Bảo tàng tỉnh Nam Định mở cửa khu trưng bày, trải nghiệm một số loại hình Di sản văn hóa phi vật thể 30/12/2020


Triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/1/2014; Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bảo tàng gắn với phát triển du lịch” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt tại Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL ngày 24/12/2018; Kế hoạch số 180/KH-SVHTTDL-SGDĐT ngày 08/3/2014, số 132/KH-SVHTTDLSGDĐT ngày 03/02/2016 giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định về việc phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh; Kế hoạch số 885/KH-SVHTTDL-TĐNĐ ngày 20/11/2019 giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tỉnh đoàn Nam Định về việc phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh giai đoạn 2019 – 2022. 
Bảo tàng tỉnh Nam Định xây dựng khu trưng bày, trải nghiệm một số loại hình di sản văn hóa tiêu biểu của Nam Định để phục vụ hoạt động giáo dục gồm: Biểu diễn nghệ thuật Múa rối nước; Không gian “Bếp Việt truyền thống” vùng đồng bằng Bắc bộ; Các trò chơi dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ; Trò chơi rèn luyện sức khỏe và kỹ năng vượt khó cho giới trẻ.
Ngày 28/12/2020, Khu trưng bày, trải nghiệm trên đã chính thức mở cửa phục vụ công chúng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên. Trường THCS Tống Văn Trân, thành phố Nam Định là đơn vị đầu tiên tham gia các hoạt động với 150 học sinh Khối 9. Các em học sinh náo nức phấn khởi được tham quan, trải nghiệm tìm hiểu văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ với hình ảnh lũy tre xanh, không gian thu hoạch, chế biến thóc gạo; không gian bếp truyền thống của người Việt… Tại đây các em được thử tài làm nông dân qua hoạt động xay thóc, giã gạo, sàng xảy thóc gạo, thổi cơm bằng niêu đất, làm món ăn cơm nắm muối vừng… Buổi tham quan, trải nghiệm đã mang đến cho các em nhiều điều bổ ích, lý thú, giúp các em hiểu rõ hơn về cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ xưa, từ đó khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ các di sản văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay./. 
Nguyễn Thị Thu Hường
Tổ trưởng Tổ Hướng dẫn tham quan

Một số hình ảnh tham quan, trải nghiệm của học sinh Trường THCS Tống Văn Trân tại Bảo tàng:























 
Các bài viết khác

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập