Tổ chức các hoạt động giáo dục - Một điểm sáng của Bảo tàng tỉnh Nam Định 24/04/2019


 1Công tác giáo dục là một hoạt động quan trọng của bảo tàng, được coi là đầu ra trong quá trình nghiên cứu khoa học của bảo tàng nhằm cung cấp tri thức cho công chúng một cách dễ hiểu, xác thực về lịch sử, văn hóa của dân tộc và địa phương. Nhận thức được vai trò của bảo tàng trong đời sống xã hội hiện nay, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã xây dựng chương trình đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến với bảo tàng. Theo đó, Bảo tàng tỉnh đã chủ động xây dựng các đề án, ký kết nhiều kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng và kết nối các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Đến nay, công tác tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Đ/c Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL và đ/c Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định 
ký kết Kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh, năm 2016

2. Sau khi mở cửa trưng bày (tháng 10/2012), Bảo tàng đã xây dựng chương trình hành động nhằm đưa giáo dục trở thành điểm sáng trong các hoạt động chuyên môn của bảo tàng. Bảo tàng tiếp tục đầu tư mới cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các nội dung trưng bày; thành lập bộ phận tuyên truyền giáo dục; xây dựng các Đề án: “Tổ chức các trò chơi dân gian và tìm hiểu kiến thức lịch sử văn hoá cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh Nam Định” năm 2014 và “Tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Nam Định” năm 2015. Xác định hoạt động giáo dục của bảo tàng hướng tới mọi đối tượng công chúng, trong đó chú trọng công chúng tiềm năng là học sinh, vì thế Bảo tàng đã tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ký kết các kế hoạch với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh qua các năm 2013, 2014, 2016 và tiếp tục triển khai trong các năm tiếp theo. 
Việc xây dựng và đưa Đề án giáo dục của bảo tàng vào hoạt động không chỉ  phát huy chức năng của thiết chế bảo tàng, chủ động đưa bảo tàng đến với công chúng mà còn nhằm thực hiện Đề án của Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ...". Với vị thế là một cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, có khả năng và thế mạnh riêng, Bảo tàng tỉnh Nam Định cung cấp những thông tin, tri thức về khoa học, lịch sử, văn hóa cho công chúng một cách hấp dẫn, dễ hiểu, góp phần tích cực làm giàu tri thức hiểu biết cho cộng đồng cũng như hoàn thiện nhân cách con người. Hiện nay, hoạt động giáo dục của Bảo tàng tỉnh Nam Định được tổ chức với nhiều nội dung đa dạng, phong phú bao gồm:
- Hướng dẫn tham quan tại bảo tàng:



Tham quan, tìm hiểu lịch sử xã hội tỉnh Nam Định (Từ thời Tiền sơ sử, qua các triều đại phong kiến đến thời kỳ cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ); tìm hiểu các chuyên đề: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt - bản sắc và giá trị; triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý.
Tham quan Di tích Lịch sử Văn hóa Cột cờ Nam Định: tìm hiểu về công trình kiến trúc Cột cờ gắn với Thành cổ Nam Định, Công chúa Giám thương - liệt nữ anh hùng chống Pháp bảo vệ Thành Nam cuối thế kỷ XIX, một số hình ảnh tiêu biểu của Thành Nam xưa... 


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định và nhân dân tham quan trưng bày Di sản Văn hóa Trần, năm 2009

Tổ chức chương trình giáo dục: 
+ Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống và đương đại (Kéo co, bịt mắt đánh trống, đi cầu khỉ, leo cột lấy cờ, nhảy bao bố, truyền vòng, ai nhanh hơn, đua nghé ngọ trên cạn, truyền bóng, vượt chướng ngại vật ném bóng rổ...).
+ Tổ chức biểu diễn văn hóa phi vật thể: múa rối nước, hát Chầu văn,...
+ Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khám phá: trải nghiệm vấn khăn, mặc trang phục một số giá đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Tết Nguyên đán (Thi tìm hiểu phong tục Tết cổ truyền của người Việt, trang trí mâm ngũ quả ngày Tết, gói bánh chưng, viết chữ thư pháp); Tết Trung thu (thi cắm trại, liên hoan văn nghệ, làm bánh trung thu, làm các loại đồ chơi trung thu truyền thống,...); trải nghiệm tập làm bác nông dân (làm vườn, cấy lúa, trồng hoa, nhận biết và thu hoạch một số nông sản...)
+ Tổ chức các tiết học lịch sử, mỹ thuật... cho học sinh, sinh viên tại bảo tàng.
+ Tổ chức thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương (bằng hình thức trắc nghiệm): các sự kiện lịch sử tiêu biểu, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các danh nhân tiêu biểu...
+ Tổ chức các tuyến điểm tham quan hệ thống bảo tàng và di tích tiêu biểu trong tỉnh: Bảo tàng Đồng Quê, Bảo tàng Dệt may Việt Nam, Bảo tàng Kỷ vật Chiến tranhNhà lưu niệm nhà thơ Tú Xương, Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ, Nhà lưu niệm và Khu tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Trường ChinhKhu di tích lịch sử văn hóa đền Trần và chùa Phổ Minh, Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Nhà thờ Bùi Chu và Cô nhi viện Thánh An, Vườn quốc gia Xuân Thủy... 
- Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề 
Nội dung về lịch sử, văn hóa của Nam Định như: phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học về Tư tưởng nhân văn quân sự của các danh nhân, danh tướng tiêu biểu thời Trần (1225 - 1400); tổ chức nói chuyện chuyên đề: về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, về các Di sản văn hóa Phi vật thể của Nam Định…
- Xuất bản các ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng như:
Tập gấp: giới thiệu triển lãm Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị, giới thiệu di tích lịch sử văn hóa Cột cờ Nam Định. Sách (kỷ yếu) Bảo tàng tỉnh Nam Định 60 năm xây dựng và trưởng thành.
3. Trong thời gian qua, việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Nam Định bước đầu thu được nhưng kết quả nhất định. Trung bình hàng năm, bảo tàng đón khoảng 21.000 lượt khách từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 11.000 lượt học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Khách tham quan, đặc biệt là giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh học sinh đã có những phản hồi tích cực sau khi tham gia các hoạt động này. Em Trần Thị Lan Hương, học sinh lớp 10 E1 trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định ghi cảm tưởng khi đến với bảo tàng: "Một chuyến đi bổ ích và lý thú, lớp chúng em thực sự rất xúc động. Em rất vui và tự hào vì là một người con của đất Thành Nam. Chúng em đã hiểu thêm rất nhiều về lịch sử cùng những khổ cực mà cha ông ta đã trải qua. Lớp chúng em, 35 bạn, hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông ta".
Nhà giáo Trần Đức Minh: "Được đến tham quan Bảo tàng tỉnh Nam Định tôi thực sự cảm động... Những hiện vật vô cùng giá trị, làm cho mọi người dân Việt Nam nói chung, nhân dân Nam Định nói riêng thêm yêu quý, tự hào và trân trọng lịch sử, truyền thống của dân tộc ta. Tôi cảm nhận rằng, trong thời hiện đại, Bảo tàng đã là cầu nối để quá khứ sống cùng hiện tại. Đó là vốn quý báu..."
Trần Thị Oanh, một du khách xúc động ghi trong sổ cảm tưởng sau khi tham quan bảo tàng: "Hôm nay tôi cùng chồng và con gái đến tham quan bảo tàng. Hiểu được giá trị của cuộc sống, những hy sinh anh dũng của những người đi trước để lại một bầu trời yên bình cho chúng ta hôm nay... tự nhủ rằng sẽ luôn cố gắng là một người con, người cháu biết trân trọng và phát huy tiếp những gì tốt đẹp của ông cha ta đã gìn giữ đến đời nay. Xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến những ông, bác, cô, chú cán bộ bảo tàng là người truyền lửa yêu dân tộc và tự hào dân tộc đến với chúng con!".
Trần Đức Ngọc, hướng dẫn viên theo tuyến: "Tôi từng đưa nhiều đoàn khách đi thăm nhiều bảo tàng và gặp gỡ giao lưu cùng các hướng dẫn viên tại đó. Nhưng ít đâu có được những hướng dẫn viên tuyệt vời như các chị ở đây. Sự nhiệt huyết, hăng say được thể hiện trong từng lời dẫn, có lẽ điều đó chỉ những người có trách nhiệm và yêu nghề mới có được. Tôi rất vui mừng và cũng học hỏi được rất nhiều từ những đồng nghiệp là hướng dẫn viên tại bảo tàng".
Những tình cảm yêu mến của du khách chính là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để những cán bộ làm công tác giáo dục của Bảo tàng tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa góp phần đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng.
4. Để hoạt động giáo dục phát huy tối đa hiệu quả, trong thời gian tới Bảo tàng tỉnh Nam Định cần tiếp tục ký kết các kế hoạch phối hợp dài hạn tổ chức các hoạt động giáo dục tại bảo tàng, tiếp tục triển khai các hoạt động giáo dục theo Đề án; nghiên cứu, bổ sung có chọn lọc các hoạt động giáo dục hấp dẫn phù hợp với các đối tượng khách tham. Bảo tàng cần quan tâm, tiếp tục đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, đặc biệt là tổ chức sắp xếp, bố trí bộ phận tuyên truyền giáo dục chuyên nghiệp hơn đáp ứng yêu cầu tổ chức tốt các hoạt động giáo dục.
Với những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, hệ thống trưng bày có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy, năng động, sáng tạo, nội dung chương trình phong phú, hấp dẫn, hoạt động giáo dục là một điểm sáng trong tổ chức và hoạt động của Bảo tàng tỉnh Nam Định, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ của công chúng về di sản văn hóa, và là điểm đến hấp dẫn của du khách khi về Thành Nam.

Nguyễn Thị Thu Hường
Tổ trưởng Tổ Hướng dẫn tham quan

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập