Mô hình nhà - Bảo vật Quốc gia 20/05/2019

Bảo vật Quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. Qua 6 đợt công nhận từ năm 2012 đến 2017, cả nước có 142 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận. Trong đó, tỉnh Nam Định có 4 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là: Tượng Phật thời Lý (thế kỷ XII) lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi, Ý Yên; Thành bậc lan can thời Lý (thế kỷ XII), Mô hình kiến trúc đất nung thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc (thế kỷ XVI) lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.


Mô hình nhà thời Trần được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào ngày 25/12/2015 theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg. Đây là tài sản quý giá không chỉ đối với tỉnh Nam Định mà còn là tài sản chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mô hình nhà lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, được làm bằng đất nung, có niên đại vào thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Mô hình gồm 14 mảnh, mỗi mảnh có kích thước: Cạnh tường dài từ 12-39cm, cao: 20-27cm, mái rộng: 8-13cm, dày: 1,5-3cm. Do người dân đào được tại khu lăng Chiếng, thôn Lại Xá, xã Hiển Khánh, Vụ Bản, Nam Định năm 1973. 
Mô hình nhà gồm 14 mảnh ghép với nhau tạo thành bố cục kiến trúc “nội công ngoại quốc”, có kích thước hình chữ nhật dài 100cm, rộng 95cm. Bên ngoài là tường vây gồm 8 mảnh, kết cấu như sau: phía trước là cổng; chính giữa tường sau là một toà nhà 4 mái, mặt trước 2 bên chạm thông phong hoa văn nhánh cúc; hai bên tường mở 2 cửa, trong đó cửa bên phải có bố cục và đồ án trang trí giống như trên bộ cánh của gỗ chùa Phổ Minh. Mặt trong tường để trơn, khắc ký hiệu để lắp ghép; mặt ngoài trang trí văn hoa thị 4 cánh. Tường tạo 2 mái vát, riêng ở vị trí cổng có 4 mái. Mái lợp ngói ống và ngói mũi sen. Bên trong gồm các thành phần sau: chính giữa là cụm công trình gồm toà nhà chính hình chữ nhật 4 mái, hiên rộng, dựng 2 cột tròn 2 bên, phía trong là bộ cánh cửa trang trí hình rồng chầu giống mô tuýp trên bộ cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh. Kế tiếp là 2 dãy nhà dọc nằm ở 2 bên (dạng ống muống) vuông góc và gối một đầu lên nhà chính. Bên phải công trình chính là nhà đặt bia, bên trái là cây tháp (dạng tháp mộ) 2 tầng 4 mái lợp ngói mũi sen.
Đây là mô hình nhà nguyên gốc, được chế tác hoàn toàn bằng thủ công. Điểm độc bản ở đây ngoài việc nguyên vẹn về hình dáng, có nguồn gốc rõ ràng thì các chi tiết kiến trúc cột, trụ, xà, đấu, vì kèo…được trang trí tỉ mỉ, thiết kế tinh xảo với nhiều hoa văn chủ đạo như lá đề, hoa cúc, hình rồng mà không một mô hình nhà nào ở Việt Nam có được. Qua mô hình bước đầu giúp chúng ta hiểu thêm về kiến trúc thời Trần (có thể là kiến trúc dinh thự hoặc tôn giáo), cũng như phong cách trang trí, mỹ thuật thời Trần. Mặt khác cũng làm sang tỏ sự giao thoa văn hóa với Trung Quốc qua việc lợp ngói ống (ngói cánh sen đơn và kép thì thuần Việt, ngói ống là của phương Bắc).
Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh Nam Định còn lưu giữ một mô hình nhà thời Trần khác (gồm 15 mảnh), tìm thấy gần lăng mộ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc. Cả hai mô hình có nhiều điểm tương đồng về quy mô, hình dáng, hoa văn, niên đại và đều nằm gần lõi của Hành cung Thiên Trường xưa. Đây là những nguyên mẫu chân thực và đầy đủ nhất để hình dung ra các công trình kiến trúc thời Trần, từ đó có căn cứ để phục dựng các công trình lịch sử văn hóa thời Trần.  

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập