Công tác xã hội hóa hoạt động Bảo tàng 12/11/2018


Xã hội hóa hoạt động bảo tàng là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp công chúng tiếp cận di sản văn hóa một cách dễ dàng, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ khách tham quan. Trong những năm trở lại đây, Bảo tàng tỉnh Nam Định từng bước thực hiện xã hội hóa họat động Bảo tàng cụ thể: 
1. Xã hội hoá hoạt động sưu tầm, hiến tặng hiện vật:
Có thể nói từ khi “Luật Di sản văn hoá” ra đời (6/2001), xu hướng xã hội hoá trong việc bảo tồn di sản văn hoá ngày càng được mở rộng trong nhân dân. Bảo tàng tỉnh Nam Định đã tham mưu với UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định thành lập Hội Cổ vật Thiên Trường (2004) và Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật tỉnh Nam Định, đây là các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Ngay sau khi thành lập, Bảo tàng đã phối hợp với hai tổ chức này thực hiện thành công nhiều hoạt động như: đăng ký, giám định, trưng bày và hiến tặng hiện vật.




TS. Phạm Quốc Quân và TS. Nguyễn Đình Chiến giám định cổ vật cho các hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường Nam Định, năm 2004

Đến nay, Bảo tàng đã đăng ký, giám định và cấp giấy chứng nhận cho 30 hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường và Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật tỉnh Nam Định với 599 hiện vật và 02 Bảo tàng ngoài công lập với 1.095 hiện vật; tổ chức tiếp nhận hơn 15 đợt hiến tặng cổ vật do các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiến tặng với tổng số 1.037 cổ vật gồm nhiều loại hình có giá trị lịch sử, văn hóa và đây chính là nguồn sử liệu quan trọng cần được nghiên cứu, bảo quản, trưng bày để phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. 
Đến nay, Bảo tàng đã đăng ký, giám định và cấp giấy chứng nhận cho 30 hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường và Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật tỉnh Nam Định với 599 hiện vật và 02 Bảo tàng ngoài công lập với 1.095 hiện vật; tổ chức tiếp nhận hơn 15 đợt hiến tặng cổ vật do các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiến tặng với tổng số 1.037 cổ vật gồm nhiều loại hình có giá trị lịch sử, văn hóa và đây chính là nguồn sử liệu quan trọng cần được nghiên cứu, bảo quản, trưng bày để phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương.


Bảo tàng tỉnh tổ chức tiếp nhận 400 tư liệu sách do Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Nam Định hiến tặng, năm 2016

Bên cạnh đó, Bảo tàng thường xuyên tiếp nhận và sưu tầm các nguồn tài liệu, hiện vật từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp, hiến tặng tiêu biểu như tiếp nhận trên 1.000 cuốn sách nghiên cứu về di sản văn hóa các vùng miền trong cả nước của Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Nam Định hiến tặng.
Tổ chức sưu tầm hàng trăm hiện vật gồm nhiều loại hình tiêu biểu như: Các sưu tập hiện vật phục vụ trưng bày chuyên đề “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị”, nhóm hiện vật tượng, vật liệu trang trí kiến trúc tại chùa Đồi xã Yên Đồng, sưu tập hiện vật chuyên đề: Nông thôn mới, các nông, ngư, diêm cụ truyền thống và các chuyên đề làng nghề truyền thống; cùng nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh phản ánh các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh...
Đặc biệt năm 2017, ông Vũ Đình Lưu – Chủ sở hữu Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranh đã hiến tặng và bàn giao 1417 tài liệu, hiện vật là những kỷ vật, quân trang, quân dụng của người lính cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc và các tài liệu, hiện vật về thời bao cấp, đồ dùng sinh hoạt truyền thống của người Việt, được chính ông và đồng đội đã dầy công sưu tầm trong suốt những năm qua. Đây là thiết chế Bảo tàng tư nhân đầu tiên của tỉnh sau 10 năm thành lập, đến nay do điều kiện sức khỏe, việc lưu giữ, bảo quản và phục vụ công chúng gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, năm 2017, Ông và đồng đội đã nhất trí hiến tặng toàn bộ tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Nam Định lưu giữ, bảo quản và trưng bày phát huy giá trị. Đó chính là những “hiện vật biết nói” về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc vĩ đại, là nguồn sử liệu quý giá làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng.
2. Xã hội hóa hoạt động trưng bày, triển lãm:
H
àng năm, đã trở thành thông lệ cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch và Hội chợ Viềng xuân Nam Định, Bảo tàng tỉnh lại phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường và CLB UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật tỉnh tổ chức trưng bày giới thiệu di sản văn hóa thông qua các sưu tập hiện vật tiêu biểu của các hội viên, các nhà sưu tập tư nhân khu vực đồng bằng sông Hồng và gặp mặt, giao lưu cổ vật đầu xuân tại Bảo tàng. Hoạt động này nhằm giới thiệu cổ vật tinh hoa - di sản văn hóa địa phương tới đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Đây là dịp để quy tụ, thu hút các hội cổ vật, các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh với hàng ngàn người yêu thích, thưởng ngoạn cổ vật góp phần hạn chế nạn chảy máu cổ vật, quảng bá, giới thiệu các cổ vật tinh hoa tiêu biểu - di sản văn hóa của tỉnh tới đông đảo nhân dân và du khách, là tiềm năng và thế mạnh để phát triển văn hóa du lịch kết hợp văn hóa tâm linh của tỉnh Nam Định.




Bảo tàng tỉnh phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường tổ chức gặp mặt, trưng bày, giao lưu cổ vật đầu xuân

Từ năm 2012 đến nay, khi hoàn thiện nội dung trưng bày nội ngoại thất, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động trưng bày với các Bảo tàng trung ương và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân tổ chức trưng bày triển lãm lưu động trong và ngoài Bảo tàng như: Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long- Hà Nội tổ chức Triển lãm chuyên đề “Thăng Long – Thiên Trường thời đại Trần thế kỷ XIII – XIV” tại Trung tâm Hoàng Thành vào năm 2012; Phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “65 năm vang mãi lời Người” tại Bảo tàng tỉnh vào năm 2013; Phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định tổ chức thành công “Triển lãm Mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng” tại Bảo tàng tỉnh vào năm 2013; Hỗ trợ tổ chức triển lãm Tranh – Ảnh của họa sỹ Trần Trung Kỳ, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đăng Thanh - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định tại Bảo tàng vào năm 2013; Phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày lưu động “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” tại các tỉnh, thành Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Thái Nguyên vào các năm 2014, 2015; Phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Hai chị em, hai trận tuyến” tại Hà Nội và chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị” tại Bảo tàng tỉnh, năm 2015; Phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông và Sở Thông tin – Truyền thông Nam Định tổ chức trưng bày chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và Pháp lý” tại Bảo tàng tỉnh, huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy các năm 2015, 2016, 2017...


Đ/c Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định trao tặng giấy khen cho các tổ chức, cá nhân có công đóng góp, hiến tặng tài liệu hiện vật phục vụ triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị”, ngày 25/12/2015

Nam Định được Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL đồng ý là tỉnh đại diện cho các địa phương trong cả nước lập Hồ sơ khoa học “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”  trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản này, năm 2015, cùng với quá trình hoàn thiện Hồ sơ khoa học di sản, Bảo tàng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng nội dung, thiết kế ma-ket trưng bày, phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia tư vấn chuyên môn, hiến tặng hiện vật, hỗ trợ kinh phí cho công tác trưng bày. Ngày 20/10/2015, Bảo tàng tỉnh tổ chức Hội nghị tham vấn cộng đồng trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị”, đồng chí Bùi Đức Long – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định tham dự và chủ trì hội nghị, cùng các nhà khoa học; nhà nghiên cứu văn hóa đạo Mẫu; các thủ nhang, thanh đồng, đồng đền và các chủ thể văn hóa có công lưu giữ, truyền dạy và bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam. Kết quả Hội nghị là tiền đề cho Bảo tàng tỉnh thống nhất nội dung và nguồn kinh phí trưng bày theo phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm thực hiện thành công trưng bày chuyên “Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị”, điều đó góp phần quan trọng trong việc giới thiệu những nét đặc sắc, những giá trị văn hóa tiêu biểu của Tín ngưỡng thờ Mẫu trong dòng chảy lịch sử – văn hóa của dân tộc nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nói chung.
3. Xã hội hoá hoạt động bảo quản:
Trong quá trình giao lưu quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các hiệp hội trong và ngoài nước… Bảo tàng tỉnh Nam Định nhận được nhiều sự giúp đỡ về vật chất, đặc biệt những kinh nghiệm tiếp nhận, triển khai các dự án với các tổ chức nước ngoài như Quỹ bảo tồn văn hóa (AFCP) Đại sứ quán Hoa Kỳ. Ngày 30/7/2008, tại Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã vinh dự tiếp nhận dự án “Bảo tồn bộ sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng thế kỷ XVII – XIX”. Sưu tập gồm 57 hiện vật với nhiều loại hình khác nhau như: Tượng phỗng, tượng nghê, cây đèn, các mảng chạm, bộ tranh thập điện diêm vương... là các hiện vật quý có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Tại lễ ký kết, Đại sứ quán Hoa Kỳ Michael W.Michalak nhấn mạnh:“Những bảo vật lịch sử này là hiện thân cho một thời hoàng kim của thủ công mỹ nghệ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ tự hào được góp phần cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong nỗ lực bảo vệ và bảo tồn những di sản văn hóa này”. Dự án được triển khai và thực hiện trong 3 tháng (từ ngày 12/9 đến cuối tháng 12/2008). Thông qua dự án, cán bộ, viên chức Bảo tàng được học tập và nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về chuyên ngành kỹ thuật bảo quản, đặc biệt được trực tiếp làm việc với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bảo quản hiện vật bảo tàng trong nước và quốc tế. Quan trọng hơn, dự án là dịp thắt chặt mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Mỹ thông qua lĩnh vực văn hóa, đồng thời quảng bá di sản văn hóa quê hương Nam Định tới bạn bè quốc tế.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là một thiết chế hạng II trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam với các nội dung xã hội hóa hoạt động Bảo tàng, được đánh giá là một thiết chế tổ chức tốt các hoạt động bề nổi khá hiệu quả tạo mối quan hệ, gắn bó với các Bảo tàng trung ương và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. 

Trần Xuân Kiên
                                                                                                                Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định

Các bài viết khác

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập