Bảo tàng tỉnh Nam Định - Ngôi sao đang lên 06/05/2020


Đó là một nhận xét không ngoa ngôn, mỹ tự chút nào, nếu như thấy được sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, từ Hà Nam Ninh xưa đến Nam Định nay đối với Bảo tàng, nếu như thấy được, trong suốt dặm dài phát triển của bảo tàng này, lớp lớp cán bộ đã chăm chút dựng xây, đắp bồi, để đến hôm nay, trở thành một thiết chế khá nổi trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Đặc biệt, trong mười năm trở lại đây, với những hoạt động của Bảo tàng Nam Định, đã ghi nhiều dấu ấn, tạo nên một chặng mốc quan trọng của lịch sử hình thành và phát triển của bảo tàng này trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của Nam Định nói riêng và thiết chế bảo tàng Việt Nam nói chung. 
Ấn tượng đầu tiên với tôi là tốc độ thần kỳ trong việc xây dựng nhà bảo tàng, song hành với việc làm nội dung trưng bày nội, ngoại thất. Chỉ trong vòng 3 năm 3 tháng, tất cả được hoàn thành với cả thảy 416 văn bản pháp lý và những văn bản liên quan tới dự án xây dựng cơ bản mang tính đặc thù này. Tôi cho đây là một tốc độ hiếm thấy ở Việt Nam, đặc biệt là với bảo tàng, khi mà hầu hết các bảo tàng địa phương trong cả nước đều gặp khó khăn trong mối quan hệ tương thích giữa xây dựng và trưng bày. Tốc độ thần kỳ nhưng sản phẩm lại có chất lượng, khi không gian nội, ngoại thất, khi hệ thống kho tàng, khi hình thức và nội dung trưng bày…xứng đáng với kinh phí đầu tư, dẫu rằng, người xem, người nghiên cứu, dù khó tính đến đâu cũng không thể phủ nhận được thực tế này. Là một người làm bảo tàng nhiều năm, tôi thực sự khâm phục tinh thần và ý chí của lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Nam Định, đặt mục tiêu đưa công trình này vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định. Giờ đây, qua bao nhiêu lần trở về với Bảo tàng, được đi xem lại mọi ngóc ngách, chi tiết của bảo tàng, tôi cũng thấy đôi chỗ, đôi nơi còn có sự bất cập, nhưng nhìn tổng thể, nhìn vào cung cách khắc phục, điều tiết không gian và nổi bật là sự ngăn nắp, khoa học trong sắp xếp kho tàng, trong bảo quản, tu sửa phục chế, trong trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề, tôi tin vào sự phát triển đi lên của bảo tàng này trong tương lai với những giá trị bền vững được xây nền đắp móng từ quá khứ đến hiện tại.
Ấn tượng thứ hai là sự phối hợp tổ chức những cuộc trưng bày ở trong và ngoài tỉnh. Do tạo dựng được thương hiệu, do hoạt động mang lại hiệu quả đối với ngành, Bảo tàng Nam Định mấy năm trở lại đây nhận được sự hợp tác tích cực từ các bảo tàng Trung ương và địa phương. Tôi không thể kể hết các sự kiện, minh chứng cho mối quan hệ hợp tác ấy, nhưng chỉ qua triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” phối hợp với các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh, Bảo tàng đã đưa nội dung mang giá trị địa phương vào cuộc triển lãm này, đó là “Nam Định chung sức đồng lòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc”, theo tôi là một sáng kiến đáng được ghi nhận, bởi sự tiếp nhận và phối hợp không thụ động, có đầu tư trí tuệ và chất xám. Bảo tàng còn phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trưng bày chuyên đề “Hai chị em, hai trận tuyến”, với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội trưng bày “Thăng Long – Thiên Trường thời đại Trần thế kỷ XIII – XIV”. Đặc biệt, năm 2015 phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”, nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng các sản phẩm, biểu tượng linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục văn hóa Việt Nam. Trưng bày này đã đến với nhiều địa phương trong cả nước và đem lại hiệu quả giáo dục thẩm mỹ cao.
Ngoài hợp tác với các bảo tàng trung ương, Bảo tàng Nam Định còn phối hợp với các huyện, các hội nghề nghiệp vá các cá nhân trưng bày nhiều chuyên đề có giá trị tư tưởng và thực tiễn, tạo nên sự đa dạng các hoạt động của bảo tàng và giúp cho các địa phương, các hội nghề nghiệp, các cá nhân có điều kiện phát huy di sản đến với công chúng.
Là một thiết chế văn hóa mang tính dẫn dắt của tỉnh, Bảo tàng Nam Định đã giúp các huyện, các sở, các ngành, xây dựng các bảo tàng, các nhà lưu niệm truyền thống. Đó là nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu; nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh tại Xuân Trường; nhà lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ tại xã Nam Vân, T.P Nam Định; phong truyền thống Vũ trang Tỉnh; phòng truyền thống trường Phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong, trường Phổ thông trung học Nguyễn Khuyến và các phòng truyền thống của các ngân hàng, nhà hát v.v… Đây không chỉ là sự giúp đỡ đơn thuần, mà qua công việc, bảo tàng đã tạo môi trường đào tạo tại chỗ cho cán bộ bảo tàng, thông qua những dự án từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, giúp cho cán bộ bảo tàng ngày một trưởng thành, qua đó, có sự gắn kết để xây dựng một đội ngũ chuyên môn đoàn kết và có trình độ chuyên môn cao.
Ấn tượng thứ ba, đó là sự tham gia vào công tác xã hội hóa trong lĩnh vực di sản theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Nhiều ý kiến nhận xét rằng, Bảo tàng Nam Định là bà đỡ cho các bảo tàng ngoài công lập, Hội cổ vật Thiên Trường hoạt động có hiệu quả. Nhân thức bảo tàng ngoài công lập hay Hội cổ vật là cánh tay nối dài của ngành Di sản văn hóa nói chung và của tỉnh Nam Định nói riêng, Bảo tàng đã có nhiều tham mưu cho Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho UBND tỉnh đề ra được những định hướng phù hợp cho những thiết chế và tổ chưc này hoạt động theo tinh thần của pháp luật và đóng góp tích cực vào việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương.
Biểu hiện của mối quan hệ khăng khít, bền chặt giữa bảo tàng tỉnh và những thiết chế văn hóa ấy, chính là sự tự nguyện hiến tặng hiện vật của các hội viên Hội cổ vật Thiên Trường và cá nhân cho bảo tàng. Mười năm có 15 đợt hiến tặng, với tổng số 1037 hiện vật và 400 đầu sách nghiên cứu về lĩnh vực di sản văn hóa vật thể. Mười năm, Bảo tàng cũng giúp cho 30 chủ sở hữu đăng ký 599 hiện vật, tạo nên một hình ảnh – Nam Định là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước đăng ký cấp giấy chứng nhận cho sưu tập tư nhân. Cũng mười năm, đăng ký cho hai bảo tàng ngoài công lập, với tổng số 1059 hiện vật, tạo cơ sở cho Bảo tàng Đồng quê và Bảo tàng kỷ vật chiến tranh ra đời và hoạt động theo đúng quy trình và pháp luật.


TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, năm 2016

Ấn tượng thứ tư là công tác nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học. Bảo tàng Nam Định là một trong những bảo tàng địa phương trong cả nước có hoạt động nghiên cứu khoa học ấn tượng. Sự ấn tượng ấy không chỉ ở những con số, mà ở cả phương cách thực hiện mang tính ứng dụng cao. Mười năm, hoàn thiện 5 đề tài khoa học trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của bảo tàng. Mười năm đã xây dựng được 15 sưu tập hiện vật, tổ chức giám định và bổ sung thông tin các hiện vật, tư liệu hóa cơ bản hiện vật chất liệu giấy. 


TS Phạm Quốc Quân giám định cổ vật hiến tặng Bảo tàng tỉnh, năm 2016

Bảo tàng đã xây dựng được đề án tổ chức các hoạt động giáo dục tại bảo tàng và kết nối với các di tích tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh để đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, góp phần xây dựng xã hội học tập suốt đời và phát triển du lịch. Bảo tàng tham gia lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, đó là Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội đền Trần, nghề sơn mài Cát Đằng để trình cấp thẩm quyền đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bảo tàng lập 4 hồ sơ bảo vật quốc gia, đó là đôi chân đèn lư hương thời Mạc, tượng phật A di đà, thành bậc lan can thời Lý, mô hình kiến trúc thời Trần. Tất cả đều đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia mấy năm gần đây.


Đ/c Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia cho Bảo tàng tỉnh và đại diện huyện Ý Yên, năm 2014

"Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt" được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa được công bố, Bảo tàng Nam Định cũng là một thành tố tham gia vào việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ.
Hội thảo khoa học là một biểu hiện khác của công tác nghiên cứu. Mười năm, bảo tàng đã tham gia và tham mưu cho Sở, cho Tỉnh, phối hợp với các cơ quan Trung ương, chỉ đạo cho các ban ngành địa phương, thực hiện 6 cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, mang giá trị thực tiễn cao.
Tâm sự với tôi, ông Giám đốc Bảo tàng còn có nhiều ý tưởng táo bạo và ấn tượng. Và nhiều trong số đó, đã được đưa vào kế hoạch 5 năm tới. Tuy nhiên, tôi ấn tượng nhất với một đề án tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hóa tại bảo tàng, tập trung vào các hoạt động giáo dục cho học sinh; tổ chức dịch vụ giải khát kết hợp với trưng bày nghệ thuật cây cảnh; trình diễn văn hóa phi vật thể ca trù và chầu văn, tổ chức chợ Tết “Một thoáng thành Nam”, nhằm tái hiện một số nét đẹp văn hóa truyền thống của Nam Định xưa với nhiều không gian trình diễn và tương tác lý thú, hấp dẫn, được tái tạo tại những phố cũ, quanh bảo tàng. Hoạt động ấy, xem ra phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của bảo tàng, nhưng để vượt ra khỏi khuôn viên, để nó tồn tại bền vững, để dư luận xã hội thừa nhận và để có hình thức tổ chức khoa học, bài bản, theo tôi, sự đầu tư công sức và thời gian của cán bộ, lãnh đạo bảo tàng sẽ phải vô cùng nỗ lực và việc xây dựng hẳn một đề án cho hoạt động này, có sự phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, theo tôi là cần thiết cho một chương trình hoạt động mang tính bền vững.
Nếu coi hệ thống bảo tàng Việt Nam nói riêng và Di sản văn hóa Việt Nam nói chung là những ngôi sao trên bầu trời văn hóa, thì trên khoảng không bao la ấy, có những ngôi sao tỏ, ngôi sao mờ, có những ngôi sao băng và những ngôi sao đang lên. Đó là câu chuyện thường tình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Và với tôi, xét trên mọi phương diện, qua những hoạt động ấn tượng nêu trên, thật công bằng và khách quan, Bảo tàng Nam Định là một ngôi sao đang lên trên bầu trời văn hóa ấy. Và tôi cũng tin rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban, Hội đồng nhân dân tỉnh, của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh, của các cấp, các ngành, và của chính lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Nam Định, như đã làm trong mười năm qua, chắc chắn Bảo tàng này sẽ trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa Việt Nam trong một tương lai không xa nữa ./.

T.S Phạm Quốc Quân
Nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Ủy viên Hội đồng Di săn văn hóa Quốc gia 

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập