Tôi may mắn được thăm Bảo tàng tỉnh Nam Định nhiều lần kể từ khi công trình kiến trúc hiện đại này chính thức được khánh thành vào năm 2012, dấu ấn lịch sử trọng đại này đã mang lại nhiều thuận lợi to lớn cho bảo tàng. Cơ sở vật chất hiện đại tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, bảo tồn và tăng cường trưng bày tài liệu, hiện vật tại các phòng triển lãm. Bảo tàng hiện đang lưu giữ 21.595 tài liệu, hiện vật, chứng tỏ đó là một cuộc sưu tầm bền bỉ, bao gồm tất cả các loại hình di sản văn hóa và lịch sử của Nam Định, trong đó đáng chú ý là 4 trong số 5 bảo vật bảo vật quốc gia của Nam Định. Rõ ràng, Bảo tàng tỉnh Nam Định là một kho báu lịch sử của địa phương và quốc gia.
Khu vực trưng bày cố định nằm tại không gian rộng rãi tầng hai của tòa nhà bảo tàng, tầm quan trọng của các hiện vật này gắn liền với triều đại nhà Lý (1009 – 1225) nên không thể cường điệu hoá chúng hơn. Những hiện vật này bao gồm các loại hình kiến trúc đá độc đáo, đó là những bức chạm khắc thủ công tinh xảo từ phế tích bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện (xây dựng 1108 - 1117) trên đỉnh núi Ngô Xá. Những hiện vật này bao gồm một trong năm bảo vật quốc gia – một khối đá rộng, có thể là một phần của bậc lan can, hai bên được chạm khắc tỉ mỉ các hình vũ nữ Chăm. Những hiện vật như thế góp phần to lớn để làm sáng rõ về một địa điểm và thời kỳ lịch sử cụ thể, đồng thời cũng chứng tỏ tài năng khéo léo của các nghệ nhân thời đó. Đây cũng chính là mối liên hệ cho những hiện vật được phát hiện ở những nơi khác trong khu vực đồng bằng sông Hồng, đó là Hoàng thành Thăng Long.
Điểm đáng chú ý và tầm quan trọng tương tự chính là sự độc đáo, hiếm có của chính những hiện vật tại đây, tiêu biểu như thành phần kiến trúc gỗ có niên đại thời Trần được phát hiện tại khu vực xã Mỹ Thịnh, huyện Mỹ Lộc, mô tả đám rước của các vũ nữ Chăm đang trình diễn các vũ điệu nhạc lễ được chạm khắc hết sức khéo léo, tinh xảo và tỉ mỉ – một ví dụ khác cho sự độc đáo và phong phú của hiện vật Bảo tàng. Dù rằng tuổi thọ hiện vật cao những đặc điểm trên nó vẫn còn thể hiện đầy đủ rõ rệt. Tôi không thể nhấn mạnh hơn sự độc đáo của hiện vật này nhất là do rất hiếm hoi thu hồi hiện vật gỗ trong lòng đất ẩm thấp của đồng bằng Bắc bộ. Đây là những tạo tác hết sức tuyệt vời, góp phần quan trọng làm sáng rõ thời kỳ này trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Cho đến nay, Bảo tàng tỉnh Nam Định hiện lưu giữ hàng chục hiện vật khác có giá trị tương tự như vậy.
Đ/c Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chụp ảnh lưu niệm với tổ hưu trí Bảo tàng và bà Kerry Nguyen – Long, Biên tập viên Tạp chí Nghệ thuật châu Á, năm 2013
Nam Định là quê hương của vương triều Trần (1225 – 1400) hơn nữa đây còn là mảnh đất đặc trưng của nguồn tài liệu, hiện vật phong phú để nghiên cứu, lịch sử đã ghi lại vị vua đầu tiên của nhà Trần, Trần Thái Tông, đã thăng hương Tức Mặc, thành phủ Thiên Trường vào năm 1262. Như vậy, trong lịch sử mảnh đất Nam Định, địa danh này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Trong số những đồ gốm được trưng bày tại bảo tàng bao gồm nhiều mảnh vỡ của chúng mang dòng chữ "Thiên Trường phủ chế", dưới thời Trần lúc đó mảnh đất Thiên Trường được biết đến là nơi sản xuất đồ gốm chất lượng cao. Nghiên cứu về nét vẽ các chữ trên tất cả các mảnh vỡ của Nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishino Noriko giúp bà khẳng định tất cả những nét chữ được vẽ bởi một người, người này có tài năng được triều đình chỉ định và thực hiện trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Hiện nay, ở bên ngoài quốc gia Việt Nam, có một cái bình men ngọc (cao 13cm) được bảo quản tốt cũng viết dòng chữ này. Cái bình đó xuất hiện trên trang bìa của cuốn sách Hidden Treasures: 2000 Năm Gốm sứ Việt Nam, được xuất bản ở Đức năm 2000. Tôi mong một ngày không xa, cái bình này sẽ được trưng bày bên cạnh những mảnh vỡ có vẽ chữ “Thiên Trường phủ chế” tại Bảo tàng tỉnh Nam Định Kho bảo tàng hiện cũng đang lưu giữ một số bình gốm men lớn có trang trí hoa văn vẽ tay, ngoài ra cũng có những trường hợp tiêu biểu về đồ sành nâu thời Trần, đồ dùng sinh hoạt bằng sành, tất cả rất đáng để nghiên cứu một cách toàn diện. Mô hình nhà bằng đất nung thuộc kiến trúc thời Trần được đánh giá hết sức đặc biệt về tính toàn vẹn và độc đáo của nó, đây cũng là một trong những bảo vật quốc gia khác của Bảo tàng.
Một viên gạch có giá trị phát hiện trong lần tu sửa ở tháp Phổ Minh, Thành phố Nam Định có niên đại ghi lại năm xây dựng tháp (năm 1305). Tháp nằm cùng trong khuôn viên chùa Phổ Minh được xây dựng năm 1262. Bảo tàng hiện lưu giữ hai trong bốn cánh cửa lớn hầu như còn nguyên vẹn chạm khắc hình rồng và hoa lá thuộc bộ cánh cửa chùa Phổ Minh thời Trần. Khi tất cả bốn cánh cửa được mang ra xem toàn bộ chúng ta sẽ thấy đây là một mẫu hình hết sức ấn tượng với sự cân đối hài hòa.
Cấu kiện kiến trúc gỗ hiện thời của ngôi chùa này có niên đại thời Nguyễn (1802-1945), hậu cung của ngôi chùa được dành riêng để bài trí các tượng là các hoàng thân quốc thích của triều đình, đó là những người đã có công trong việc tu sửa, phục hồi và xây dựng hệ thống ngôi chùa này. Bảo tàng đã sưu tầm tại hậu cung một pho tượng hoàng thân bằng gỗ sơn son thếp vàng, được chế tác bởi một nghệ nhân bậc thầy thời đó, đây là minh chứng cụ thể về một vài pho tượng độc đáo được làm dưới thời Nguyễn. Trên thực tế, Bảo tàng tỉnh Nam Định có rất nhiều tài liệu, hiện vật thời Nguyễn.
Sẽ rất là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến pho tượng Phật A – di - đà bằng đá, một bảo vật quốc gia khác có niên đại thời Lý tại di tích chùa Ngô Xá. Nghiên cứu đã làm sáng tỏ sự tò mò cho câu chuyện về sự tồn tại của pho tượng này, đồng thời cũng phản ánh những biến cố thăng trầm của lịch sử. Pho tượng này đã nhiều lần bị hư hại nhưng nó đã được hoàn chỉnh đáng kể với bệ hoa sen, chạm khắc đôi sư tử và chân đế núi Tu Di có hình giật cấp. Tuy nhiên, pho tượng không được trưng bày trong bảo tàng mà được đặt ở nơi tồn tại ban đầu của nó, đây là một trong hai pho tượng còn sót lại từ thời Lý, một pho tượng khác được trưng bày tại chùa Phật Tích nhưng không có đôi sư tử. Bảo tàng hiện lưu giữ một phiên bản Phật A - di - đà bằng đá được làm từ đôi bàn tay khéo léo của một cán bộ bảo tàng tuy nhiên bây giờ ông đã nghỉ hưu.
Kho bảo tàng hiện lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị, một trong số chúng là bộ chân đèn và bát hương được làm bởi Đỗ Xuân Vi, nghệ nhân gốm và là người đứng đầu trong một gia đình có truyền thống làm nghề gốm ở Bát Tràng, cả hai hiện vật này đều đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Số lượng hiện vật chất liệu đồng của Bảo tàng không nhiều nhưng lại đa dạng về loại hình và cần được quan tâm, minh chứng là một đôi nghê lớn có nguồn gốc từ huyện Ý Yên nơi có truyền thống lịch sử đúc đồng. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm gỗ chạm khắc hình nghê, như vậy những tác phẩm gỗ chạm khắc là những ví dụ minh chứng cho nguồn tài liệu phong phú có giá trị nhưng lại đang có nguy cơ bị mất dần trong tiến trình phát triển hiện nay.
Khu vực Nam Định tiếp giáp với bờ biển là nền tảng cho quá trình giao thương có từ lâu đời với nước ngoài. Thời Trần đã đánh dấu sự khởi đầu trong hoạt động thương mại sôi nổi với miền Nam Trung Quốc được thể hiện qua những trưng bày hiện vật gốm bao gồm các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc cùng với các sản phẩm được chế tạo tại địa phương cho thấy sự tác động, ảnh hưởng qua lại từ bên ngoài. Trong thời kỳ hiện đại, Nam Định là một trong những tỉnh đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, nơi mà người châu Âu đặt chân đến. Bảo tàng hiện lưu giữ một bức phù điêu bằng gỗ thể hiện cảnh tượng buôn bán sôi động, có lẽ diễn ra tại một nơi công cộng. Bức phù điêu gỗ chạm khắc một chiếc tàu từ phương Tây chở người nước ngoài, là những người đàn ông đội mũ hình quả dưa, tất cả được diễn đạt trong không khí tươi sáng, náo nhiệt khi nghe tin đã thấy đất liền. Hiện vật độc đáo này là hình ảnh trực quan sinh động của người thợ thủ công Việt Nam về sự xuất hiện của người châu Âu. Đó là một trong những bức phù điêu bằng gỗ có chủ đề đa dạng, phong phú, mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Những bức điêu khắc này được chạm khắc đẹp, là nguồn tài liệu và tài sản vô cùng quý báu đóng góp vào việc nhận thức về lịch sử và hình tượng con người Việt Nam.
Bảo tàng hoạt động tích cực trong công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật, việc làm này có thể đóng góp tiếp cho câu chuyện lịch sử của mảnh đất Nam Định thế kỷ 20, cụ thể đó là việc sưu tầm một cái máy dệt, là phương tiện kỹ thuật của Công ty Dệt may Nam Định, nó có một vai trò quan trọng trong việc công nghiệp hóa sản xuất hàng dệt may ở Việt Nam. Một nguồn tư liệu ảnh xúc động cùng với những bản chú thích hoàn chỉnh đã phản ánh những cái nhìn sâu sắc về lịch sử địa phương trong thời kỳ cách mạng. Tôi hy vọng những từ ngữ ngắn gọn trong bài viết này sẽ phản ánh được bề rộng và chiều sâu của những tài liệu, hiện vật bảo tàng và một vài điều về sự cống hiến hết mình của họ trong việc sưu tầm, nghiên cứu và trưng bày.
Tuy nhiên, ngoài các nhiệm vụ đã đề cập ở trên, Bảo tàng tỉnh Nam Định cũng được ủy quyền để xử lý việc bảo tồn và lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trong suốt chuyến tham quan Bảo tàng tỉnh Nam Định năm 2016 của tôi, tôi rất may mắn được xem một triển lãm vô cùng ấn tượng mang tên "Tín ngưỡng thờ Mẫu - Bản sắc và giá trị", triển lãm nhằm phục vụ cho dự án liên quan đến nhiều tổ chức khác nhau để trình UNESCO công nhận. Tín ngường thờ Mẫu là một bộ phận văn hóa phi vật thể của Việt Nam, sự nỗ lực hết mình trong việc hợp tác đó đã thành công thông qua việc di sản được công nhận vào tháng 12/ 2016.
Cùng với những nhiệm vụ đó, Bảo tàng cũng nhiệt tình hỗ trợ trong công tác tư vấn cho việc thành lập các bảo tàng, hiệp hội và câu lạc bộ tư nhân, rõ ràng, bảo tàng có mối quan hệ mật thiết với công chúng trong sự tham gia tích cực của cộng đồng dưới sự lãnh đạo năng động, nhiệt huyết của Giám đốc Nguyễn Văn Thư. Chẳng hạn năm 2005, Bảo tàng đã tham mưu với Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh, là cầu nối quan trọng trong việc thành lập Hội cổ vật Thiên Trường Nam Định. Hàng năm vào dịp năm mới, nhờ chương trình hợp tác này, đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo tàng và công chúng gặp nhau để thảo luận những phát hiện mới và đây cũng là cơ hội để bảo tàng tiếp nhận sự đóng góp từ các thành viên của các Hiệp hội. Tôi hết sức ấn tượng khi xem các cuộc triển lãm của bảo tàng trong đó các thành viên của Hội hiến tặng tài liệu, hiện vật, Bảo tàng đã thể hiện sự trân trọng với họ thông qua việc liệt kê đầy đủ, rõ ràng danh sách những hiện vật hiến tặng của họ. Tương tự, hàng năm tham gia chương trình chợ Tết, triển lãm cây cảnh nghệ thuật trong khuôn viên bảo tàng, đây là một sự kiện lịch sử có tính liên kết với làng cây cảnh Vị Khê gần đó và các hoạt động Tết Trung thu cho con em nhân viên bảo tàng với trẻ em trong tỉnh tham gia các trò chơi dân gian, văn nghệ ... và không thể thiếu sự có mặt của các nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống. Tất cả những việc làm này khiến tôi vô cùng trân trọng những nỗ lực to lớn của Bảo tàng thông qua những hoạt động hết sức ý nghĩa với công chúng Nam Định.
Tôi xin tổng kết bài viết này với kết luận rằng một chuyến thăm Bảo tàng tỉnh Nam Định thực sự là một trải nghiệm hết sức ý nghĩa, đáng ghi nhận. Chuyến thăm gần đây của tôi được nâng cao hơn nữa sự hiểu biết thông qua sự giúp đỡ nhiệt tình, thân thiện và sự chia sẻ kiến thức phong phú về chuyên môn. Như vậy, Bảo tàng tỉnh Nam Định với nhiều chương trình hoạt động tương tác đã thúc đẩy mối quan hệ bền vững với công chúng, từ đó công chúng ủng hộ tích cực các chương trình hoạt động này. Giám đốc nhiệt huyết, năng động và đội ngũ cán bộ nhân viên tận tụy, chuyên nghiệp trong công việc xứng đáng được chúc mừng với những thành tựu đáng ghi nhận của Bảo tàng tỉnh Nam Định.
Kerry Nguyen - Long
Biên tập viên Tạp chí Arts of Asia
(Tạp chí Nghệ thuật Châu Á)