Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10/05/2019


1. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hay Tín ngưỡng thờ Mẫu, Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Đạo Mẫu, một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư  tịch, huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trân, làm người rồi quy y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân các vùng Tây Bắc, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam. Trong đó, những người thực hành là thủ nhang, pháp sư, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu. Họ gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các phủ, điện Thờ Mẫu.
Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu. Thánh Mẫu Liễu Hạnh còn được thờ tại nhiều đền, phủ lớn như Phủ Tây Hồ (TP.Hà Nội), đền Sòng (tỉnh Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (tỉnh Lạng Sơn),… Hiện nay, Tín ngưỡng thờ Mẫu lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước.
2. Các thực hành của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ bao gồm cúng lễ, Nghi lễ Chầu văn (Hầu đồng), lễ hội… Trong đó Nghi lễ Chầu văn và lễ hội là những thực hành cơ bản nhất, thu hút đông đảo cộng đồng tham dự. Tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), Lễ hội Phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên) diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng Ba âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh và nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt, mong ước đất nước thái bình…
3. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, phản ánh thái độ ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. 
Các thực hành trong Tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Tình yêu mẹ trở thành nguồn cội gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, thiên nhiên, góp phần cố kết nhân tâm, ổn định và phát triển xã hội. Qua các thực hành nghi lễ của Tín ngưỡng giúp ta nhận thức về Mẫu (Mẹ), đó là biểu tượng về người phụ nữ Việt Nam điển hình với những phẩm chất tốt đẹp, được linh thiêng hóa thành Tiên, Phật, Thánh. 
Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Các vị thần trong điện thờ Mẫu là những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại được lịch sử hóa thành những người có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí… Điều này có ý nghĩa trong việc giáo dục nhân cách, cổ vũ, ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ.
Tín ngưỡng còn thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, với tính cởi mở của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nên mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Tín ngưỡng còn thể hiện khả năng tiếp thu, tích hợp và bản địa hóa nhiều yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo khác như thờ cúng Tổ tiên, Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và văn hóa các dân tộc thiểu số như người Mường, Tày, Nùng, Dao…thể hiện giao lưu, dung hòa, khoan dung văn hóa, mối quan hệ bình đẳng gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nó trở thành biểu tượng đa dạng văn hóa trong sự thống nhất, góp phần vào sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của nhân loại.
Giá trị của tín ngưỡng còn thể hiện ở những sáng tạo văn hóa dân gian. Các thực hành của Tín ngưỡng là điều kiện để tích hợp và bảo tồn nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống như: âm nhạc, trang phục, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực,… Đó cũng là phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Đặc biệt, Tín ngưỡng còn sản sinh ra loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo là Chầu văn, một loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc của dân tộc và nhân loại.
4. Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Tuy nhiên cũng cần nhận thức rõ, UNESCO vinh danh di sản không ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng mà chỉ ở những thực hành liên quan đến di sản. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, có giá trị nhân văn, tiến bộ mà nhân loại đang hướng tới. Hiện nay, một bộ phận công chúng chưa hiểu đúng, đánh đồng hoặc coi di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO vinh danh là Diễn xướng Hầu đồng. Hầu đồng hay lên đồng chỉ là một thành tố của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Bên cạnh đó còn có các thực hành khác gồm nghi lễ thờ cúng, hoạt động lễ hội với các nghi lễ rước Thỉnh kinh, Xếp chữ, các hoạt động văn hóa truyền thống trong lễ hội, sự tham gia sinh hoạt cộng đồng tìm hiểu và thực hành, sáng tạo các giá trị văn hóa liên quan đến di sản. Đó là sự tích hợp rất nhiều biểu hiện và giá trị văn hóa. Hơn nữa, thực hành nghi lễ lên đồng trong thời kỳ kinh tế thị trường bùng phát và có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa xã hội. 
5. Sau khi di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại nhiện của nhân loại(1/12/2016), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động bao gồm: xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ vinh danh và đón bằng UNESCO, xây dựng chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá giá trị của di sản.

Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được vinh danh ở tầm quốc tế là niềm tự hào của cộng đồng thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu và của cả dân tộc Việt Nam, khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc./.


Tổng hợp, biên tập
Nguyễn Thị Thu Hường
Bảo tàng tỉnh Nam Định


Bà Susan Vize - Quyền trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam 
trao bằng UNESCO ghi danh “ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" 
cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nam Định


Nghi lễ rước thỉnh kinh trong Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định


Xếp chữ “An” (Quốc thái dân an) trong Hội hoa trượng, Lễ hội Phủ Dầy, 
xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định


Rước đuốc trong Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản.



Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập