Bảo tàng tỉnh Nam Định và Di sản văn hóa phi vật thể 06/05/2020


Duyên nghề đã cho tôi may mắn được quen biết và làm việc với Bảo tàng tỉnh Nam Định ngót 20 năm, một phần ba chặng đường lịch sử. Bảo tàng tỉnh Nam Định, di sản và con người đã và luôn để lại trong tôi trong lòng đồng nghiệp những ấn tượng khó quên và những kỷ niệm sâu sắc.
Xứng đáng với bề dày 60 năm hoạt động, Bảo tàng tỉnh Nam Định là một trong những thiết chế văn hóa luôn tiên phong và thành công trong nhiều lĩnh vực chuyên môn. Tôi đánh giá cao vai trò của bảo tàng trong nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Nam Định.


TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tọa đàm khoa học góp ý hồ sơ DSVHPVT “Lễ hội Phủ Dầy” tại Bảo tàng tỉnh, năm 2013

Tiên phong trong việc tích hợp di sản văn hóa phi vật thể vào trưng bày bảo tàng: còn nhớ hơn 15 năm về trước, khi Luật di sản văn hóa ra đời và ở đó có trọn cả một chương về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là lần đầu tiên khái niệm và nhiệm vụ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được pháp lý hóa. Cũng vào thời điểm này tỉnh Nam Định có chủ trương xây nhà bảo tàng mới. Nhà mới thì phải có trưng bày mới. Cùng với nhóm chuyên gia từ các cơ quan quản lý di sản, bảo tàng đã thảo luận và xác định một tầm nhìn mới, một cách tiếp cận trưng bày mới ở đó di sản văn hóa phi vật thể là một thành tố không thể thiếu trong bảo tàng tương lai. Các cán bộ bảo tàng đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và đặc biệt là đã cùng với cộng đồng chủ thể văn hóa nhận diện, làm sáng tỏ những di sản văn hóa đang được bảo tồn, lưu giữ và thực hành trong đời sống. Có thể nói rằng bảo tàng đã đi đầu thử nghiệm phương pháp kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trước khi có quy định và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước ban hành vào năm 2010. Kết quả này là tiền đề, là cơ sở cho cuộc kiểm kê bài bản hơn vào những năm tiếp theo. Các thông tin về di sản văn hóa phi vật thể dần được bổ sung vào các hồ sơ di sản vật thể. Không chỉ có phần trưng bày riêng về di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội đền Trần và Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định bên cạnh các giá trị quý hiếm của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn có cả một bức tranh phong phú, sinh động của tri thức dân gian, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn và nghề thủ công truyền thống …


Toàn cảnh tọa đàm khoa học góp ý Hồ sơ khoa học DSVHPVT “Lễ hội Phủ Dầy”, tại Bảo tàng tỉnh, năm 2013

Đi đầu trong việc xây dựng các hồ sơ đề cử di sản vào danh mục quốc gia: vừa làm tốt công tác trưng bày, vừa tích cực nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể góp phần vào công tác quản lý đó là thành công đáng ghi nhận của Bảo tàng tỉnh Nam Định. Trong khi nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể ở nhiều nơi còn hạn chế, còn lúng túng trong kiểm kê, trong việc lập hồ sơ thì Bảo tàng tỉnh Nam Định đã liên tiếp thành công khi xây dựng và đề cử được 4 di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với hiểu biết về di sản, trên cơ sở có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng, bảo tàng đã tổ chức điền dã, phỏng vấn, tư liệu hóa và lập hồ sơ một cách khá chuyên nghiệp. Các giá trị di sản được nhận diện và miêu tả rõ ràng, các chương trình và kế hoạch bảo vệ di sản được xây dựng một cách cụ thể, thực tiễn và có sự cam kết đầy đủ của cộng đồng đó chính là điều kiện để các hồ sơ có sức thuyết phục và di sản được ghi danh. Không chỉ là chuyện danh hiệu mà nhờ quá trình làm hồ sơ cùng với bảo tàng, nhận thức của cộng đồng, của xã hội về trách nhiệm đối với di sản và hoạt động bảo vệ cũng đã được nâng lên. Bảo tàng Nam Định cũng đã góp phần không nhỏ vào việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ để Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định hẳn rất tự hào về bảo tàng này. Bảo tàng là hình ảnh gần gũi, tốt đẹp có vị trí trong lòng người dân.


Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL trao bằng Di sản VHPVT Quốc gia“Nghi lễ chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy” cho ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, năm 2014

Tôi muốn dành những dòng cuối cùng của bài viết này để nói về các thế hệ cán bộ đã và đang làm việc tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. Không thể phủ nhận bề dày chuyên môn mà các anh chị, các bạn đồng nghiệp từ thế hệ này đến thế hệ khác đã tạo dựng và làm nên diện mạo vinh quang, đáng tự hào của bảo tàng hôm nay. Họ là những nhà nghiên cứu, những con ong chăm chỉ trên cánh đồng di sản, ngày mỗi ngày cần mẫn, sáng tạo và xây nên tòa tháp vinh quang – 60 năm Bảo tàng tỉnh Nam Định ngày nay. Đối với bạn nghề họ còn là những đồng nghiệp nghĩa tình. Dù cuộc đời đây đó còn bộn bề khó khăn song bất cứ ai qua đây cũng được anh chị em Bảo tàng đón tiếp chu đáo, nhiệt tình. Trộm nghĩ, ứng xử văn hóa ấm lòng này cũng bắt nguồn từ truyền thống, tập quán xa xưa – di sản văn hóa phi vật thể của người Nam Định./.

TS. Lê Thị Minh Lý
Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập