Ngày 29/11/2024, tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng tỉnh Nam Định tham dự tọa đàm “Di sản và đổi mới phương pháp giáo dục: Vai trò của Bảo tàng và Di tích từ góc nhìn quốc tế và Việt Nam” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cùng đại diện các bảo tàng, di tích tại 24 tỉnh, thành trên toàn quốc. Đây là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức các hoạt động giáo dục di sản và xây dựng mạng lưới nghiên cứu, thực hành giáo dục di sản trong nước và quốc tế.
Tại tọa đàm có rất nhiều bài tham luận chuyên sâu, trong đó nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý nhất là bài chia sẻ của Giáo sư David Anderson - Giám đốc chương trình giáo dục bảo tàng tại trường Đại học British Culumbia (Canada) về “Các mô hình giáo dục di sản thành công trên thế giới”. Bài viết tập trung giới thiệu phương pháp tiếp cận mới “Chiến lược lấy học sinh làm trung tâm trong giáo dục di sản tại Bảo tàng”. Ngoài ra, tọa đàm còn có các tham luận đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn của đại diện các bảo tàng, di tích tiêu biểu trên địa bàn cả nước như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế,...
Nhận thức được vai trò của bảo tàng trong đời sống xã hội hiện nay, Bảo tàng tỉnh Nam Định luôn nỗ lực xây dựng, đổi mới các chương trình giáo dục, nhằm thu hút công chúng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên, góp phần kết nối, nâng cao nhận thức của giới trẻ về giá trị di sản, bồi dưỡng tình yêu và lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong việc đẩy mạnh phối hợp công tác giữa bảo tàng và các cơ sở giáo dục về đổi mới chương trình giáo dục di sản gắn liền với chương trình học tại nhà trường.
Thông qua tọa đàm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã cập nhật, chia sẻ được nhiều thông tin bổ ích về nâng cao hiệu quả hoạt động các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích. Hi vọng, trong thời gian sắp tới, với việc tiếp cận những phương pháp mới của các chuyên gia quốc tế và các bảo tàng đầu ngành, công tác giáo dục của Bảo tàng tỉnh Nam Định sẽ trở thành điểm sáng, vừa bảo đảm các mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ vừa bảo đảm được mục tiêu bảo vệ, phát huy di sản của dân tộc và là điểm đến hấp dẫn của du khách khi về Thành Nam.
Phạm Kim Yến
Phòng Trưng bày, Tuyên truyền và Giáo dục
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Toàn cảnh Tọa đàm “Di sản và đổi mới phương pháp giáo dục: Vai trò của Bảo tàng và Di tích từ góc nhìn quốc tế và Việt Nam”
Giáo sư David Anderson - Giám đốc chương trình giáo dục bảo tàng tại trường Đại học British Culumbia (Canada) trình bày tham luận tại Tọa đàm
Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trình bày tham luận tại Tọa đàm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm
Các đại biểu tham gia trải nghiệm Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám