Bộ chân đèn và lư hương gốm men - Bảo vật quốc gia 20/05/2019

Bảo vật Quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. Qua 6 đợt công nhận từ năm 2012 đến 2017, cả nước có 142 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận. Trong đó, tỉnh Nam Định có 4 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là: Tượng Phật thời Lý (thế kỷ XII) lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi, Ý Yên; Thành bậc lan can thời Lý (thế kỷ XII), Mô hình kiến trúc đất nung thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc (thế kỷ XVI) lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.


Bộ chân đèn và lư hương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào đợt 2 ngày 30/12/2013 theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg. Bộ chân đèn và lư hương được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, làm bằng chất liệu gốm men, sưu tầm tại Đình Cự Trữ và Chùa Cổ Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh.
Chân đèn có kích thước: Đkm 17cm; Đkđ 21,2cm; Cao 76cm. Dáng thon cao, gồm 2 phần cổ và thân ghép với nhau. Cổ đèn hình trụ tròn nhỏ cao, miệng loe, hai bên đắp 2 tai hình rồng có cánh để mộc chạy dọc cổ, đầu hướng xuống dưới. Phần trang trí nổi không men gồm các hoa văn rồng, phượng, hoa thị 4 cánh, lá đề, rồng trong cánh sen, chữ Hán “Phật” và hoa văn hình học; kết hợp vẽ lam đề tài rồng, phượng. Thân đèn có vai ngang, thân nở, eo thon, chân đế cao loe rộng, đắp nổi hình một con rồng không men, đầu hướng vào dòng chữ Hán khắc chìm theo chiều dọc với nội dung “Hưng Trị tam niên bát nhị thập nhật tạo” (興 治 三 年 八 二 十 日 造) chế tạo ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590). Phần thân đèn sát chân đế tạo một băng cánh sen vuông đầu, lòng để mộc trang trí nổi hoa văn. Ngoài ra còn nhiều loại hoa văn như lá đề, hoa cúc, hoa sen, mây và hoa văn hình học trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi để mộc, đắp nổi phủ men nâu, kết hợp vẽ lam xanh dưới men trắng.
Lư hương có kích thước: Đkm 20cm; Đkđ 20cm; Cao 40,4cm. Gồm 2 phần chồng lên nhau. Phần trên giống một bát hương độc lập có miệng bằng loe, cổ hình trụ, thân phình gắn 4 chân hình đầu thú uốn cong ra ngoài Trang trí đắp nổi kết hợp vẽ lam các loại hoa văn hoa cúc, hoa chanh, hoa sen, lá đề, rồng trong ô, lân, ngựa có cánh, mặt hổ phù, mây và hoa văn hình học. Phần đế giống chiếc hồ lô trong đó thân trên dáng búp sen, thân dưới hình trụ tròn, cổ nhỏ ngắn, vai nở, đế loe tô son nâu. Ngoài phần trang trí nổi không men hình rồng trong ô, trên chân lư hương còn khắc chìm 27 dòng chữ Hán cho biết người chế tạo lư hương là Đỗ Xuân Vi, xã Bát Tràng chế tạo vào ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590) và tên các tín đồ cúng lư hương vào chùa Thanh Quang.
Bộ chân đèn và lư hương là những hiện vật gốc độc bản về số lượng, hình thức, đề tài trang trí, phong cách nghệ thuật, niên đại tuyệt đối…Đối với chân đèn, đến thời điểm này là hiện vật duy nhất thời Mạc ở Việt Nam có đầy đủ các bộ phận hợp thành, hoàn thiện về hình thức. Và lư hương cũng là tiêu bản duy nhất có hình thức, hoa văn trang trí cầu kỳ tinh xảo  khác xa với các lư hương thời Mạc. Điều độc đáo, ẩn chứa nhiều giá trị còn ở chỗ tuy hai hiện vật có nguồn gốc khác nhau nhưng đều được sản xuất cùng ngày 20/8/1590. Căn cứ vào hoa văn trang trí (với 258 chữ Hán), đặc điểm hình dáng, nhất là niên đại tuyết đối ghi trên hiện vật không chỉ là cơ sở quan trọng để nhận biết phong cách tạo hình, nghệ thuật trang trí đặc trưng của thời Mạc thế kỷ XVI, mà còn là cơ sở để đối chiếu, so sánh, xác định niên đại cho các hiện vật cùng thời cũng như những hiện vật sản xuất trước và sau đó./

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập