Di tích LSVH Quốc gia Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh 27/07/2021


Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh tọa lạc tại dong 7, thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia từ ngày 15 tháng 10 năm 1994, theo Quyết định số: 2754QĐ/BT. Đây là ngôi nhà được Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng xây dựng vào năm Nhâm Dần, niên hiệu Thành Thái 4 (1902) cho con trai cụ là ông Đặng Xuân Viện. Đồng chí Trường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện, được sinh ra, lớn lên rồi xây dựng gia đình cũng chính tại ngôi nhà này.
Đồng chí Trường Chinh (1907 - 1988), tên thật là Đặng Xuân Khu - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Với cương vị là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… đồng chí đã đóng góp công sức to lớn trong việc đề xuất con đường cách mạng giải phóng dân tộc, cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đề xướng công cuộc đổi mới. Vai trò của đồng chí đặc biệt nổi bật trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 và công cuộc đổi mới năm 1986. Đồng chí Trường Chinh còn là nhà lý luận cách mạng, nhà thơ, nhà báo, nhà văn hóa lớn. Với tác phẩm “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943”, đồng chí là người đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam theo phương châm: dân tộc, khoa học và đại chúng. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Chân dung Đồng chí Trường Chinh (1907-1988)

Ghi nhận công lao và vinh danh đồng chí Trường Chinh, Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương cao quý nhất - Huân chương Sao Vàng. Tên đồng chí được đặt cho nhiều đường phố trên khắp mọi miền đất nước. Tại quê hương Hành Thiện, Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh luôn được Nhà nước và Nhân dân bảo vệ, phát huy giá trị.
Nhà lưu niệm vốn là nhà ở của gia đình đồng chí Trường Chinh. Tại đây, ông nội cùng thân phụ đồng chí đã viết và để lại những tác phẩm có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: lịch sử, văn học, triết học, địa lý, xã hội học… Ngôi nhà còn là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh suốt từ năm 1928 đến thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Nơi đây có thời kỳ là cơ sở in tài liệu, sách báo tuyên truyền phục vụ cách mạng. Đồng thời còn là nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà. Ngày nay, Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh vừa là nơi đón tiếp các đoàn  khách cùng nhân dân đến thăm viếng, vừa là nơi tuyên truyền, giáo dục tinh thần, truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng của quê hương.

Nhà lưu niệm Đồng chí Trường Chinh

Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh (nhà thờ) cùng nhà khách (nhà trưng bày), nhà lợp bổi, sân, vườn, ao nước và các công trình phụ trợ khác tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 2000m2, được bao bọc bởi hệ thống tường hoa, dậu trúc và cổng ra vào làm khá công phu. Khu nhà mang những nét đặc trưng của nhà ở truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nhà lưu niệm quay hướng nam, gồm 05 gian với bộ khung gỗ lim, vì kèo kiểu “thượng chồng rường hạ bẩy kẻ”, mái lợp ngói nam, hệ thống tường hồi, tường hậu được xây gạch thất, mang phong cách cổ truyền của dân tộc. Hai bức vách thuận phân cách ba gian phòng khách với hai buồng phía đông, phía tây. Trước đây, bức thuận có ngưỡng cao, lắp cánh cửa ô, năm 1944 được thay bằng cánh cửa quân bài và hệ thống ngưỡng cũng được hạ thấp tạo nên không gian rộng rãi.
Trong không gian Nhà lưu niệm, lưu giữ nhiều hiện vật gắn bó, liên quan đến đồng chí Trường Chinh và gia đình như: giường ngủ, bàn ghế, tủ sách, khung cửi…. Các hiện vật được sắp xếp và bài trí ngăn nắp, khoa học. Gian chính giữa nhà khách,  treo bức đại tự “Ngọc kỳ âm” (trong sáng, ngân vang như tiếng ngọc) do nhà báo Đông Pháp tặng năm 1928, phía dưới treo ảnh thân phụ, thân mẫu và ảnh của đồng chí Trường Chinh. Trên ban thờ đồng chí và thân phụ, thân mẫu, bố trí đồ thờ tự đơn giản, tôn nghiêm. Hai bên ban thờ đặt tủ sách của cụ Đặng Xuân Viện. Giữa nhà kê bộ bàn tròn, ghế tựa. Gian bên đông treo bức ảnh đồng chí Trường Chinh chụp năm 47 tuổi, đang là Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Sát tường kê một chiếc trạn cổ, phía ngoài kê giường “bình khung” trước kia thân mẫu của ông thường nằm. Gian bên tây, giáp tường kê tủ sách cổ, giường, trên vách thuận treo ảnh đồng chí Trường Chinh cùng vợ và tấm bằng “Có công với nước”. Ngoài ra, tại ba gian phòng khách còn treo các câu đối ca ngợi dòng dõi tài năng, thanh cao của gia đình cùng tranh ảnh, bản đồ ba nước Đông Dương bằng vải… Tại buồng phía đông có ban thờ chị gái đồng chí Trường Chinh, kê một giường nhỏ cổ thấp, bên ngoài đặt khung vải dệt tay. Buồng bên tây, là buồng cưới của đồng chí Trường Chinh, kê giường khung khách và tủ đứng đựng đồ đạc tư trang.
Năm 1981, gia đình ông Đặng Xuân Tiết (bác ruột đồng chí Trường Chinh), đã nhượng lại ngôi nhà gỗ 05 gian cùng dãy, liền sân, chung cổng, ở phía tây Nhà lưu niệm để địa phương làm nhà khách, đồng thời là nhà trưng bày những tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trường Chinh. Ngôi nhà này cũng làm bằng gỗ lim, kiến trúc kiểu mê cốn, kẻ bẩy, lợp ngói nam.
Nhà bổi nằm vuông góc với Nhà lưu niệm, quay hướng tây, gồm 05 gian, vì gỗ đơn giản, hoành, dui bằng luồng, mái lợp rạ dày 30 cm, liên kết chính bằng cốt tre và dây mây. Tường nhà xây gạch đơn, trát vữa, quét vôi trắng, nền lát gạch chỉ.
Trước đây, để bảo tồn những giá trị lưu niệm đầu tiên về cuộc đời cách mạng của đồng chí Trường Chinh, ngay từ năm 1963, sau khi gia đình đồng chí đi khu IV sơ tán, ngành văn hóa Nam Định đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu ngôi nhà, từng bước tu sửa những nơi bị hư hỏng. Từ đó đến nay, Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh luôn được ngành Văn hóa, chính quyền các cấp cùng nhân dân địa phương quan tâm, bảo tồn với nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đặc biệt tu sửa lớn vào những năm 2002, 2019. Khu di tích ngày càng khang trang, xứng đáng với tầm vóc người lãnh đạo tài đức của Đảng và Nhà nước, là địa chỉ đỏ của Quốc gia, là một trong những điểm thu hút khách tham quan của tỉnh Nam Định. Nơi đây, hàng năm đón hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo, chính khách, các đoàn thể, tổ chức, nhân dân đến thăm viếng.
Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh cùng với Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ, xã Nam Vân, thành phố Nam Định; Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phúc, Nhà tưởng niệm đồng chí Thượng tướng Song Hào, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản; Nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu… tạo thành hệ thống các di tích lịch sử thời đại Hồ Chí Minh trên quê hương Nam Định, phục vụ nhân dân cùng khách tham quan, nghiên cứu, đồng thời cũng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh nhà. 
Trần Việt Anh
Trường phòng Nghiệp vụ Di tích 


 

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập