Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội đền chùa Linh Quang, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định 07/02/2020


1. Lễ hội đền chùa Linh Quang, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định là loại hình lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùa xuân, tháng ba âm lịch. Chủ thể văn hóa của lễ hội là cộng đồng dân cư các thôn Phú Ninh, Hợp Thịnh 1, Hợp Thịnh 2, Hợp Hòa và vào các năm Dần, năm Thân, thêm người dân thôn Cổ Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Nhân vật thờ của lễ hội đền chùa Linh Quang là nữ tướng Xuân Nương, con của Trưởng châu Đại Man thời Hùng Vương, được Bà Trưng phong làm Đông cung công chúa, nhập nội Trưởng quản quân cơ nội các.
Theo truyền thuyết vùng Trực Ninh tỉnh Nam Định, khi bị giặc Hán bao vây, tướng Thi Bằng (em trai của tướng Thi Sách), phu quân của bà đã ngã xuống. Nữ tướng Xuân Nương đã cùng đội quân anh dũng tiếp tục chiến đấu chống lại quân giặc. Song do lực lượng quá chênh lệch, nữ tướng đã gieo mình xuống dòng sông Thao (khu vực huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), thân xác trôi dạt về sông Ninh Cơ, được người dân vớt lên an táng, lập đền thờ. “Thân bà cùng với cỏ cây/Dạt trôi về với đất này Linh Quang/Dân vạn chài đưa vào Cồn Phú/Sau cơn mưa bà hóa về trời/Hương dân thương nhớ khôn nguôi/Lập đền thành kính nhớ người vì dân…/Đất Tam Nông là nơi phát tích/Hồng Hà giang tuẫn tiết trẫm mình/Nguyện rằng giữ trọn đạo trung/Phú Ninh Phương Để gửi thân Thánh Bà…”. Mộ của nữ tướng Xuân Nương hiện ở xã Phương Định, huyện Trực Ninh. Tâm thức người dân ở đây luôn nhớ “Trưng triều hiển thánh đệ bát vị Nhập nội Trưởng quản quân cơ đông cung Xuân Nương công chúa đại vương. Vì thế, hàng năm người dân mở hội đền chùa Linh Quang tưởng nhớ nữ tướng Xuân Nương .

2. Diễn trình lễ hội bắt đầu bằng việc gói bánh chưng, bánh dày. Mở đầu là tế nhập tịch, tế hiến sinh, sau là nghi lễ rước du cấp thủy độ hà. Từ đền, đoàn rước đi lên Mom Rô ngã ba sông lấy nước. Các nhà sư tụng kinh Phật và làm nghi lễ. Trên sông, bô lão thả cá chép phóng sinh, phóng noãn (32 quả trứng sống), ném gạo muối rồi thả chiếc vòng dây mây cuốn vải điều đỏ xuống mặt nước giữa sông để lấy nước tinh sạch vào lộc bình rước về làm lễ mộc dục tượng thánh và thờ cúng quanh năm tại bản đền. Đến tối hôm ấy là lễ phát du, dàn kiệu gồm 19 chiếc kiệu được dân làng xếp thành hàng, rước quanh làng trong tiếng hô vang, tiếng trống, chiêng, dàn bát âm… tạo ra sức cuốn hút cho đám rước. Những gia đình, ngõ xóm hai bên đường đều bày mâm lễ vật thành kính hướng đến Thánh Bà/nữ tướng Xuân Nương. Điểm cuối của lễ phát du, đoàn rước về qua mộ nữ tướng, thắp những nén hương, như trình bẩm Bà, rước Bà về cung. Cây đình liệu cao hơn 10m được thắp bùng lên ngọn lửa tỏa sáng một vùng, gợi nhớ về thuở xa xưa những nữ binh, tướng tài của Trưng Vương hành quân giết giặc trong đêm. Rồi tượng Thánh Bà/nữ tướng Xuân Nương được rước về sân chùa, để an vị nơi hậu cung ngôi đền khang trang và linh thiêng.

Trong lễ hội, cùng với các nghi thức tế lễ là các trò chơi dân gian khá phong phú. Ký ức của các bô lão ở đây còn nhớ gắn bó với lễ hội đền chùa Linh Quang có từ xưa như cờ tướng, cờ người, leo cầu, đấu vật, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt lợn, bắt vịt, kéo co, bơi trải. Theo lời một bô lão ở làng, năm 1921 hội đền chùa Linh Quang còn bơi trải ngồi. Những chiếc trải to có 16 tay chèo, trải nhỏ có 8 tay chèo, khác với bơi trải cạn của lễ hội chùa Lương Hàn, xã Việt Hùng cùng huyện. 

3. Là một di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội đền chùa Linh Quang tồn tại trong sinh hoạt dân gian tại xã Phương Định tự nhiều đời. Người dân coi đây là vốn quý, là truyền thống mà các dòng họ khai trại lập làng để lại cho thế hệ hôm nay. Trên lát cắt đương đại, lễ hội đền chùa Linh Quang góp phần hoàn thiện bức tranh tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng và các tướng ở vùng châu thổ sông Hồng và các chi lưu. Điểm hấp dẫn của lễ hội tại xã Phương Định, huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định lại là lễ hội mang bản sắc một vùng sông nước, giáp biển. Nam Định là một tỉnh thuộc châu thổ sông Hồng, các tướng thời Hai Bà Trưng, cả nam tướng và nữ tướng được thờ cúng nhiều nơi. Vì thế, lễ hội đền chùa Linh Quang có giá trị lịch sử, bởi lễ hội này khẳng định ký ức về một thời lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của người Việt: thời Hai Bà Trưng, lịch sử người Việt đầu công nguyên. Sự thờ cúng nữ tướng Xuân Nương là sự tưởng niệm lịch sử của người dân không ở vùng quê nữ tướng sinh ra. Chiến đấu chống giặc Nam Hán, nối tiếp lịch sử trong một không gian văn hóa - lịch sử mới. Đồng thời, tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống tích hợp tại đền chùa Linh Quang cũng khẳng định vai trò của nữ tướng trong sự nghiệp chống Hán của Hai Bà Trưng và người dân đất Việt. Tục thờ cúng nữ tướng Xuân Nương ở vùng trung du: xã Hương Nha, Hương Nộn, Tam Cường, Tự Cường, Tiền Áo, Gia Áo huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (quê hương của đức Thánh) đã gắn kết với tục thờ cúng nữ tướng Xuân Nương tại xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (quê gốc của nữ tướng Xuân Nương) đã cử đại biểu về tham dự lễ hội, đưa nghệ nhân hát Xoan về hát trình Thánh Bà và giới thiệu nghệ thuật hát Xoan tới người dân vùng biển, một di sản đã được UNESCO vinh danh trong Danh mục các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mặt khác, tín ngưỡng lễ hội đền chùa Linh Quang, xã Phương Định giàu giá trị văn hóa. Không kể những trò diễn, trò chơi quen thuộc với các lễ hội vùng châu thổ Bắc Bộ như ra sông lấy nước làm lễ mộc dục, gói bánh chưng, giã bánh dày, rước kiệu bay, tổ chức những trò chơi như leo cầu, bịt mắt đập niêu, bắt vịt, kéo co, bơi trải v.v…, tín ngưỡng lễ hội đền chùa Linh Quang có giá trị văn hóa sâu sắc. Đó là người dân nơi đây tái tạo/sáng tạo huyền thoại về nữ tướng Xuân Nương ở vùng đất mới (so với vùng đất trung du cội nguồn): mô típ trôi dạt thi thể các vị sinh vi danh tướng tử vi thần được sử dụng để sáng tạo huyền thoại – nói cách khác, đây là phương cách người dân linh thiêng hóa nhân thần. Trong lễ phát du, bao giờ dân làng cũng rước kiệu qua mộ Thánh Bà/nữ tướng Xuân Nương. Không thể không nhắc đến số lượng kiệu được người dân đền chùa Linh Quang đã bảo vệ, giữ gìn mấy trăm năm qua. Hiện nay, tổng số kiệu tại cụm di tích lên tới 32 chiếc (cả cũ và mới), trong đó chia thành 16 loại bao gồm: Kiệu hương, kiệu hoa, kiệu rước nước, kiệu sắc thần, kiệu hội đồng bách thần, kiệu thành hoàng 1, kiệu thành hoàng 2, kiệu ông Thi Bằng, kiệu long chu, kiệu thập bộ thần quan, kiệu thánh Bà/ nữ tướng Xuân Nương, kiệu thánh Mẫu Liễu Hạnh, kiệu thánh mẫu Lê Mại, kiệu Mẫu Thoải, kiệu Tổ chùa. Theo lệ xưa, cứ vào các năm Dần, năm Thân, dân làng Phú Ninh và Cổ Chất tổ chức mở hội rước chung. Các năm Tỵ, Hợi luân phiên mở hội rước riêng thờ thánh. Trong một năm theo lịch trăng, các kỳ dịp tế, lễ tại đền và chùa Linh Quang đều được tổ chức trọng thể với tinh thần nhắc nhớ về lịch sử, tưởng niệm lịch sử là những sáng tạo văn hóa của các thế hệ người dân khiến tín ngưỡng - lễ hội thờ thánh Xuân Nương tại xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định có những giá trị riêng biệt, giá trị của sự kết hợp hài hòa giữa tôn giáo và tín ngưỡng của người dân luôn hướng về nguồn cội.

Từ những giá trị về lịch sử, văn hoá của lễ hội đền chùa Linh Quang, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định,  Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có
Quyết định số 256/QĐ-BVHTTDL, ngày 22/01/2020 đưa di sản văn hoá phi vật thể “Lễ hội đền chùa Linh Quang”, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cộng đồng địa phương và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá dân tộc./. 

    Tổng hợp, biên tập 
Nguyễn Thị Thu Hường


Một số hình ảnh về lễ hội đền chùa Linh Quang xã Phương Định, huyện Trực Ninh

 


Tam quan cũ của chùa Linh Quang



Ban thờ nữ tướng Xuân Nương trong chùa Linh Quang



Rước tượng nữ tướng Xuân Nương chuẩn bị lễ rước



Lễ rước phát du trong lễ hội đền chùa Linh Quang



Chuẩn bị kiệu rước trong lễ hội đền chùa Linh Quang



Nghi lễ lấy nước thiêng trong lễ hội đền chùa Linh Quang


 

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập