sản xuất phục vụ chiến đấu ở nhà máy Dệt, cơ sở chỉ Trường Sơn, các trận địa bắn máy bay Mỹ trong, ngoài thị xã Nam Định, Phủ Lý.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, miền Bắc chi viện cho các tỉnh phía Nam xây dựng các tổ chức, thiết chế, nghiệp vụ hoạt động về văn hóa, giáo dục,... Năm 1977, khi văn hóa Hà Nam Ninh cử 7 cán bộ, trong đó có tôi vào tỉnh Tiền Giang giúp bạn công tác Bảo tồn, Bảo tàng nhất là nghiên cứu các di sản văn hóa, đồng thời huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ huyện, tỉnh và các xã điểm về công tác Bảo tàng.
Đây là nhiệm vụ nặng nề cả về chuyên môn cũng như về xử thế đối với cán bộ, nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long lạ lẫm đối với tôi. Tôi lên Cục Bảo tàng xin tài liệu chuyên môn cũng như tìm hiểu về phong cách sống ở Nam Bộ để dễ dàng tiếp cận, hi vọng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Vừa học, vừa làm, lại phải mạnh dạn lăn lộn đi khảo sát các di tích, các địa phương có sự kiện lịch sử diễn ra. Và điều cơ bản phải lấy kinh nghiệm thực tế từ mọi hoạt động về sưu tầm, phát huy tác dụng trưng bày các phòng truyền thống tại Bảo tàng Hà Nam Ninh mà 5, 6 năm qua tôi đã thực thi ở miền Bắc, để sáng tạo, truyền thụ cho đội ngũ Bảo tàng trên vùng đất mới giải phóng tỉnh Tiền Giang có được kiến thức bảo tồn di sản cũng như sưu tầm tài liệu hiện vật để trưng bày, phát huy tác dụng.
Điều đáng mừng là quá trình 6 tháng công tác, tôi đã được lãnh đạo Ty Văn hóa tỉnh Tiền Giang tạo điều kiện đi khảo sát các điểm lịch sử văn hóa trọng điểm, đặc biệt là đến các vùng kháng chiến tiêu biểu như Ấp Bắc, Kai Lậy, Long Hưng khảo sát thực tế diễn biến lịch sử, tạo điều kiện để tôi giảng dạy nghiệp vụ về công tác Bảo tàng trong 3 khóa ngắn ngày với trên 100 học viên được sát thực tế và sinh động... Khi đoàn công tác chúng tôi hết hạn trở về Bắc, Ty Văn hóa Tiền Giang ghi nhận công lao, tha thiết đề nghị tôi ở lại phụ trách công tác Bảo tàng, lại có công văn và cử cán bộ tổ chức ra Hà Nam Ninh xin tôi vào công tác lâu dài, nhưng do hoàn cảnh tôi khước từ, ở lại đất Bắc mãi mãi gắn bó với ngành nghề Bảo tàng Hà Nam Ninh.
Hơn 20 năm sau nghề Bảo tàng đã cuốn tôi với các đợt trưng bày truyền thống ở Liên Minh, Nghĩa Đồng... rồi kiểm kê các di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các huyện Bình Lục, Gia Viễn, Hải Hậu để đi kiểm kê các di tích văn hóa nghệ thuật trong huyện. Có thời kỳ tôi cùng Giám đốc Đặng Công Nga tổ chức khai quật khảo cổ học tại di tích Đinh – Lê Ninh Bình và thu được nhiều thành quả, đóng góp thêm số lượng hiện vật khảo cổ học cho Hà Nam Ninh. Và đây cũng là kỷ niệm khó quên đối với tôi cũng như cơ quan Bảo tàng Nam Định hiện tại. Những kỷ niệm trên chỉ là một phần trong công tác Bảo tàng còn phần quan trọng là công tác trưng bày, phát huy tác dụng của hiện vật Bảo tàng thì hồi đó tuy có hoạt động nhưng có phần hạn chế, nhất là do thiếu cơ sở vật chất. Dăm bảy năm gần đây, Bảo tàng Nam Định hoạt động mạnh lĩnh vực này và đây cũng là điều tỏa sáng rất đáng khích lệ, trân trọng.

Đ/c Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chụp ảnh lưu niệm với Câu lạc bộ Thiên Trường Nam Định, năm 2016

Những năm gần đây, Bảo tàng Nam Định có đội ngũ trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn nhưng đã năng động hơn. Giám đốc Nguyễn Văn Thư đã có nhiều sáng tạo để phát huy tác dụng các di sản văn hóa mà Bảo tàng lưu giữ. Nghĩa là đã trân trọng thành quả từ quá khứ, nhìn lại tinh thần lao động nghề nghiệp của quá khứ để phát huy và tỏa sáng.
Phải đề cập đến kho hiện vật nổi tiếng phong phú đã được bảo quản tốt hơn, khoa học hơn và cũng được trưng bày từ tổng hợp đến chuyên đề tại Nam Định cũng như các tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng và một số huyện thuộc tỉnh Nam Định.
Sự tỏa sáng này mà các thời tiền nhiệm ít thực hiện hoặc chưa làm được là sự cố gắng rất lớn, là thành tích rất đáng kể, đáng hoan nghênh. Một số di sản phi vật thể tiêu biểu của Nam Định như lễ hội Đền Trần và nhất là nghi lễ Tứ phủ ở Phủ Dầy Nam Định không chỉ được ưu tiên tại nhà trưng bày Bảo tàng ở vị trí trung tâm, trang trọng nhất, lãnh đạo cùng cán bộ Bảo tàng còn nỗ lực trong việc lập hồ sơ đệ trình Nhà nước cũng như UNESCO vinh danh là di sản văn hóa tầm cỡ thế giới. Và sự thành công vừa qua tổ chức UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là di săn văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là điều minh chứng Bảo tàng đã có việc làm đúng, rất đáng ghi nhận. Đây cũng là sự tỏa sáng làm tăng giá trị đích thực của các di sản văn hóa tinh hoa của Nam Định cũng như của Việt Nam.
Thành quả mà Bảo tàng Nam Định đạt được những năm gần đây còn phải đề cập đến kho bảo quản để giữ gìn cho hiện vật tuổi thọ được mỹ mãn hơn. Trong nhà Bảo tàng có phòng đọc, có thư viện và phòng hội thảo khoa học giúp cho cán bộ cũng như cộng đồng và học sinh các trường thêm điều kiện nâng cao kiến thức cũng như sự hiểu biết về lịch sử, xã hội, kiến trúc nghệ thuật, các ngành nghề thủ công, phong tục tập quán... Đây cũng là điểm sáng nâng vị thế Bảo tàng ngày càng có tầm cao.

Đ/c Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng chụp ảnh lưu niệm với Tổ hưu trí Bảo tàng, năm 2013

Và một điều không thể thiếu đề cập đó là lãnh đạo Bảo tàng biết trân trọng quá khứ, biết lấy tinh hoa của quá khứ để nhân lên, kế thừa, phát huy để tỏa sáng. Sự trân trọng quá khứ còn thể hiện qua những buổi gặp gỡ đầu năm, những lúc thăm hỏi cán bộ hưu trí ốm đau bệnh tật v.v... Một việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, nhất là đối với con người làm nghề phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn. Ngay hôm nay, buổi gặp gỡ thân mật đồng nghiệp của 3 tỉnh mà Bảo tàng Nam Định thực hiện, ngoài việc báo cáo thành tựu công tác của Bảo tàng Nam Định được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba còn là cơ hội để đồng nghiệp gặp gỡ, thời cơ để bạn hữu giao lưu, thiết tưởng Bảo tàng Nam Định đã rất cố gắng làm được những việc làm ý nghĩa để lại một kỷ niệm không hề nhỏ và khó có thể quên.
Cảm ơn Bảo tàng Nam Định bởi đã trân trọng thành quả để phát huy tỏa sáng, lại rất tình nghĩa khiến con người sống trong môi trường này đã và sẽ cống hiến hết sức mình với công việc cơ quan, góp phần không nhỏ làm cho vị thế Bảo tàng ngày một nâng lên. Trong buổi gặp mặt chung vui đầy xúc động, xin nôm na mấy câu cùng các bạn đồng nghiệp:
Một thời công tác bên nhau
Để rồi tách biệt tình sâu nghĩa nồng

Nay về dưới mái nhà chung

Ai còn, ai mất xin cùng hân hoan./.
Hồ Đức Thọ
Nguyên cán bộ Bảo tàng tỉnh Nam Định
 

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập