Di tích lịch sử - văn hóa Cột cờ Nam Định 13/03/2020


Dưới triều Nguyễn, Nam Định là một trong số các địa phương của cả nước được triều đình cho xây thành và dựng Cột Cờ. Cột Cờ (còn gọi là Kỳ đài) nằm ở trung tâm thành cổ Nam Định, phía trước điện Kính Thiên (nay là chùa Vọng Cung) được khởi dựng năm Nhâm Thân niên hiệu Gia Long 11(1812) đến năm Quý Mão niên hiệu Thiệu Trị 3(1843) thì hoàn thành. 
Trong 2 lần thực dân Pháp đánh chiếm Thành Nam vào các năm 1873, 1883, Cột Cờ là nơi diễn ra những trận chiến đấu kiên cường của quân và dân Thành Nam, nhiều người con của quê hương đã anh dũng hy sinh, trong đó có anh hùng liệt nữ Nguyễn Thị Trinh. Sau khi mất, Bà được vua Tự Đức, Thành Thái phong tặng làm “Tiết liệt anh phong Giám thương công chúa” (Công chúa coi kho), nhân dân Thành Nam suy tôn là Bản Cảnh Thành Hoàng Bạch Hoa Công Chúa và lập miếu thờ tại Kỳ đài.


Ban thờ Tiết liệt anh phong Giám Thương Công chúa tại Di tích LSVH Cột Cờ Nam Định

Năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên “Kỳ đài” khẳng định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Trong kháng chiến chống Mỹ, Cột Cờ là nơi đặt trạm quan sát và trực chiến của tự vệ nhà máy Liên hợp Dệt. Vào 12 giờ 5 phút ngày 02/07/1965, máy bay Mỹ đánh phá thành phố, ném bom phá hủy một góc Cột Cờ. Ngày 11/06/1972 trong đợt oanh kích thành phố, không quân Mỹ đã rải bom làm sập toàn bộ công trình kiến trúc quan trọng này. Năm 1997, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng thành phố Nam Định (1954-1997), Cột Cờ được phục dựng lại theo đúng nguyên trạng.


Cột Cờ Nam Định được phục dựng năm 1997

Cột Cờ tọa lạc trong khuôn viên có diện tích 1.800m2, chiều cao tổng thể công trình là 23,84m gồm 03 phần: bệ, thân và vọng lâu. Phần bệ gồm 2 tầng có mặt bằng hình vuông, xung quanh xây lan can. Tầng 1 cao 2,4m, cạnh dài 16,32m; phía đông và tây xây 2 cầu thang dẫn từ sân lên tầng 2. Tầng 2 cao 3,10m, cạnh dài 11,42m, phía đông và tây trổ 2 cửa vòm tiếp với cầu thang tầng 1 đi vào trong nơi đặt bàn thờ Công chúa Giám Thương và các anh hùng liệt sĩ. Thân đài và vọng lâu cao 18,34m, xây hình bát giác, mỗi cạnh rộng 2,2m, thu nhỏ dần lên trên. Phía nam trổ 1 cửa vòm đi vào trong thân Cột Cờ, trên cửa còn gắn bia đá khắc chữ Hán “Kỳ Đài” và “Thiệu Trị tam niên phụng tạo” có nghĩa là Cột Cờ được tạo dựng hoàn thành năm Thiệu Trị thứ 3 (1843). Trên thân có 36 ô thông gió, trong tạo 54 bậc xoáy ốc dẫn lên đỉnh. Vọng lâu hình trụ tròn, có 4 cửa quay 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.


Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh tham quan trưng bày tại di tích LSVH Cột Cờ Nam Định, năm 2013

Với ý nghĩa lịch sử và giá trị kiến trúc, ngày 28/04/1962 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) có Quyết định số 313-VH/VP xếp hạng Cột Cờ Nam Định là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 04/07/1997 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa.
Ngày 9/5/2011, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 701/QĐ-UBND điều chuyển Di tích Cột Cờ Nam Định cho Bảo tàng tỉnh thuộc Sở VHTTDL tiếp nhận, quản lý và phát huy giá trị. Tại đây, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức trưng bày một số tư liệu, hình ảnh về “Thành Nam xưa”, góp phần giáo dục về truyền thống lịch sử văn hóa của Thành Nam, Nam Định – một vùng đất văn hiến và cách mạng. 

Nguyễn Thị Đông
Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm

 

 

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập