Phía sau các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ 29/11/2018


60 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng tỉnh Nam Định luôn không ngừng đổi mới về mọi mặt và ngày càng hoàn thiện mình trong vai trò gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân về di sản văn hóa. Để đạt được những thành tựu trong các hoạt động của bảo tàng, ta đều trực diện nhìn thấy vai trò của Ban lãnh đạo, của các phòng chuyên môn nghiệp vụ trong các thành công ấy, nhưng nếu nhìn sâu và nhìn sâu hơn nữa ta sẽ thấy có sự đóng góp ẩn, hiện không nhỏ của Phòng Hành chính – Kế toán trong mọi hoạt động của Bảo tàng; điều đó được thể hiện qua từng nhiệm vụ cụ thể của phòng.
1. Công tác kế toán có nhiệm vụ giúp việc cho Giám đốc trong vấn đề tổng hợp, báo cáo các nguồn kinh phí từ đó Giám đốc có cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện các công việc cụ thể. Với trình độ chuyên môn được đào tạo kĩ lưỡng, cán bộ kế toán đã luôn đảm bảo chi tiêu đúng nguyên tắc, chế độ của nhà nước đã quy định, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ đề ra của công tác kế toán, không vi phạm các chế độ chính sách của Nhà nước đã đề ra.


Đ/c Phạm Đức Ban và đ/c Nguyễn Quang Hải đang tác nghiệp chuyên môn 

Ngoài công tác kế toán, cán bộ kế toán còn giúp Giám đốc trong việc quản lý nhân sự, đề xuất ý kiến và thực hiện chính sách, chế độ công tác tiền lương và các chế độ khác cho CBVC-LĐ theo quy định nhà nước được thực hiện nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, chính sách khen thưởng, kỷ luật và chính sách khác của nhà nước liên quan đến cán bộ viên chức lao động.
Hàng năm với nguồn kinh phí hạn hẹp nhờ luôn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nên anh, chị em đều có thu nhập tăng thêm từ nguồn kinh phí tiết kiệm được. Vì vậy, đời sống của CBVC-LĐ được đảm bảo tốt hơn, yêu cơ quan, yên tâm công tác đem lại nhiều thành tựu cho bảo tàng.
2. Công tác lưu trữ - văn thư: Bảo tàng có phòng tư liệu (tra cứu thông tin) là nơi lưu trữ các tư liệu tổng hợp với thể loại đa dạng và nội dung phong phú. Tính đến nay, có hơn 3000 tư liệu các loại gồm sách, báo, tạp chí, tài liệu, bản dập văn bia. Nội dung không chỉ liên quan đến các vấn đề lịch sử xã hội của tỉnh Nam Định mà còn có các nghiên cứu trong và ngoài nước về kiến thức chuyên ngành bảo tàng hay đơn giản là văn hóa, xã hội nói chung.
Các tư liệu đều được cán bộ thủ thư tiến hành phân loại, sắp xếp, bảo quản, lưu trữ khoa học, tiện lợi cho việc tra cứu của các cán bộ trong bảo tàng. Đây chính là nơi nghiên cứu hữu ích dành cho các cán bộ bảo tàng tích lũy thêm tri thức, học hỏi những cái hay để có thể đưa ra nhiều phương án đổi mới giúp bảo tàng ngày càng phát triển hơn.


Đ/c Đào Thị Nguyệt, Phó Trưởng phòng HC-KT tổ chức tư liệu hóa tài liệu sách

Ngoài ra, công tác văn thư chịu trách nhiệm soạn vi tính các văn bản, tài liệu theo yêu cầu của lãnh đạo, quản lý mạng internet và phần mềm ISO của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, phát hành các văn bản hành chính của cơ quan, nhanh, gọn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công việc.
3. Công tác bảo vệ, cây xanh và vệ sinh môi trường: Bảo tàng tỉnh là thiết chế văn hóa đặc thù, lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật không những có giá trị về  lịch sử văn hóa mà còn có giá trị trị kinh tế cao. Vì vậy, công tác bảo vệ cũng mang tính chất đặc thù, không giống với các cơ quan hành chính khác. Nhận thức được những vấn đề trên, lãnh đạo bảo tàng luôn quan tâm, chú trọng đến xây dựng lực lượng bảo vệ nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho cơ quan. Chính vì vậy, trải qua nhiều lần di chuyển địa điểm, kho tàng và tài liệu hiện vật luôn được đảm bảo tuyệt đối an toàn. Từ năm 2012 đến nay, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã ổn định về cơ sở vật chất trên địa bàn trung tâm thành phố có khuôn viên khá rộng lớn, xung quanh đều là nơi vui chơi công cộng đây cũng chính là vấn đề phức tạp cho những người làm công tác bảo vệ, vì vậy để đảm bảo an ninh trật tự cũng như giữ gìn được tài sản chung thì lực lượng bảo vệ có vai trò rất quan trọng. Hiện nay, tổ bảo vệ gồm 6 đồng chí bảo vệ tại hai bốt theo ca trực. Với sự làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, có trách nhiệm và luôn tuân thủ các quy định của bảo tàng nên công tác an ninh trật tự được đảm bảo. Ngoài công tác đảm bảo an ninh trật tự lực lượng bảo vệ còn tham gia công tác PCCC, công tác này hàng năm cơ quan đều phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về công tác PCCC. Để tạo cảnh quan bảo tàng còn trồng khá nhiều cây xanh, thảm cỏ để tạo không gian mát mẻ cho công chúng khi đến tham quan. Phòng Hành chính – Kế toán đã phân công hai nhân viên chuyên đảm nhiệm công tác vệ sinh và cắt tỉa, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ toàn bộ khu ngoại thất cơ quan; do đó, cảnh quan bảo tàng luôn xanh, sạch, đẹp và đây cũng là một trong những yếu tố thu hút được người dân đến với Bảo tàng.


Tổ Bảo vệ diễn tập phòng cháy chữa cháy


Lao động vệ sinh, chăm sóc cây xanh thảm cỏ

Ngoài thực hiện các nhiệm vụ chính, Phòng Hành chính – Kế toán còn phối hợp với các phòng chức năng khác giúp Giám đốc chuẩn bị và tổ chức các cuộc họp sơ kết, tổng kết, hội nghị và các cuộc họp khác hay hỗ trợ vào các hoạt động chuyên môn như sưu tầm, trưng bày, bảo quản hiện vật,...
Như vậy với chức năng, nhiệm vụ của Phòng Hành chính - Kế toán có thể nói trong sự thành công của mỗi hoạt động bảo tàng dù ít dù nhiều ta đều thấy có sự đóng góp âm thầm của phòng cho sự thành công ấy, mỗi cá nhân của phòng luôn nhận thức được trách nhiệm của mình phải cố gắng phấn đấu và hoàn thiện hơn nữa để cùng với toàn thể CBCNVC đưa sự nghiệp bảo tàng đi sâu rộng vào đời sống xã hội và được công chúng biết đến nhiều hơn nữa./. 

                                                                                                                      Phạm Đức Ban
                                                                                                                   
Trưởng phòng Hành chính- Kế toán

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập