Bảo tàng tỉnh Nam Định tiếp nhận tài liệu, hiện vật của ông Hoàng Chương Dương - Dũng sĩ diệt cá sấu 14/08/2023


Chiều ngày 10/8/2023, Bảo tàng Nam Định tổ chức Hội nghị tiếp nhận tài liệu, hiện vật của ông Hoàng Dương Chương, nguyên giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định - dũng sĩ diệt cá sấu tại Rừng Sác trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiến tặng. Tài liệu, hiện vật bao gồm: Tiểu sử và chiến công của ông Hoàng Dương Chương; Ảnh tượng dũng sĩ diệt cá sấu Hoàng Dương Chương tại chiến khu Rừng Sác, Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh); Huy hiệu của Trung đoàn 10 Đặc công Chiến khu Rừng Sác; Báo Nhân dân viết về ông Chương trong trận chiến trên sông Lòng Tàu tháng 5 năm 1966; Sách “Lịch sử Trung đoàn 10 Rừng Sác anh hùng (1966 - 2014)”. Tham dự Hội nghị có ông Trần Minh Oanh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Luật gia Nam Định, nguyên Viện trưởng Viện kiểm soát tỉnh Nam Định, ông Hoàng Dương Chương cùng đại diện gia đình. Về phía Bảo tàng tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Thư - Giám đốc, các đồng chí trong ban lãnh đạo và đại diện các phòng ban chuyên môn.


Đồng chí Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Ông Hoàng Dương Chương, quê ở Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Vừa tốt nghiệp (năm 1963), ông Chương tình nguyện nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân và được phân về làm Thuỷ thủ Tầu tuần tiễu T122 khu tuần phòng I Hải quân Nhân dân Việt Nam. Sau một thời gian, ông được tuyển về đơn vị huấn luyện quân đặc biệt tinh nhuệ, đặc công nước. Sau khoá huấn luyện, ông lên đường vào Nam chiến đấu. Ông cùng đơn vị Đội 1 Đoàn 10 đặc khu Rừng Sác đã đánh chìm, đánh cháy nhiều tàu chiến Mỹ - ngụy trên vùng sông Lòng Tàu và Ông Kéo, Đồng Tranh ở cửa ngõ cảng Sài Gòn. Năm 1966, trong một lần đi trinh sát địch ở sông Lòng Tàu để chuẩn bị cho trận đánh lớn, xuồng của ông bị biệt kích Mỹ bắn chìm. Ông bị thương ở phần mềm khuỷu tay trái và rách da cánh tay phải do bị trúng đạn nhưng vẫn tiếp tục bơi vào rạch Chàm. Khoảng 2 giờ sáng, trong lúc đang bơi thì cá sấu từ phía sau lao tới đớp vào lưng và cả hai cánh tay ông nằm trọn trong miệng cá sấu. Ông đã chùng chân xuống, lấy thế, dùng hết sức đạp mạnh đẩy người lên, cá sấu tưởng mất mồi há miệng xốc con mồi, vậy là cánh tay trái của ông giật ra khỏi miệng cá sấu. Ông lập tức lấy tay móc mắt, cá sấu há miệng táp lại mồi, tay phải ông giật ra khỏi miệng cá sấu, đồng thời rút dao găm bên hông đâm chí mạng vào lỗ mũi cá sấu. Lúc này cá sấu lại há miệng, ông bật người ra khỏi miệng cá sấu, chòi lên bờ, ngoái người nhìn lại thấy cá sấu đang quạt nước há miệng lao tới, nhanh như cắt, ông rút lựu đạn ném vào miệng cá sấu. Sau đó, ông mệt nhoài và thiếp đi đến khi đồng đội tìm thấy đưa về bệnh xá cứu chữa, băng bó vết thương.


Đ/c Nguyễn Văn Thư tiếp nhận tài liệu, hiện vật của ông Hoàng Dương Chương hiến tặng Bảo tàng tỉnh

Chiến công nào không đi liền với sự hy sinh. 10 năm bám trụ, sống chiến đấu ngay cạnh sào huyệt của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác cũng phải chịu những thiệt hại vô cùng to lớn. Bên cạnh bom đạn ác liệt và chất độc hóa học, cá sấu Rừng Sác đã trở thành một mối nguy hiểm thực sự. Ngoài việc hy sinh vì bom đạn của kẻ thù, hàng chục chiến sĩ đã bị thương và hy sinh do cá sấu rừng Sác. Chiến sĩ Hoàng Dương Chương, chiến sĩ Lương Đình Mướt, chiến sĩ vệ binh Mười Mót là những người đã phải đối mặt và thoát khỏi hàm răng cá sấu.


Ông Trần Minh Oanh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, lãnh đạo Bảo tàng chụp ảnh kỷ niệm cùng ông Hoàng Chương Dương

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người chiến sĩ đặc công Hoàng Dương Chương được tặng các danh hiệu “Dũng sĩ diệt cá sấu”, “Dũng sĩ diệt Mỹ, đánh tàu chiến”; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Hai và hạng Ba, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Trên mặt trận văn hóa, ông được nhận nhiều huy chương như: Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin, Vì sự nghiệp Công đoàn, Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ. Giờ ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng người chiến sĩ đặc công năm nào vẫn miệt mài tham gia nghiên cứu các công trình khoa học, lịch sử. Những tài liệu, hiện vật mà ông Hoàng Dương Chương hiến tặng cho Bảo tàng ngoài ý nghĩa bổ sung thêm hiện vật Bảo tàng, còn góp phần thúc đẩy phong trào xã hội hóa các hoạt động của Bảo tàng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa quê hương, dân tộc.
Trần Thị Ngọc Thủy
Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập